| Hotline: 0983.970.780

Lên Hà Giang trồng dó, làm giàu

Thứ Sáu 16/12/2011 , 11:49 (GMT+7)

Sau 10 năm lập nghiệp, vợ chồng anh Hùng mua được 2.000 m2 đất thổ cư ngoại vi thành phố Hà Giang, 3 ha trang trại trồng dó lấy trầm...

Cửa hàng tạp hóa của anh Hùng
Là người Hà Nội có hộ khẩu tại khu Thủ Lệ, vợ chồng Nguyễn Văn Hùng lên Hà Giang lập nghiệp từ năm 2001, sau 10 năm Hùng cho biết: vợ chồng anh đã mua được 2.000 m2 đất thổ cư ngoại vi thành phố Hà Giang, thời giá hiện nay khoảng 5 triệu/m2; 3 hecta trang trại trồng cây dó để lấy trầm, mỗi hecta cũng trên 1 tỷ, trong nhà bao giờ cũng có dăm ba cây vàng phòng thân… 

Lên Hà Giang vào đầu tháng 12 này, tôi chọn một nhà nghỉ ngoại ô yên tĩnh để nghỉ; sáng dậy đi bách bộ, vừa để thưởng thức cái bảng lảng của sương mù và không khí trong lành của núi rừng, vừa để ngắm nhìn cuộc sống ban mai của người dân Hà Giang… Tôi đi được vài km thì bắt gặp một cái quán bán hàng tạp hóa ven đường của một cặp vợ chồng trẻ, thấy hàng hóa phong phú, bắt mắt, tôi ghé vào xin chủ nhà chụp vài kiểu ảnh để làm tư liệu.

Thấy vậy, anh chồng mời tôi vào nhà chơi vì đoán tôi là khách du lịch dưới xuôi lên. Hùng, chủ nhà chủ động giới thiệu:

- Cháu cũng là người Hà Nội, chắc ông vừa ở Hà Nội lên. Hùng gọi tôi bằng ông xưng cháu, sự lễ phép thái quá của một người quen sống ở rừng…

Tôi tròn mắt:

- Vợ chồng anh chị lên đây từ bao giờ, cơ duyên nào mà lại cắm chốt ở ngoại vi thành phố Hà Giang này?

- Nhà cháu ở Hà Nội, ở sau khu khách sạn Daewoo, nhà cháu lên đây từ năm 2001.

- Sao anh chị lại bỏ “đất thánh” mà lên cái nơi biên cương hẻo lánh này?

- Cháu đi bộ đội tám năm, đơn vị đóng ở Bình Định, về phục viên, lấy vợ, có con, vợ cháu cũng là người Hà Nội, trong một lần lên Hà Giang thăm ông bác, thấy đất Hà Giang có thể làm ăn được, thế là vợ chồng bàn nhau lên.

- Khi đi gia đình bạn mang theo bao lưng vốn?

- Hai bàn tay không, nhà cháu ở Hà Nội vẫn để nguyên. Lên đây lúc đầu vợ chồng thuê nhà ở và chạy chợ buôn bán hoa quả tại Hà Giang… Lúc đầu vất vả một chút, sáng vợ ra cắm chốt ngoài chợ, còn cháu thì sọt đi thu mua hàng, sọt một bên chở cam, bên trên con ngồi chở đến trường sau đó mang hàng cho vợ bán.

- Thế làm ăn ở Hà Giang có khó khăn lắm không? Sau 10 năm lưng vốn được đến đâu rồi?

- Nhờ trời, trông đất Hà Giang vậy nhưng khí hậu trong lành. Ông thấy ở Hà Giang không có ruồi, muỗi thì có một ít. Sau 10 năm vợ chồng cháu đã mua được 8 mảnh đất thổ cư khoảng 2.000 m2 ngoại vi thành phố Hà Giang, thời giá hiện nay khoảng 5 triệu/m2; mua 3 hecta trang trại trồng cây dó để lấy trầm, mỗi hecta cũng trên 1 tỷ đồng, trong nhà bao giờ cũng có dăm ba cây vàng phòng thân.

Thấy Hùng nói đến lập trang trại trồng cây dó lấy trầm, tôi tò mò hỏi:

- Ở Hà Giang ngoài anh chị có ai trồng dó không?

- Không! Chỉ gia đình cháu thôi.

- Không sợ người ta ăn trộm sao?

- Cháu phải giữ bí mật không cho ai biết cháu trồng cây dó để lấy trầm.

- Thế anh thấy cây dó ở Hà Giang có phát triển tốt không? Có khả năng cho trầm không?

- Hồi đi lính ở Bình Định cháu đã học được nghề trồng dó lấy trầm; 3 hecta trang trại trầm của cháu đã bước qua năm thứ 11 rồi, theo cháu đất Hà Giang rất tốt cho việc trồng loại cây này. Sau 10 năm đã có thể cho trầm nhưng phải để 20-30 năm mới thu hoạch tốt… Cháu đã áp dụng đầy đủ các thao tác kỹ thuật và tin là sẽ thành công. Không phải cây nào cũng có thể cho trầm nhưng có cây có khả năng cho cả kg trầm. 1 kg trầm loại trung bình có thể bán được 50 triệu đồng.

Hiện nay, Hùng vẫn đang cung ứng hàng dưới xuôi cho nhiều sạp hàng ở Hà Giang, làm ăn túc tắc đều đều. Vợ chồng Hùng đang có một đứa con trai học Cao đẳng Kế toán tại Hà Nội, một đứa con gái học lớp 12 và vừa sinh thêm một bé trai 4 tháng tuổi… Nhìn vào gương mặt phúc hậu của vợ chồng Hùng, tôi tin Hùng đang làm ăn phát đạt…

Tôi tròn mắt nhìn vợ chồng Hùng, không ngờ cái anh chàng người Hà Nội lên Hà Giang nhiễm chất dân quê chất phác nhưng lại có ý tưởng làm ăn táo bạo và táo tợn đến như vậy. Hùng tâm sự: Đời cháu thích tự mình làm lấy ăn, không thích xin ai, ai cho mình cũng không thích.

Tuy Hùng không lộ hết “bài vở” ra nhưng tôi cũng lờ mờ đoán ra cái võ làm ăn của vợ chồng Hùng. Vợ chồng Hùng lên Hà Giang khởi đầu thu mua gom cam và các thứ hoa trái của vùng này chở về Hà Nội bán; khi vòng lên lại chở các mặt hàng nhu yếu phẩm từ Hà Nội lên phục vụ bà con dân tộc miền núi. Do mua tận gốc bán tận ngọn nên vốn liếng cứ tăng dần, được bao nhiêu tiền Hùng đều mua đất, lập trang trại. Hùng là người Hà Nội nên thông thạo hết mọi ngóc ngách ở Hà Nội, theo Hùng thời gian đầu Hùng bán hàng sướng lắm.

Qua câu chuyện của Hùng, ngẫm thấy ở đời để trở nên giàu có quả thật rất khó đối với người không biết cách làm nhưng lại không khó với ai quyết tâm, dám và biết cách…

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Có một ngôi làng Nam bộ bên dòng sông Thu Bồn

QUẢNG NAM Trồng đủ các loại cây trái có giá trị, kinh tế vườn giúp cho hơn 80% hộ dân ở làng Đại Bình thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.