| Hotline: 0983.970.780

Lấp lánh ngọc trai hồ Núi Cốc, ý tưởng độc đáo sắp thành hiện thực

Thứ Tư 03/01/2018 , 09:15 (GMT+7)

Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên) được du khách đánh giá cao bởi phong cảnh huyền ảo, mộng mơ. Giữa lòng non nước, mây núi hữu tình với diện tích 25km2, nơi đây vừa mới hình thành một mô hình sản xuất được kì vọng sẽ mang lại giá trị vàng cho dòng sông bạc. Đó là nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc.

Gửi tình yêu vào nước

Khi xem chương trình "Sinh ra từ làng" trên sóng VTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Trịnh Việt Hùng đặc biệt thích thú với mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại Ninh Bình. Vốn là sinh viên trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, ông Hùng đã đề nghị nhà trường phối hợp với địa phương tìm hiểu, ứng dụng.

09-47-15_1
Mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại hồ Núi Cốc đã đạt được những thành công bước đầu

Ngay sau khi tổ chức đoàn công tác về tận Ninh Bình tham quan, học tập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh xây dựng Dự án ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc.

Ý tưởng độc đáo đã gặp được hoài bão lớn của nhà khoa học. Thạc sỹ Trần Viết Vinh (Khoa Thủy sản, Đại học Nông lâm Thái Nguyên) đã mạnh dạn đứng ra làm chủ nhiệm đề tài. Có một điểm chung giữa ông Hùng và ông Vinh là cả hai đều sinh ra và lớn lên ngay bên bờ hồ Núi Cốc.

Ông Vinh cho biết, sau khi tham quan, học tập tại doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc Pearl (Yên Khánh, Ninh Bình), nhận thấy, nhân lực sẵn có chắc chắn đảm bảo được việc ứng dụng kỹ thuật cấy ghép ngọc nhân tạo và nuôi trai nước ngọt lấy ngọc.

Một yếu tố đặc biệt khác là năm 2016, các chuyên gia Nhật Bản khảo sát và đánh giá chất lượng ngọc trai thu tại hồ Núi Cốc cao hơn hẳn so với các tỉnh khác ở miền Bắc (dầy, tròn, bóng, kích cơ, không tì vết). Vậy là ông Vinh tự nguyện nhận luôn vai trò là chủ đầu tư thực hiện dự án với tên pháp nhân là Cty TNHH Phát triển nông nghiệp Thảo Vân.

Công ty đã cử 4 kỹ thuật viên về học tập và đào tạo tại Ninh Bình. Đồng thời, thực hiện thu gom trai nguyên liệu từ các sông, hồ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Sau đó tiến hành phân loại, lựa chọn những con đủ tiêu chuẩn để làm trai nguyên liệu cấy. Trai nguyên liệu cấy ngọc được lựa chọn có độ tuổi từ 2 - 6 năm, trọng lượng đạt từ 300g trở lên, hình dạng cân đối.

Có 2 loại trai nguyên liệu là trai xanh cánh mỏng (cho ngọc ánh vàng) và trai đen cánh dày (cho ngọc ánh tím). Ngọc trai tự nhiên phải mất hàng chục năm mới có ngọc. Trong khi đó phương pháp cấy nhân vào cơ thể con trai thì ngọc đạt chất lượng tốt, thời gian lấy ngọc nhanh hơn.

Sau khoảng 18 - 20 tháng là đã thu được ngọc trai. Song hành với việc chuẩn bị nguyên liệu trai cấy ngọc, Cty Thảo Vân cũng xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất gồm các bể nuôi chờ cấy, lồng bè trên hồ để nuôi sau cấy, nhà xưởng, kho bãi... Tháng 4/2017, việc cấy ngọc được thực hiện với số lượng 200 ngàn viên nhân cấy cho 50 ngàn con trai nguyên liệu.

Về kỹ thuật cấy ngọc, ông Vinh say sưa nhân cấy có các loại kích cỡ từ 0,6 - 1cm2. Viên nhân cấy có xuất xứ từ Nhật Bản. Mỗi con trai nguyên liệu có thể được cấy từ 3 - 4 nhân. Trai nguyên liệu sau khi thu mua về phải có thời gian thích ứng với môi trường nuôi mới. Phải hãm sự hoang dã, tức là làm giảm sức khỏe của trai thì mới dễ thao tác cấy nhân. Khi thực hiện cấy, kỹ thuật viên phải thực hiện vô trùng nhà thao tác kỹ thuật; thực hiện nghiêm túc, khắt khe kỹ thuật tách vỏ trai nguyên liệu, cắt tế bào gốc, đặt nhân...

09-47-15_2
Thạc sỹ Trần Viết Vinh kiểm tra trai cấy nhân trên hồ Núi Cốc

Khu vực nuôi trai nước ngọt lấy ngọc trong lòng hồ Núi Cốc của doanh nghiệp Thảo Vân tại xã Tân Thái (huyện Đại Từ) được bố trí trên diện tích 1ha. Trai sau khi cấy được cho vào bể nuôi từ 20 - 25 ngày.

Để hạn chế trai nhả ngọc, kỹ thuật viên cho vào bể một tỷ lệ dung dịch Flo khiến trai không mở miệng, ắt phải ngậm ngọc. Sau đó, mỗi con trai lại được cho vào một chiếc túi, treo vào lồng bè. Nếu trai nhả ngọc thì vẫn có thể thu được ngọc trong túi đựng. Trai sống lơ lửng, tích lũy phù du, màu mỡ của nước hồ, phủ màng xà cừ lên nhân ngọc. Người nuôi có thể kiểm tra định kỳ, thường xuyên để vệ sinh mảng bám hoặc vi sinh vật gây hại.
 

Thành công

Ngày ngày, khi hết giờ giảng trên giảng đường hay thực nghiệm cùng sinh viên tại trung tâm thủy sản của trường đại học, thạc sỹ Trần Viết Vinh lại phóng xe máy gần 20km vào khu vực nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Anh cho biết, tỷ lệ trai sống sau cấy ngọc đạt trên 80%. Đó là con số lý tưởng.

Lái thuyền máy đưa chúng tôi ra khu vực lồng bè nuôi trai lấy ngọc giữa lòng hồ, anh giải thích, việc cho trai vào túi, treo vào lồng bè sẽ giúp việc di chuyển khi cần đưa vật nuôi đến vị trí có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt là dễ dàng trong việc kiểm tra cũng như thu hoạch.

09-47-15_3
Ảnh: Đồng Văn Thưởng

Mang một con trai đã cấy ngọc được 8 tháng, anh thực hiện thao tác mổ để kiểm tra ngọc. 3 viên ngọc trai lấp lánh được lấy ra. Mỗi chúng tôi đều ngạc nhiên, trầm trồ, anh bảo, dù mới được 8 tháng nhưng nhân đã được phủ kín. Tốc độ phủ ngọc của trai nguyên liệu nuôi tại đây được đánh giá là rất nhanh so với các vùng nuôi khác.

Ông Tạ Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho biết, qua theo dõi bước đầu, khả năng tạo ngọc của trai được nuôi trong dự án có tốc độ phủ ngọc nhanh, khả năng sinh trưởng nhanh, chất lượng ngọc sáng bóng. Theo dự kiến, đến tháng 10/2018, sẽ thu hoạch được 196.000 viên ngọc trai. Hiệu quả kinh tế đem lại khá cao, chi phí một con trai để nuôi, cấy ghép chỉ hết 35.000 đồng. Song, giá bán hiện tại trên thị trường một viên ngọc trai loại trung bình có giá từ 400.000 - 800.000 đồng, ngọc trai loại đẹp từ 2 - 4 triệu đồng.

Ngoài sản phẩm chính là ngọc trai, vỏ trai còn được tận dụng làm các đồ thủ công mỹ nghệ, thịt trai dùng làm thực phẩm hoặc làm thức ăn chăn nuôi. Nuôi trai lấy ngọc cũng làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước và có thể nuôi kết hợp với các loài thủy sản khác.

Ông Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, kỹ thuật nuôi trai nước ngọt lấy ngọc được coi như công nghệ mạ sinh học, là dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Mô hình thành công sẽ là cơ sở để nhân rộng và hướng đến việc hình thành các hộ vệ tinh tham gia. Ngoài giải quyết việc làm cho người dân, khai thác tiềm năng thủy sản còn góp phần quan trọng vào việc phát triển du lịch hồ Núi Cốc với định hướng trở thành trung tâm du lịch Quốc gia.

 

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.