| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 05/11/2023 , 18:43 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 18:43 - 05/11/2023

Liêm chính học thuật và nỗi âu lo chất xám giá rẻ

Liêm chính học thuật trở thành một chủ đề nóng bỏng trên nhiều diễn đàn, khi một giảng viên Toán thừa nhận đã bán các nghiên cứu khoa học vì mục đích mưu sinh.

Liêm chính học thuật là vấn đề đã đặt ra nhiều năm nay, khi ngành giáo dục sốt ruột chạy theo thành tích. Giới hạn liêm chính học thuật bị xâm hại, vì nhiều luận án đạo văn và nhiều bài báo khoa học không đủ chất lượng được dùng tiểu xảo công bố trên các tạp chí quốc tế. Cuộc đua danh lợi của những người có học hàm và học vị, thực sự đã khiến những chuẩn mực liêm chính học thuật liên tục bị xói mòn.

PGS-TS Đinh Công Hướng, giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, vừa có đơn xin rút khỏi hội đồng toán của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (quỹ Nafosted). Lý do là PGS -TS Đinh Công Hướng đang đối mặt tố cáo vi phạm liêm chính học thuật, vì 13 công trình nghiên cứu của vị này đã chuyển sang đứng tên sở hữu của Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Thủ Dầu Một.

Không lấp liếm cũng không bào chữa, PGS-TS Đinh Công Hướng thừa nhận, từ năm 1997 đến tháng 2/2023 làm giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn, ông đã có tất cả 42 công trình nghiên cứu khoa học, nhưng đã bán 13 công trình nghiên cứu khoa học để mưu sinh.

Nghĩa là 13 công trình nghiên cứu khoa học của PGS-TS Đinh Công Hướng được dùng cho mục đích trao đổi ngoài khoa học. Tất nhiên 13 công trình nghiên cứu khoa học không còn thuộc sở hữu của Trường Đại học Quy Nhơn, có thể góp phần làm tăng xếp hạng đại học cho đơn vị khác.

Thế nhưng, lời thổ lộ do chính PGS-TS Đinh Công Hương chia sẻ, nghe thật chua xót: “Tôi là người miền núi, đời cha mẹ rất khổ, đời mình cũng lớn lên từ củ khoai, củ sắn. Mình được như thế này, tôi cũng mong muốn đời con mình sẽ được cải thiện hơn. Để kiếm tiền, cải thiện kinh tế tôi cũng chỉ biết lấy từ năng lực, chất xám của mình. Tôi dùng chất xám của mình để kiếm thêm thu nhập, tạo dựng cuộc sống”.

Một nhà khoa học mà phải bán những nghiên cứu của mình để làm thành tích cho kẻ khác, chỉ vì bài toán vật chất, thì rất đáng băn khoăn. Thử hỏi, những người cũng có học hàm và học vị như PGS-TS Đinh Công Hướng, có năng lực thực sự không, đã dành thời gian làm gì, mà dẫn đến hành vi mua bán công trình nghiên cứu khoa học?

Quan trọng hơn, câu chuyện của PGS-TS Đinh Công Hướng có lẽ cũng khiến xã hội phải âu lo về chất xám giá rẻ. Một giảng viên đại học có chuyên môn cao mà chật vật cơm áo, thì liệu còn mấy ai chuyên tâm nghiên cứu khoa học? Và dưới áp lực "cải thiện kinh tế" sẽ có bao nhiêu loại bằng cấp giả trở thành đạo cụ trang trí cho những kẻ có sẵn của cải, làm xáo trộn thêm đời sống giáo dục và đào tào nước nhà?

Liêm chính học thuật giống như danh dự thiết thân của nhà khoa học. Chất xám giá rẻ chắc chắn cản trở và rung lắc giá trị liêm chính học thuật. Rõ ràng, sự rút lui khỏi tư cách thành viên Quỹ Nafosted của PGS-TS Đinh Công Hướng là một thái độ tự trọng. Tuy nhiên, từ trường hợp PGS-TS Đinh Công Hướng, cần nghiêm túc rà soát những công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam, và có cơ chế thù lao xứng đáng cho những nhà khoa học miệt mài lao động.