| Hotline: 0983.970.780

Lấy 'nhất giống' để phát triển cây ăn quả có múi bền vững

Thứ Ba 12/12/2023 , 09:47 (GMT+7)

HÀ TĨNH Để không lệ thuộc vào thị trường cây giống ngoại tỉnh, tỉnh Hà Tĩnh khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp bảo tồn, lưu giữ nguồn gen cây ăn quả có múi.

Kiểm soát chất lượng cây giống phục vụ trồng mới, tái canh

Giai đoạn 2011 - 2012, khi Ban chỉ đạo Chương trình Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh phát động phong trào toàn dân phát triển mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân thì những địa phương có lợi thế quỹ đất đồi núi dồi dào như huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc bắt tay khôi phục lại các vùng cây ăn quả có múi. Diện tích trồng mới cây cam chanh, cam bù, bưởi Phúc Trạch truyền thống hay các giống mới như bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam V2, cam giòn… tăng lên theo từng năm.

Công tác giống là một trong những yếu tố tiên quyết đảm bảo tính bền vững cho vườn cây ăn quả có múi. Ảnh: Thanh Nga.

Công tác giống là một trong những yếu tố tiên quyết đảm bảo tính bền vững cho vườn cây ăn quả có múi. Ảnh: Thanh Nga.

Thậm chí có những thời điểm (năm 2016 – 2017) nhà nhà trồng cam, người người trồng bưởi khiến cho thị trường có biểu hiện cung vượt cầu. Đáng nói, việc phát triển nóng diện tích này của người dân nhưng không chú trọng đến công tác giống, bảo vệ đất, môi trường sinh thái khiến hiệu quả sản xuất một số vùng chưa đạt như kỳ vọng.

Qua thời gian, ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương rà soát, định hướng lại nên diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh giảm xuống một phần và hiện đang giữ ở mức ổn định trên dưới 13.000ha. Trong đó cây cam hơn 7.200ha, diện tích cho sản phẩm hơn 6.100ha; cây bưởi đạt hơn 4.400ha, diện tích cho thu hoạch gần 3.000ha.

“Hiện nay cam, bưởi vẫn là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, nhiều diện tích đã gần hết chu kỳ khai thác, chuẩn bị trồng tái canh nhưng để đảm bảo tính bền vững cho vườn cây, người dân cần thay đổi tập quán tự chiết cành nhân giống; lựa chọn những cơ sở cung ứng giống chất lượng để loại bỏ các mầm bệnh truyền nhiễm ngay khi mới trồng lại”, một cán bộ Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Sơn – thủ phủ cây cam bù khuyến cáo.

Huyện biên giới Hương Sơn hiện có hơn 2.000ha cam, trong đó diện tích cam bù chiếm trên 1.100ha. Để phát triển bền vững cây trồng chủ lực này, mới đây, chính quyền địa phương đã làm việc, kêu gọi Tập đoàn Vingroup hỗ trợ đầu tư hạ tầng, khoa học kỹ thuật để khôi phục lại Khu Bảo tồn, nhân giống, phát triển cây cam bù tại xã Sơn Lễ với diện tích hơn 2,6ha.

Tập đoàn Vingroup từng hỗ trợ Trại giống Truông Bát hơn 3 tỷ đồng xây dựng hạ tầng, công nghệ bảo tồn nguồn gen và sản xuất giống cây ăn quả. Ảnh: Thanh Nga.

Tập đoàn Vingroup từng hỗ trợ Trại giống Truông Bát hơn 3 tỷ đồng xây dựng hạ tầng, công nghệ bảo tồn nguồn gen và sản xuất giống cây ăn quả. Ảnh: Thanh Nga.

Trước mắt, để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn 200 cây cam bù đầu dòng và vườn cây bố mẹ, huyện Hương Sơn giao các phòng ban chuyên môn rà soát, đề xuất phương án trích ngân sách cải tạo làm sạch vườn ươm giống, sửa chữa nhà lưới hư hỏng, hệ thống tưới tiêu. Mời Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) đánh giá lại chất lượng toàn bộ vườn cây đầu dòng và cây bố mẹ, trường hợp cây nào không đảm bảo thì tổ chức thanh lý; đồng thời thực hiện nhân giống cây bố mẹ từ vườn cây đầu dòng làm cơ sở cho công tác sản xuất giống cam bù đảm bảo chất lượng trong thời gian tới.

Giống đặc biệt quan trọng khi chuyển sang sản xuất hữu cơ

Được Hà Tĩnh đầu tư mạnh hơn, chuyên sâu hơn về hạ tầng, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác giống cây ăn quả có múi là Trại Thực nghiệm và Sản xuất giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp Truông Bát (viết tắt là Trại giống Truông Bát) ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê (trực thuộc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh).

Năm 1994, Trại giống Truông Bát được thành lập với chức năng nhiệm vụ chủ yếu là khảo nghiệm một số giống cây ăn quả và cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn năm 2000 -  2008, Trại hoạt động chủ yếu là khảo nghiệm và trồng thử tập đoàn cây lâm nghiệp. Năm 2008 đến cuối 2017, các hoạt động tại đơn vị gần như “khai  tử”, đất đai hoang vu, cây cối, nhà cửa, kết cấu hạ tầng khảo nghiệm sản xuất giống bị xuống cấp trầm trọng.

Hiện Trại giống Truông Bát đã phát triển 'kho' cây bố mẹ (S0 và S1) lên 450 cây. Ảnh: Thanh Nga.

Hiện Trại giống Truông Bát đã phát triển “kho” cây bố mẹ (S0 và S1) lên 450 cây. Ảnh: Thanh Nga.

Đến cuối năm 2017, Tập đoàn VinGroup trở thành “bà đỡ”, hỗ trợ Trại giống Truông Bát hơn 3 tỷ đồng xây dựng 7 nhà lưới với diện tích hơn 1.300m2; nhà thiết kế để sản xuất 15 – 20 bầu giống/năm; 1 nhà kho; hệ thống điện; đường bê tông; kênh mương nội đồng… Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cùng tham gia kêu gọi xã hội hóa nguồn lực đã khôi phục nhà điều hành, chăm sóc cây, trồng thực nghiệm một số giống cây ăn quả, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện việc bảo tồn nguồn gen và sản xuất giống cây ăn quả.

“Từ năm 2020 đến nay, trên diện tích 3ha chúng tôi đã phát triển được “kho” cây bố mẹ (S0 và S1) lên đạt 450 cây. Trong đó gồm 75 cây S0 và 375 cây S1 với các giống bưởi Phúc Trạch, cam chanh Hà Tĩnh, cam bù, cam Khe Mây và quýt khốp Kỳ Anh”, ông Nguyễn Xuân Toàn, Trại trưởng Trại giống Truông Bát cho biết.

Theo ông Toàn, nguồn cây đầu dòng được lưu giữ ở Trại là tài sản vô giá phục vụ việc bình tuyển, lấy mắt ghép nhân giống, đảm bảo duy trì phẩm chất, đặc điểm nông sinh học, tính chống chịu của cây trồng, sản xuất ra cây giống sạch bệnh truyền nhiễm và đảm bảo năng suất, chất lượng quả.

Từ nguồn gen này, những năm qua, Trại giống Truông Bát đã sản xuất, cung ứng cho người dân trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh hàng vạn cây giống/năm, phục vụ sản xuất có hiệu quả. Đồng thời, Trại giống Truông Bát cũng đã trồng, chăm sóc 0,6ha các giống: Bưởi Phúc Trạch, cam chanh Hà Tĩnh, cam bù, đến nay cây trồng đã bước vào chu kỳ kinh doanh.

“Ngoài nhiệm vụ chính là bảo tồn nguồn gen cây ăn quả có múi, chúng tôi cũng đã trồng thực nghiệm 15 giống cam, bưởi và quýt. Sau 5 năm theo dõi, đánh giá cho thấy một số giống có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, có thể phát triển trên địa bàn Hà Tĩnh như bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam V2 và cam giòn”, Trại trưởng Trại giống Truông Bát nhấn mạnh thêm.

Một cán bộ kỹ thuật có thâm niên hơn 10 năm ghép mắt ghép cho cây giống có múi tại Trại giống Truông bát cho rằng, việc đầu tư hạ tầng, công nghệ phục vụ công tác bảo tồn, nhân giống thời gian qua là một bước tiến rất lớn. Tuy nhiên, về lâu dài, để tạo ra những cây giống có múi khỏe mạnh, sạch sâu bệnh, cho năng suất và chu kỳ khai thác dài trong bối cảnh thời tiết khí hậu ngày càng khắc nghiệt thì cần có sự quan tâm, đầu tư thêm của chính quyền các cấp.

Khi tiếp cận được nguồn giống đảm bảo chất lượng, chuyển đổi sang quy trình hữu cơ, cây ăn quả có múi sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, bền vững cho người dân. Ảnh: TN.

Khi tiếp cận được nguồn giống đảm bảo chất lượng, chuyển đổi sang quy trình hữu cơ, cây ăn quả có múi sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, bền vững cho người dân. Ảnh: TN.

Song hành với công tác giống, từ năm 2021 đến nay, từ nguồn hỗ trợ của Sở KH-CN, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, xây dựng quy trình chuyển đổi sản xuất cam chanh, bưởi Phúc Trạch đạt tiêu chuẩn hữu cơ”, trên diện tích 2ha tại Trại giống Truông Bát.

Qua 30 tháng (4/2021 - 10/2023) triển khai, đề tài đã thực hiện đạt đầy đủ các chỉ tiêu theo mục tiêu và nội dung đề ra. Thông qua các số liệu về kết quả sản xuất và kết quả phân tích từ mẫu đất, mẫu nước và mẫu sản phẩm quả cam chanh, bưởi Phúc Trạch, Công ty Cổ phần tư vấn chứng nhận Quốc tế ICERT CENTRAL đã cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Hiệu quả của đề tài mở ra hướng đi mới cho người dân trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cam, bưởi của Hà Tĩnh.

Gian đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh Hà Tĩnh khuyến khích phát triển cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn hữu cơ thì vai trò của công tác giống càng cần phải chú trọng. Chỉ khi nào người sản xuất tiếp cận được nguồn giống đảm bảo chất lượng thì khi đó cây cam, cây bưởi mới thực sự mang lại giá trị kinh tế bền vững cho người dân đúng nghĩa cây trồng chủ lực.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm