| Hotline: 0983.970.780

Lật lại dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công

Thứ Tư 04/10/2017 , 08:23 (GMT+7)

Chúng tôi xin ghi lại một số quan điểm của các nhà khoa học, nhà quản lí đã từng đóng góp cho dự án đê biển này hồi năm 2012, khi nó vừa mới được Bộ NN-PTNT đề xuất.

Năm 2012, ý tưởng về dự án xây dựng đê biển Vũng Tàu - Gò Công nhằm giải quyết cho vấn đề ngập lụt của TP.HCM đã từng được Bộ NN-PTNT nghiên cứu báo cáo Chính phủ, đồng thời lấy ý kiến rộng rãi và đã được đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học đồng tình ủng hộ.


TS Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam: Nhiều giá trị kinh tế ngoài khả năng thoát lũ

16-34-29_2
Vị trí được đề xuất xây đê biển Vũng Tàu - Gò Công (đường nối các điểm C1, C2, C3)

Dự án có thể giúp kiểm soát lũ, chống ngập lụt và các thiên tai từ biển. Thông qua cống kiểm soát triều ở đê, có thể khống chế mực nước trong hồ theo yêu cầu. Với diện tích mặt nước ước khoảng 56.000ha và dung tích hồ chứa 3,3 tỷ m3, có thể chứa lũ, chứa nước mưa khi triều lên, khi triều rút thì xả nước mưa và lũ, như vậy khả năng thoát lũ của các sông sẽ tăng lên tạo điều kiện thoát lũ vùng Đồng Tháp Mười và khu vực TP.HCM.

Theo kết quả tính toán sơ bộ, tổng lượng nước được tiêu sẽ tăng lên xấp xỉ 2 lần trong cùng một đơn vị thời gian. Do đó mực nước trên sông sẽ được hạ thấp, tạo điều kiện tăng khả năng thoát nước mưa từ hệ thống cống rãnh trong thành phố. Con đê lớn và bền vững có thể kiểm soát các loại thiên tai từ biển như phòng chống sóng, gió bão đối với tàu bè, bảo vệ tài sản và nhân dân ven biển trong khu vực. Đồng thời kiểm soát xâm nhập mặn, tạo ra trục giao thông thuận lợi kết nối giữa các vùng, tạo quỹ đất rộng rãi dọc hai bên đê để xây dựng cảng biển cho Vũng Tàu, Tiền Giang và các tỉnh trong vùng.

Với diện tích 56.000ha mặt nước mới được tạo ra và còn khoảng 5.000ha vùng trũng thấp bán ngập ven hồ, ven sông chưa được sử dụng, sẽ dành một phần đất để phát triển các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ và các khu đô thị thuộc TP Vũng Tàu, TP.HCM, Tiền Giang và Long An. Riêng TP.HCM, diện tích vùng trũng thấp (khoảng gần 100.000ha) sẽ được khai thác hiệu quả hoặc phát triển đô thị một cách an toàn. 

Bên cạnh đó, công trình này còn có thể kết hợp sử dụng năng lượng thủy triều, điện gió. Theo tính toán sơ bộ, nếu đầu tư xây dựng trạm thủy điện sử dụng năng lượng thủy triều có thể đem lại công suất lắp máy khoảng 300.000kW, điện lượng 2,0*109 kWh (đã trừ 3 tháng mùa lũ không điều hành phát điện). Phía trong đê còn là nơi dự trữ nguồn nước ngọt trong tương lai với khoảng 5 tỷ m3. Đặc biệt, không còn phải đầu tư vốn xây dựng các cống lớn và hệ thống đê trong khu vực như Cống Vàm Cỏ rộng khoảng 800m (đã nghiên cứu xây dựng tiền khả thi năm 2005); cống trên sông Lòng Tàu (đáy sông sâu 30m, rộng khoảng 300m) và Soài Rạp (rộng khoảng 3km, sâu khoảng 20m)... 

Hệ thống đê sông của Long An, hệ thống đê biển của TP.HCM và vùng Gò Công của Tiền Giang khoảng 300km theo đó cũng không cần phải xây dựng mới ở TP.HCM và nâng cấp...

Chuyên gia Lã Song Toàn, Viện Quy hoạch Thủy lợi: Mô hình đê biển Saemangeum của Hàn Quốc

16-34-29_1
Dự án đê biển Saemangeum của Hàn Quốc (nguồn Koreaittimes.com) có nhiều nét tương đồng với ý tưởng đê biển Vũng Tàu - Gò Công

Hiện nay, do vùng Đồng Tháp Mười chưa có công trình kiểm soát lũ như vùng Tứ Giác Long Xuyên nên việc phát triển kinh tế ở vùng Đồng Tháp Mười đã đến mức giới hạn. Muốn tiếp tục phát triển, vùng này cần phải có công trình kiểm soát được lũ và mặn, trong đó việc xây dựng tuyến đê biển Gò Công - Vũng Tàu cùng một số giải pháp kiểm soát lũ trên sông Tiền và ven biển sẽ kiểm soát được lũ và mặn, tạo ra một tình thế mới cho nhân dân trong vùng phát triển.  

Trên thế giới, Dự án đê biển Saemangeum của Hàn Quốc (khánh thành năm 2010) là một dự án lớn, có đặc thù gần như tương đồng với ý tưởng đê biển Vũng Tàu - Gò Công. Sự thành công của dự án Saemangeum của Hàn Quốc cho thấy đây là mô hình hoàn toàn có thể áp dụng cho Việt Nam.

Ý tưởng dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công kết hợp với chuỗi đô thị ven biển do GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi làm chủ nhiệm dự án nghiên cứu cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành thuộc Tổng cục Thủy lợi và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện từ năm 2010.

Ý tưởng về dự án này sau đó đã nhận được nhiều luồng quan điểm ủng hộ, cho rằng cần phải triển khai càng sớm càng tốt, nhưng cũng có một số ý kiến lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng, biến đổi hệ sinh thái ven biển... Dự án cũng đã từng được Bộ NN-PTNT trình, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cũng như UBND TP.HCM từ năm 2012. Tuy nhiên sau đó, với nhiều lí do, UBND TP.HCM đã không đồng ý việc xây dựng tuyến đê biển này do lo ngại ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ cũng như ảnh hưởng tới giao thông đường thủy...

 

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.