| Hotline: 0983.970.780

Lấy quy hoạch làm điểm tựa phát triển kinh tế thủy sản

Thứ Năm 29/06/2023 , 06:34 (GMT+7)

Nguồn lợi bền vững từ thủy sản cần được bắt đầu từ các quy hoạch tốt, dựa trên không gian phát triển của vùng, địa phương, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến.

Phó Viện trưởng Nguyễn Thanh Bình báo cáo kết quả và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2022-2023. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Viện trưởng Nguyễn Thanh Bình báo cáo kết quả và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2022-2023. Ảnh: Bảo Thắng.

Ý kiến được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đưa ra trong buổi làm việc với Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (VIFEP) chiều 28/6. Đây là hoạt động tiếp theo của ông, trong chuỗi thăm và làm việc tại các viện nghiên cứu khoa học trực thuộc Bộ NN-PTNT.

Theo Thứ trưởng, cả nước hiện có 4 quy hoạch chính, gồm: quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch kinh tế - xã hội địa phương và quy hoạch ngành. Riêng ngành thủy sản có thêm 2 quy hoạch nữa, là: quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển và quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão.

"Bất cứ chiến lược phát triển nào cũng phải dựa trên những quy hoạch xương sống này", Thứ trưởng chia sẻ.

Quy hoạch là một trong những mũi nhọn chính của Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản. Phó Viện trưởng Nguyễn Thanh Bình báo cáo, viện có chức năng nghiên cứu kinh tế, cơ chế, chính sách, quy hoạch phát triển thủy sản, điều tra cơ bản; tư vấn và dịch vụ về kinh tế, quy hoạch thuỷ sản trên phạm vi cả nước.

Trên cơ sở đó, viện sẽ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn hoặc hàng năm cho các chương trình, dự án; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường, xúc tiến thương mại phục vụ công tác phân tích, xây dựng và thiết kế quy hoạch phát triển thủy sản.

Hiện viện có 3 nhiệm vụ quy hoạch chính. Một là, quy hoạch tổng thể, quy hoạch kinh tế, sinh thái phát triển thủy sản cấp quốc gia, vùng và địa phương. Hai là, quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần phát triển thủy sản cấp quốc gia, vùng và địa phương; quy hoạch các khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa, đất ngập nước, phát triển nông thôn mới.

Ba là, quy hoạch phát triển ngành hàng, các sản phẩm thuỷ sản; quy hoạch các trung tâm nghề cá và các khu, cụm công nghiệp nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản công nghệ cao.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: 'Cái nào làm tốt rồi thì cần làm tốt hơn. Cái nào làm chưa tốt thì cần học hỏi, nghiên cứu'. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: 'Cái nào làm tốt rồi thì cần làm tốt hơn. Cái nào làm chưa tốt thì cần học hỏi, nghiên cứu'. Ảnh: Bảo Thắng.

Lĩnh vực hoạt động của Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản rất rộng, tác động trực tiếp đến sức khỏe của ngành. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng cán bộ nghiên cứu của viện cần làm rõ nét hơn "linh hồn" của đơn vị. 

"Linh hồn", theo Thứ trưởng, là cần phát triển song song cả hai mảng quy hoạch và kinh tế. Ông chỉ rõ: "Cái nào làm tốt rồi thì cần làm tốt hơn. Cái nào làm chưa tốt thì cần học hỏi, nghiên cứu, hoặc tìm giải pháp từ hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ".

Về quy hoạch, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhìn nhận, nhiều địa phương như Thanh Hóa thực hiện công tác quy hoạch thủy sản tương đối bài bản. Ngay từ năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã lồng ghép thực hiện Luật Thủy sản 2017 với một số nhiệm vụ cấp bách về chống khai thác IUU, trong đó tập trung quản lý chặt đội tàu, giám sát 100% sản lượng khai thác.

Gần đây, vào tháng 6/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1913/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển thủy sản nhanh và bền vững gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc để địa phương phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững.

"Cách làm của Thanh Hóa, triển khai đồng bộ từ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến gắn đề án phát triển thủy sản trên không gian phát triển chung của quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia là điều cần tham khảo", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ.

Về phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị lãnh đạo Viện có nhiều hoạt động sâu hơn, thực chất hơn, đem lại nguồn thu nhiều hơn cho cán bộ, công nhân viên, thay vì dừng ở điều tra cơ bản các lĩnh vực như kinh tế nguồn lợi, kinh tế vùng, kinh tế địa phương, kinh tế môi trường.

Qua phần mềm họp trực tuyến, Thứ trưởng ân cần hỏi thăm thu nhập, công việc và các hoạt động nghiên cứu khoa học của phân viện miền Nam. Ông chỉ đạo, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản phấn đấu xây dựng môi trường làm việc thực sự hấp dẫn, cả về văn hóa lẫn thu nhập cho người làm nghiên cứu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kiểm tra cơ sở hạ tầng thủy sản tại tỉnh Bến Tre. Ảnh: TL.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kiểm tra cơ sở hạ tầng thủy sản tại tỉnh Bến Tre. Ảnh: TL.

Tại buổi gặp, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản kiêm Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản thừa nhận, sau đại dịch Covid-19, các công tác của viện có sức ì nhất định. Cùng với đó, viện chưa thật chủ động, tích cực trong việc khai thác nguồn lực từ hợp tác quốc tế.

Viện vừa xây dựng chiến lược trung hạn trong 5 năm sắp tới. Do đó, ông Luân kiến nghị Bộ NN-PTNT cùng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường quan tâm xem xét các đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ. Trong đó, có việc xác định tiềm năng và đề xuất giải pháp phát triển cá cảnh, thủy sinh vật cảnh trở thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao.

Nhấn mạnh mọi công tác liên quan đến số liệu và tư vấn quy hoạch của ngành thủy sản đều thông qua Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, ông Luân xem viện như "cánh tay nối dài" của các cơ quan quản lý ngành.

Đón nhận gợi mở của Thứ trưởng về tham khảo những mô hình tốt, cách làm hay của địa phương, ông Luân hứa sẽ phối hợp tích cực, chủ động với 28 tỉnh, thành phố ven biển cũng như các khu vực có tiềm năng phát triển chuỗi ngành hàng để xây dựng những nhiệm vụ khoa học mới cho viện.

Đây cũng là mong muốn của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến. Ông động viên gần 100 cán bộ, công nhân viên của viện tạo ra những sản phẩm "có linh hồn", lấy nội lực là cơ bản, ngoại lực là đột phá để chứng tỏ vị trí, vai trò của viện đối với ngành thủy sản.

"Thủy sản đóng góp hơn 25% vào GDP toàn ngành nông nghiệp. Tiềm năng, dư địa rất lớn nhưng có đặc thù là cần giải pháp đồng bộ. Để đạt được, không gì khác ngoài việc lấy quy hoạch làm điểm tựa để phát triển kinh tế", Thứ trưởng khẳng định.

Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản hiện gồm 5 phòng chức năng, chuyên môn là: Văn phòng Viện; Phòng Khoa học công nghệ & Hợp tác quốc tế; Phòng Kinh tế - Chính sách; Phòng Quy hoạch thủy sản; Phòng GIS, Viễn thám và Môi trường.

Ngoài ra, viện có 3 đơn vị trực thuộc: Trung tâm Tư vấn và Quy hoạch phát triển thuỷ sản; Trung tâm Phát triển cộng đồng nghề cá và Phân viện phía Nam.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất