| Hotline: 0983.970.780

Nông dân thành 'bác sỹ cây trồng', cây có múi thoát vòng vây dịch bệnh

Chủ Nhật 03/12/2023 , 10:01 (GMT+7)

HÀ TĨNH Áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật thâm canh an toàn dịch bệnh, các vườn cam, bưởi cho năng suất tăng từ 15 – 20%; tỷ lệ sâu, bệnh hại giảm trên 80%...

Giúp cây có múi thoát "vòng vây" dịch bệnh

Cây ăn quả có múi, đặc biệt là cam và bưởi là những cây trồng thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. Với giá trị kinh tế cao, diện tích trồng cây ăn quả có múi đã được mở rộng nhanh chóng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ như tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Hiện nay, diện tích cây ăn quả có múi của Hà Tĩnh đạt khoảng 12.000ha, trong đó cam khoảng 8.000ha và bưởi Phúc Trạch hơn 2.700ha.

Dịch bệnh hoành hành đã khiến không ít hộ dân trồng cây ăn quả có múi ở vùng Bắc Trung Bộ lao đao, phải phá bỏ vườn cây. Ảnh: Việt Khánh.

Dịch bệnh hoành hành đã khiến không ít hộ dân trồng cây ăn quả có múi ở vùng Bắc Trung Bộ lao đao, phải phá bỏ vườn cây. Ảnh: Việt Khánh.

Cùng với sự gia tăng nhanh chóng về diện tích, các sâu bệnh nguy hiểm cũng phát sinh gây hại mạnh làm suy giảm năng suất, chất lượng của vườn cây như bệnh vàng lá Greening gây hại nghiệm trọng tại nhiều vùng trồng cam ở Nghệ An; bệnh chảy gôm do nấm Phytophthora gây ra là bệnh hại nguy hiểm nhất trên cây bưởi. Bên cạnh đó, bệnh đốm đen do nấm Phyllosticta gây ra cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến mẫu mã của quả bưởi tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh)...

Nhằm góp phần đẩy mạnh sản xuất, thâm canh cây ăn quả có múi an toàn dịch bệnh tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, năm 2021, Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thực hiện dự án khuyến nông “Xây dựng mô hình vườn mẫu thâm canh cam, bưởi bền vững, an toàn dịch bệnh”. Dự án đã thành công trong việc quản lý dịch hại an toàn trên cây cam, bưởi tại 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Yên Bái.

Qua quá trình điều tra, khảo sát cho thấy, trong canh tác và quản lý dịch hại trên cây ăn quả có múi tại các địa phương còn gặp một số tồn tại và hạn chế như: Công tác nhân giống chưa đảm bảo, nhiều hộ gia đình tự nhân giống hoặc mua cây giống kém chất lượng, nhiễm sâu, bệnh hại, đặc biệt là bệnh Greening và Tristeza.

Người dân sản xuất theo kinh nghiệm cá nhân và học hỏi kỹ thuật canh tác từ các gia đình lân cận, vì vậy nhiều kỹ thuật canh tác như bón phân, cắt tỉa, vệ sinh đồng ruộng mặc dù đã được bà con thực hiện nhưng chưa đúng và chưa đủ. Nông dân canh tác hóa học là chủ yếu, không chú trọng đến sử dụng hữu cơ và sinh học, vì vậy đất đai và môi trường bị ảnh hưởng. Mẫu mã và chất lượng sản phẩm không đồng đều, các hộ gia đình tự bán cho thương lái, giá cả bấp bênh, việc đầu ra cho sản phẩm còn nhiều gian nan...

Nguồn giống không được kiểm soát chặt chẽ, kỹ thuật canh tác thiếu bài bản khoa học đã khiến nhiều vùng cây ăn quả có múi đứng trước nguy cơ bị 'xóa sổ'. Ảnh: TL.

Nguồn giống không được kiểm soát chặt chẽ, kỹ thuật canh tác thiếu bài bản khoa học đã khiến nhiều vùng cây ăn quả có múi đứng trước nguy cơ bị "xóa sổ". Ảnh: TL.

Bên cạnh đó, do canh tác lâu năm và tập trung nên nguồn sâu bệnh hại trên đồng ruộng đã được tích lũy tăng lên theo từng năm. Ghi nhận thành phần sâu bệnh hại trên cây cam, bưởi đa dạng và có nhiều dịch hại nguy hiểm, gây hại nghiêm trọng, thường xuyên trong năm như: Bệnh Greening, Tristeza, vàng lá thối rễ, loét, rầy chổng cánh, sâu vẽ bùa, rệp muội…

Từ những tồn tại trên, Viện Bảo vệ thực vật đã tập trung giải quyết, hoàn thiện các vấn đề như tập huấn cho bà con kỹ thuật canh tác, nhận biết và phòng trừ sâu bệnh hại. Các hộ tham gia trong mô hình được cán bộ kỹ thuật đến từng nhà ở từng thời điểm như ra hoa, đậu quả, trước và sau thu hoạch… để tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật bón phân, cắt tỉa, phòng trừ sâu, bệnh hại.

Nông dân thành "bác sỹ cây trồng"

Qua 2 năm triển khai dự án (từ 2021 đến nay), các hộ tham gia mô hình đã nắm bắt và mạnh dạn thực hiện các kỹ thuật canh tác như bón phân đúng cách, đúng thời điểm, tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục ủ cùng chế phẩm sinh học để phòng trừ bệnh hại trong đất.

Sau thu hoạch và khi cây ra các đợt lộc, bà con đã mạnh dạn cắt tỉa các cành vô hiệu, các cành phía trên tán hoặc cành lớn nhưng mọc xiên tán; tỉa bỏ các quả bị cong vẹo, các chùm quá nhiều quả…; nhặt và thu dọn cành lá, quả bị sâu bệnh hại đem ra khỏi vườn để tiêu hủy.

Nhờ áp dụng quy trình canh tác bài bản, khoa học, các vườn cây ăn quả có múi ở Hà Tĩnh đã cho năng suất cao và ổn định; chất lượng, mẫu mã được cải thiện; không còn hiện tượng dịch bệnh vùng phát. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nhờ áp dụng quy trình canh tác bài bản, khoa học, các vườn cây ăn quả có múi ở Hà Tĩnh đã cho năng suất cao và ổn định; chất lượng, mẫu mã được cải thiện; không còn hiện tượng dịch bệnh vùng phát. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nông dân cũng đã biết nhận diện được sâu, bệnh hại và các triệu chứng của bệnh Greenin;, nắm bắt được thời điểm phòng trừ bệnh đốm đen trên quả bưởi để phòng trừ ngay từ khi cây đậu quả ổn định đến khi quả lớn hết sức. Thành thạo kỹ thuật tiêm AcidPhosphorous vào cây để phòng trừ bệnh chảy gôm. Tập trung phòng trừ các côn trùng gây hại ngay khi cây nhú lộc 1 - 2cm. Ghi chép nhật ký về thời tiết, thời điểm xuất hiện dịch hại và các thuốc BVTV có hiệu quả phòng trừ cao để có kinh nghiệm thực hiện trong các năm tiếp theo khi không có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn...

Đối với cây bưởi Phúc Trạch trong mô hình, mẫu mã quả sáng, đẹp hơn, được thương lái và người tiêu dùng ưa thích. Bệnh chảy gôm trên cây bưởi cũng giảm hẳn, bà con không còn phải đi đục từng vết chảy gôm để quét thuốc mà vẫn không khỏi, không còn hiện tượng mỗi năm lại thấy một vài cây bị chết do chảy gôm, cây còi cọc do vàng lá greening và vàng lá thối rễ… Hiệu quả kinh tế của các vườn cam, bưởi trong mô hình đã tăng từ 20 - 25% so với sản xuất đại trà.

Vưởi Phúc Trạch áp dụng quy trình thâm canh, an toàn dịch bệnh đã cho năng suất, mẫu mã đẹp, không còn xuất hiện các dịch bệnh nguy hiểm. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Vưởi Phúc Trạch áp dụng quy trình thâm canh, an toàn dịch bệnh đã cho năng suất, mẫu mã đẹp, không còn xuất hiện các dịch bệnh nguy hiểm. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề “Sản xuất, thâm canh cây ăn quả có múi an toàn dịch bệnh tại các tỉnh Bắc Trung Bộ” vừa được tổ chức tại Hà Tĩnh, các đại biểu đã chia sẻ và trao đổi nhiều thông tin về hiện trạng sản xuất, thâm canh cây ăn quả có múi an toàn dịch bệnh, một số tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống và kỹ thuật trồng cây có múi, các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây có múi tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.

Diễn đàn cũng chia sẻ về quy trình quản lý sâu bệnh hại trên cây ăn quả có múi trong vùng trồng thâm canh; kinh nghiệm sản xuất thâm canh cây có múi an toàn dịch bệnh ở các địa phương tiêu biểu.

Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia đã giải đáp nhiều câu hỏi của các đại biểu, bà con nông dân xoay quanh các vấn đề về phòng trừ sâu bệnh hại, cách sử dụng hiệu quả các loại thuốc BVTV trên cây ăn quả có múi, giải pháp thâm canh hiệu quả…

Cây có múi hiện đã trở thành thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ, một số vùng sản xuất cây có múi đã được quy hoạch và đầu tư thâm canh; năng suất, chất lượng ngày càng tăng cao và trở thành cây chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương.

Giúp nông dân nâng cao trình độ canh tác, tự mình trở thành 'bác sỹ cây trồng' là yếu tố giúp canh tác cây ăn quả có múi an toàn, bền vững. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Giúp nông dân nâng cao trình độ canh tác, tự mình trở thành "bác sỹ cây trồng" là yếu tố giúp canh tác cây ăn quả có múi an toàn, bền vững. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Thông qua Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, đã giúp các địa phương, doanh nghiệp định hướng, hoạch định cơ chế chính sách, đề xuất các quy trình kỹ thuật phù hợp với thực trạng sản xuất cây có múi an toàn dịch bệnh, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế của cây có múi ở Hà Tĩnh nói riêng và vùng Bắc Trung Bộ nói chung.

Sau khi áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, kết quả cho thấy các vườn cam, bưởi đã cho năng suất cao và ổn định, mẫu mã và chất lượng quả của các vườn mô hình tăng một cách đáng kể. Trong đó năng suất các vườn mô hình đều tăng hơn so với năm trước từ 15 - 20%; tỷ lệ sâu, bệnh hại giảm trên 80%, tỷ lệ bệnh đốm đen giảm dưới 10%...

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.