“Lịch sử Việt Nam bằng tranh” bắt đầu ra mắt từ năm 1994, do nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng (1926-2007) trực tiếp đảm nhận vai trò chủ biên. Với nội dung gồm những câu chuyện ngắn gọn và dùng những hình vẽ sinh động để minh họa, bộ sách “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng từ độc giả thiếu nhi.
Sau 30 năm chinh phục thị trường sách dành cho tuổi thơ, bộ sách “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” đã có hơn 50 đầu sách về những danh nhân như Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thánh Tông, Lê Đại Hành, Lê Quý Đôn… và về những giai đoạn quan trọng trong quá trình hình thành đất nước Việt Nam.
Phát huy tinh thần “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều tác giả tâm huyết đã chung tay xây dựng bộ sách “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”, như các học giả Đinh Văn Liên, Lê Văn Năm, Tôn Nữ Quỳnh Trân, Nguyễn Khắc Thuần và các họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Quang Cảnh, Nguyễn Đức Hòa, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Huy Khôi…
Bộ sách “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” được thực hiện xuyên suốt từ người cổ Việt Nam qua các thời đại, từ huyền sử Sơn Tinh, Thủy Tinh, các đời Hùng Vương, trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc đến thời kỳ độc lập tự chủ của các triều đại. Bộ sách được chia làm nhiều tập, mỗi tập viết về một thời kỳ hay một gương mặt, một vấn đề tiêu biểu. Mỗi tập có cấu trúc độc lập riêng nhưng hài hòa trong một tổng thể chung, nên độc giả thiếu nhi có thể đọc từ bất cứ cuốn nào cũng không ảnh hưởng đến việc đọc hiểu những cuốn khác.
Không chỉ phục vụ độc giả nhí trong nước, bộ sách “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” còn tiếp cận trẻ em nước ngoài, qua bản dịch tiếng Anh của Patrick Barry và Mai Barry. Bộ sách phiên bản tiếng Anh có tên gọi chung là “A History of Vietnam in pictures”
Nhà xuất bản Trẻ, sau ba thập niên đầu tư cho bộ sách “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”, đã chia sẻ: “Có thể nói, ở thời điểm ra đời, bộ sách Lịch sử Việt Nam bằng tranh là một cuộc cách mạng về cách truyền đạt lịch sử đến thiếu nhi. Đến nay, cách tiếp cận kể chuyện, nhiều hình (đẹp), ít chữ (sao cho thông tin, câu từ tối giản nhưng đủ ý) vẫn chưa hề lạc hậu. Bằng chứng là đến nay bộ sách bán chạy, được tái bản và ra mới. Nếu đặt bên cạnh chương trình giáo dục theo cách tiếp cận hàn lâm thì cách tiếp cận “truyền khẩu” này là một sự bổ sung cần thiết, giúp thiếu nhi thấy sử Việt gần gũi, thú vị, hấp dẫn.
Bộ sách “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” còn có một ưu điểm là tính hệ thống của nó. Mặc dù các tập đều có cốt truyện hoàn chỉnh, tập nào xong tập đó, nhưng các chi tiết, sự kiện lại được dắt dây với các tập khác theo sự biến thiên của dòng lịch sử dân tộc. Với độc giả nhí, các câu chuyện lịch sử trở nên hấp dẫn theo kiểu quy nạp thay vì tuyến tính theo kiểu biên niên.
Điều rất đáng khích lệ là bộ sách “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” đã và đang được thầy cô dạy bộ môn lịch sử thường xuyên sử dụng, như bài tập đọc thêm để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ kiến thức lịch sử giảng dạy ở nhà trường.