| Hotline: 0983.970.780

Đàn chim yến suy giảm do săn bắt và vùng thức ăn thu hẹp

Thứ Ba 25/07/2023 , 13:49 (GMT+7)

Nguyên nhân dẫn tới đàn chim yến suy giảm do thu hẹp nguồn thức ăn cộng vấn nạn săn bắt chim yến tại các tỉnh, thành có nghề nuôi yến.

Một nhà dẫn dụ chim yến. Ảnh: KS.

Một nhà dẫn dụ chim yến. Ảnh: KS.

Chim yến dịch chuyển bầy đàn theo nguồn thức ăn

Ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho biết, đến nay cả nước có khoảng 24.000 nhà dẫn dụ chim yến, tăng gần 4.000 nhà so với cuối năm 2021.

Theo ông Khiêm, bản chất chim yến chưa phải là động vật nuôi chính thức, bởi chúng ta chưa nuôi chúng ngày nào mà chỉ dẫn dụ về nơi ở để thu hoạch tổ yến đem bán, chứ không kinh doanh bán thịt chim yến.

Tuy nhiên, điều đáng báo động là bầy đàn chim yến của nước ta hiện suy giảm mạnh. Điều này minh chứng khi nhiều nhà yến ở khu vực miền Trung, một số tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên đã thành công dẫn dụ chim yến cách đây khoảng 10 năm, hiện sản lượng tổ đều suy giảm.

Bài liên quan

“Thông thường, khi nhà yến tăng sản lượng tổ yến, chim yến cũng phải tăng theo tỷ lệ thuận. Tuy nhiên trước năm 2020, mỗi năm chúng ta thu hoạch khoảng 150 tấn tổ yến nhưng sau năm 2022 và đến thời điểm hiện tại tính sơ bộ chỉ còn trên 100 tấn đến 120 tấn”, ông Khiêm chia sẻ.

Như tại Phú Yên, từ năm 2021 trở về trước, 1 nhà yến thành công mỗi năm thu hoạch sản lượng từ 30-40kg tổ yến, nhưng đến năm 2022 sản lượng tổ yến còn dưới 20 kg xảy ra hầu hết các nhà yến.

Vậy tại sao nhà yến tăng mà sản lượng tổ yến, chim yến đều giảm? Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho rằng có 2 nguyên nhân chính.

Đó là do quá trình đô thị hóa nhanh trên các tỉnh, thành trên toàn quốc dẫn đến vùng thức ăn của chim yến bị thu hẹp. Từ đó, khiến chim yến di cư hay nói chính xác hơn là dịch chuyển bầy đàn, tức là chim yến dịch chuyển theo nguồn thức ăn của nó.

Chim yến được dẫn dụ cho tổ yến. Ảnh: KS.

Chim yến được dẫn dụ cho tổ yến. Ảnh: KS.

Trong khi đó, một số tỉnh còn nguồn thức ăn dồi dào dọc biên giới Campuchia chim non tập trung về đây lấy thức ăn rất nhiều. Như vậy nguyên nhân thiếu vùng thức ăn đã khiến chim yến các tỉnh phía miền Trung bị dịch chuyển đi dẫn đến sản lượng tổ yến giảm đi, thậm chí ở một số các tỉnh khu vực miền Tây.

Còn một số tỉnh không đô thị hóa song chim non vẫn dịch chuyển bởi chúng ta sản xuất nông nghiệp không thân thiện với môi trường, lạm dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV nên côn trùng là thức ăn của chim yến bị tiêu diệt.

Do đó, dù có ruộng lúa bao la, ao hồ, sông suối đều hội tụ, phù hợp điều kiện phát triển cho chim yến song thức ăn không còn buộc chim yến cũng phải dịch chuyển tìm thức ăn tại những vùng hoang sơ, chưa ai đụng đến như rừng U Minh hay những cánh rừng được nhà nước bảo vệ nghiêm ngặt.

Chính vì vậy, các nhà yến ở khu vực ĐBSCL có sản lượng tổ yến còn cao là nhờ vào những vùng thức ăn dồn dào này. Song những tỉnh sản xuất nông nghiệp làm dụng phân, thuốc sản lượng tổ yến cũng giảm không kém.

Việc giảm đàn yến có nguyên nhân do bẫy chim. Ảnh: KS.

Việc giảm đàn yến có nguyên nhân do bẫy chim. Ảnh: KS.

Bẫy lưới tàng hình khiến đàn chim suy giảm mạnh

Nguyên nhân chính nữa khiến chim hoang dã nói chung và chim yến nói riêng suy giảm mạnh đó là dùng lưới tàng hình săn bắt. Đây là loại lưới có nguồn gốc từ Trung Quốc, mỗi tấm lưới cho chiều cao 1-2m và được nối dài hàng trăm mét, sau khi được giăng xong gần như vô hình giữa không trung, mắt người đứng từ xa cũng khó mà nhìn thấy được.

Thông thường, những tấm lưới tàng hình được các đối tượng giăng bẫy bắt chim tại các cánh đồng hoặc tất cả những nơi mà đàn chim yến kiếm ăn.

Đối với chim yến có đặc điểm khi đi kiếm ăn theo tiếng gọi bầy đàn, một khi một con dính lưới cả bầy đàn lao đến cứu đồng loại và đâm đầu mắc vào tấm lưới. Nên có khi một nhà yến hôm nay có vài ngàn con nhưng tối về chỉ còn vài con là chuyện thường xảy ra một số nhà yến.

Tại Phú Yên từ năm 2019 đến nay, tình trạng bẫy chim hoang dã, trong đó có chim yến diễn ra nhiều nơi trong tỉnh và trở thành một điểm nóng của vấn nạn bẫy chim.

Chim yến bị chết do dính bẫy lưới. Ảnh: DK.

Chim yến bị chết do dính bẫy lưới. Ảnh: DK.

Anh Lê Quyết Thắng, Phó Ban Bảo vệ chim yến thuộc Hội Yến sào Phú Yên cho biết, hiện tai rất nhiều người dân vẫn chưa hiểu được việc săn bắt chim hoang dã, chim yến là vi phạm pháp luật. Người dân dẫn còn nghĩ “chim trời, cá nước” đó là của trời cho nên bất cứ ai cũng có quyền bắt, bẫy chim.

"Thời gian qua, chúng tôi liên tục phát hiện nạn giăng bẫy bắt chim yến trên địa bàn tỉnh. Trong đó, từ đầu năm đến nay chúng tôi phát hiện 9 vụ, trong đó 1 vụ bẫy chim bằng lưới tàng hình với quy mô lớn tại ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa. Cơ quan chức năng đã lập biên bản đối tượng vi phạm, tịch thu tang vật gồm xe máy, hơn 300m lưới tàng hình và một lồng đầy chim sẻ, có cả chim yến”, anh Thắng nói.

Thế nhưng, anh Thắng đau xót nhất là vụ giăng bẫy chim yến tại thôn Phú Vang, xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) vào năm 2021 khi chứng kiến gần cả trăm con yến mắc lưới dày đặt kêu eng éc rất thảm thương.

Một điểm nóng về tình trạng săn bẫy chim cũng phải kể đến tại thị xã La Gi (Bình Thuận). Ông Đỗ Nguyễn Thy Linh, Chủ tịch Chi hội Yến sào Bình Thuận trực thuộc Hiệp hội Yến sào Việt Nam, cho biết, cách đây 2-3 năm tại xã Tân Tiến, thị xã La Gi có hẳn một làng với hàng chục hộ dân chuyên săn bắt chim hoang dã, trong đó chủ lực là chim yến.

Tuy nhiên, thời gian gần đây nhóm bẫy chim này không còn hoạt động rầm rộ, cũng như không công khai săn bắt nữa mà rút hẳn vào những nơi ít người qua lại để bẫy chim.

Từ đầu năm đến nay, Hội Yến sào Phú Yên phát hiện 9 vụ bẫy chim. Ảnh: KS.

Từ đầu năm đến nay, Hội Yến sào Phú Yên phát hiện 9 vụ bẫy chim. Ảnh: KS.

“Hiện tại tuy có giảm nhưng tình trạng bẫy chim yến vẫn còn. Bây giờ chủ nhà yến tuần tra phát hiện và có đầy đủ chứng cứ thì chính quyền vẫn xử lý. Bây giờ có luật và người ta biết luật nhưng không sợ, vẫn săn bắt chim yến, chỉ có điều không làm công khai như trước thôi”, ông Linh cho hay và cho biết, từ đầu năm đến nay, Chi hội Yến sào Bình Thuận phát hiện 7 vụ găng bẫy chim yến.

Theo ông phạm Duy Khiêm, tình trạng săn bắt chim yến theo kiểu tận diệt khiến đàn chim yến giảm dần, gây thiệt hại không nhỏ và người nuôi bức xúc. Ngoài tỉnh Phú Yên, Bình Thuận thì các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vùng Tàu, Đăk Lăk... cũng “nóng” về việc bẫy chim yến. Còn với các tỉnh thành còn lại có bẫy chim song tình trạng nhẹ hơn.

Anh Lê Quyết Thắng, Phó ban Bảo vệ chim yến thuộc Hội Yến sào Phú Yên cho biết, Ban Bảo vệ chim yến hiện có 12 thành viên. Bên cạnh việc tuần tra phát hiện vụ bẫy chim yến thì chúng tôi nhận nguồn tin báo của người nuôi chim yến thông qua đường dây nóng của Hội Yến sào Phú Yên. Chứ hiện nay, người dân không liên quan chẳng ai quan tâm mà phản ánh về việc bẫy chim cả. Trong khi địa bàn rộng bao lớn, chúng tôi cũng không thể kiểm soát được về việc bẫy chim đang ở đâu.

Xem thêm
Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Hà Nội có 124 cơ sở được cấp mã số vùng trồng với 794 ha

Mã số vùng trồng được cho là phương pháp quản lý tận gốc chất lượng nông sản, tuy nhiên câu chuyện thực hiện và giám sát nó hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.