Thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản
Chi cục Thủy sản - Biển đảo tỉnh Quảng Ngãi vừa phối hợp với chính quyền địa phương thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản ở khu vực Cửa Lở (xã Thắng Lợi, huyện Mộ Đức) với số lượng trên 1,5 triệu con tôm sú, cua xanh và cá hồng mỹ.
Đây là những giống thủy sản phù hợp với điều kiện, môi trường nước ở khu vực này. Con giống được thả rải đều trên toàn khu vực để đảm bảo khả năng sinh trưởng, phát triển tốt.

Thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản ở Cửa Lở. Ảnh: Văn Hà.
Ngoài ra, trong năm 2025 này, Chi cục Thủy sản - Biển đảo Quảng Ngãi còn dự kiến tiếp tục thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại đầm nước nặn Sa Huỳnh và hồ Đăk Đrinh.
Trung bình mỗi năm, Chi cục Thủy sản - Biển đảo phối hợp với chính quyền các địa phương thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực nước ngọt, nước mặn và nước lợ với kinh phí từ 300 đến 450 triệu đồng
“Thông qua những hoạt động trên nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, chung tay bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản”, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Biển đảo Quảng Ngãi Võ Văn Hải cho biết.
Thực tế, nguồn lợi thủy sản hiện nay đang dần cạn kiệt. Trong đó, việc đánh bắt quá mức, sử dụng các phương pháp đánh bắt hủy diệt và ô nhiễm môi trường đã làm giảm đáng kể số lượng và chất lượng của nguồn lợi thủy sản, nhất là vùng ven bờ.
Các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để bảo vệ và phục hồi lại nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Việc khai thác theo kiểu tận diệt đang làm suy giảm nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Văn Hà.
Hạn chế các biện pháp khai thác tận diệt
Kinh tế thuỷ sản đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn, cải thiện cuộc sống của cộng đồng dân cư. Tỉnh Quảng Ngãi đang từng bước thay đổi tư duy và cách làm trong khai thác thủy sản như giảm bớt các nghề không thân thiện với môi trường, vừa khai thác, vừa bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản cho mai sau.
Toàn tỉnh hiện có gần 5.200 tàu cá. Trong cơ cấu ngành nghề, nghề lưới kéo có 1.285 chiếc, chiếm gần 25% tổng số tàu cá toàn tỉnh; nghề lưới vây 630 chiếc (12,13%); nghề lưới rê 1.374 chiếc (26,45%), nghề câu 1.307 chiếc (25,16%), nghề chụp 36 chiếc (0,69%), nghề hậu cần 187 chiếc (3,61%) và nghề khác 375 chiếc (7,22%).
Nghề lưới kéo (giã cào) là nghề đánh bắt mang tính tận diệt, là một trong những nguyên nhân chính làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Vì vậy, những năm qua, tỉnh đã không cấp phép đóng mới cho tàu lưới kéo. Trước những bất cập của nghề lưới kéo, nhiều ngư dân đã chủ động chuyển đổi sang các ngành nghề đánh bắt khác như lưới rê, câu... để vừa nâng cao hiệu quả khai thác, vừa góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ.

Quảng Ngãi xác định phát triển nghề cá theo hướng bền vững. Ảnh: Văn Hà.
Điều này cho thấy, mặc dù có giảm nhưng số lượng tàu lưới kéo vẫn còn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu ngành nghề. Vì vậy, trong thời gian tới, lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ ngư dân để đến năm 2030, số lượng tàu lưới kéo giảm còn 15% theo chủ trương đề ra.
Theo Chi cục Thủy sản - Biển đảo, nhiều năm qua, Quảng Ngãi đã kiên trì thực hiện chuyển đổi nghề trong ngư dân theo hướng giảm dần tàu cá hoạt động ven bờ và những nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái sang làm các nghề khai thác hải sản khác ít ảnh hưởng hơn và thân thiện với môi trường.
Ngoài khuyến khích ngư dân cải hoán tàu thuyền, chuyển đổi ngành nghề, chi cục còn tăng cường tuyên truyền, quản lý ngành nghề tàu cá hoạt động và vùng đánh bắt, kích thước mắt lưới để bảo vệ không gian và môi trường sống cho hải sản sinh trưởng.