| Hotline: 0983.970.780

Long An: Tín hiệu tích cực từ phát triển chuyên canh lúa chất lượng cao

Thứ Sáu 11/04/2025 , 16:49 (GMT+7)

Long An Long An đạt được kết quả khả quan với năng suất lúa tăng, chi phí sản xuất thấp khi triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Nhiều lợi thế sẵn có

Long An có diện tích sản xuất nông nghiệp khá lớn, khoảng hơn 311.000 ha, với diện tích gieo trồng lúa 510.000 ha (bao gồm diện tích 2 vụ và 3 vụ). Sản lượng lúa năm 2023, năm 2024 đều đạt trên 3 triệu tấn.

Trong triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng caophát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (Đề án), tỉnh đăng ký đến năm 2030 là 125.000 ha, với 50.831 hộ tham gia.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Long An Võ Minh Thành cho biết, địa phương có nhiều thuận lợi dựa trên các lợi thế sẵn có khi tham gia Đề án này. Trong đó, tỉnh đã tham gia Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) giai đoạn 2016 - 2022. Đây là lợi thế để Long An tiếp tục triển khai Đề án trên nền đã có.

Dự án VnSAT được triển khai tại 5 huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường, diện tích tham gia 49.593 ha, có 25.140 hộ. Với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp, tỉnh đăng ký mở rộng thêm 3 huyện: Thạnh Hóa, Thủ Thừa và Đức Huệ.

Bên cạnh đó, Long An chọn Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong các chương trình đột phá của tỉnh trong 2 nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, được triển khai tại vùng lúa tập trung như: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường, Thủ Thừa, Đức Huệ.

Tăng năng suất, tăng lợi nhuận

Vụ lúa vừa qua, Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Tân (huyện Tân Hưng) thực hiện thí điểm canh tác lúa chất lượng cao giảm phát thải, áp dụng máy sạ hàng hiệu ứng đường biên và bón vùi phân bón. Nông dân thực hiện mô hình sử dụng lượng giống gieo sạ 80kg/ha và lượng phân bón 200kg/ha. Với phương pháp sản xuất này, vừa giảm lượng giống, vừa bảo đảm không bón phân trong hơn tháng đầu gieo sạ.

Nhờ đó, năng suất lúa của mô hình cao hơn bên ngoài từ 100 - 120kg/ha, chi phí sản xuất thấp hơn bên ngoài mô hình từ 1,7 - 2,54 triệu đồng/ha. Lợi nhuận mang lại từ 20 - 28 triệu đồng/ha, cao hơn bên ngoài mô hình từ 3 - 10 triệu đồng/ha. Ngoài ra, nông dân còn được doanh nghiệp phân bón hỗ trợ 50% chi phí sạ hàng biên và bón vùi phân nên giảm được chi phí sản xuất.

Đến nay cấp tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chủ trì thực hiện mô hình gieo sạ được 121,4 ha. Riêng với các mô hình do huyện chủ trì, đã gieo sạ 5 mô hình, diện tích 146,6ha. Hiện cấp huyện đang tiếp tục thực hiện để đạt kế hoạch 25 mô hình với diện tích 580 ha trong năm 2025.

Tín hiệu vui từ phát triển chuyên canh lúa chất lượng cao ở Long An. Ảnh: Bạch Thanh.

Tín hiệu vui từ phát triển chuyên canh lúa chất lượng cao ở Long An. Ảnh: Bạch Thanh.

Theo Võ Minh Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Long An, sau thời gian thực hiện Đề án, địa phương đã đạt được các kết quả khả quan như: vùng Đề án cũng là vùng đã triển khai Dự án VnSAT và Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nên người dân đã được tập huấn và tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật, quy trình canh tác tiến tiến.

Đồng thời, kết quả từ các mô hình điểm, tỉnh đang triển khai thực hiện để tìm ra giải pháp kỹ thuật phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Qua một vụ triển khai, kết quả bước đầu đa số các mô hình kết quả tốt, giảm chi phí sản xuất và nông dân sẽ thực hiện vụ tiếp theo để có cơ sở đánh giá.

Tiếp tục nhân rộng

Bên cạnh những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Đề án, Long An cũng còn những khó khăn, như hiểu biết của nông dân về canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải còn nhiều hạn chế, một số hộ dân còn sản xuất theo tập quán cũ, vấn đề thu gom rơm ra khỏi ruộng còn chưa đạt tỷ lệ 100%.

Ngoài ra, số hộ trong vùng tham gia liên kết thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết với doanh nghiệp còn hạn chế. Số doanh nghiệp tham gia liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác để đầu tư và bao tiêu sản phẩm vẫn còn ít. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất lúa chưa được đồng bộ cần phải tiếp tục đầu tư trong thời gian tới. Hơn nữa, cần đầu tư đủ lớn để chủ động quản lý nước tưới tiêu, áp dụng phương pháp canh tác đồng bộ.

Long An đạt được kết quả khả quan khi triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Bạch Thanh.

Long An đạt được kết quả khả quan khi triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Bạch Thanh.

Ông Võ Minh Thành cho hay, thời gian tới tỉnh sẽ tập vào các giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người sản xuất và người tiêu thụ sản phẩm, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, huy động mọi nguồn lực để triển khai thực hiện Đề án đảm bảo theo lộ trình đề ra.

“Long An tập trung quán triệt tạo sự đồng thuận từ tỉnh đến cơ sở, nhất là hiện nay việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện Đề án. Đồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ ứng dụng các bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình để người dân có điều kiện tiếp cận và mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong thời gian tới”, ông Võ Minh Thành cho biết thêm.

Trước đó, UBND tỉnh Long An đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Ðề án giai đoạn 1 (2024 - 2025), sẽ tập trung thực hiện đạt 60.000 ha diện tích canh tác lúa thuộc vùng Dự án VnSAT và vùng lúa ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Giai đoạn 2 (2026 - 2030), tiếp tục mở rộng để đạt 125.000 ha tại 8 huyện, thị xã, có 62 xã với 50.831 hộ tham gia.

Xem thêm
Nuôi gà đồi sinh học bán theo con giá nửa triệu đồng

QUẢNG BÌNH Cơ sở này nuôi gà thả đồi thời gian dài 7-8 tháng, thịt gà săn chắc, thơm ngon nên bán lẻ theo con 500.000 - 600.000 đồng/con.

15 năm phát triển chương trình đào tạo ngành thú y theo chuẩn quốc tế

TPHCM Chiều 12/4, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM tổ chức kỷ niệm 15 năm chương trình đào tạo tiên tiến ngành thú y - chương trình duy nhất đào tạo thú y bằng tiếng Anh.

Từ cánh đồng truyền thống đến vùng lúa phát thải thấp

ĐBSCL An Giang và Đồng Tháp đang tạo dấu ấn trong hành trình chuyển đổi sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, góp phần phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững vùng ĐBSCL.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Chuyện nước mắm, tương, nem chua... và vấn đề amin sinh học

Nhóm nghiên cứu amin sinh học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam muốn giúp những sản phẩm lên men truyền thống của người Việt an toàn hơn, giá trị hơn, hướng tới xuất khẩu.

Quảng Ngãi bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững

Quảng Ngãi xác định phát triển nghề cá theo hướng giảm các ngành nghề tận diệt, tăng nghề thân thiện với môi trường để bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững.

Đồng Tháp tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ đầu tiên từ Thái Lan

Đồng Tháp Việc chuyển giao và tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ từ Vương quốc Thái Lan về Việt Nam là dấu mốc quan trọng nhằm bảo tồn sếu đầu đỏ.