| Hotline: 0983.970.780

Liên kết ngư dân và đầu nậu, phần thua thiệt luôn thuộc về ngư dân

Thứ Hai 19/09/2016 , 09:15 (GMT+7)

Vì ngư dân không có điều kiện bán sản phẩm trực tiếp cho doanh nghiệp, nên từ trước đấn nay, hầu hết hải sản đánh bắt được trên biển đều được tiêu thụ qua tay đầu nậu. Mối liên kết này luôn là cán cân lệch, phần thua thiệt luôn thuộc về ngư dân.

Sau hơn 30 năm hành nghề đánh bắt hải sản trên biển, nhưng thuyền trưởng tàu cá chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương mang số hiệu BĐ 96561 TS, ông Trần Hiểu Văn ở xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) vẫn chưa tiếp cận được với các doanh nghiệp chế biến thủy sản để bán sản phẩm trực tiếp, hải sản đánh bắt được trong những chuyến biển hoàn toàn được tiêu thụ thông qua đầu nậu, mặc dù ông biết rất rõ sản phẩm của mình luôn bị ép giá.

Ông Trần Hiểu Văn cho biết, trong quãng từ tháng 5 đến nay, có nhiều chuyến biển khi tàu ra khơi thì cá ngừ đại dương đang đứng ở mức giá 90.000đ/kg, nhưng khi tàu cập bờ thì đầu nậu chỉ thu mua 84.000đ/kg. Việc bán sản phẩm thông qua đầu nậu ngư dân không chỉ phải chấp nhận bị ép giá mà còn bị nợ dài, không nhận được tiền “tươi”.

“Vào thời điểm cuối mỗi chuyến biển, đầu nậu trong bờ liên lạc điện thoại với các chủ tàu để làm giá. Chúng tôi đang lênh đênh trên biển thì đâu biết mức giá nào là chuẩn, họ nói sao mình nghe vậy, nên cứ đành chấp nhận giá họ đưa ra để sản phẩm được tiêu thụ nhanh còn mở chuyến biển khác. Nếu hợp đồng làm ăn với các công ty thì yên tâm hơn, vì bán cho đầu nậu dù biết bị ép giá nhưng bọn tui cứng họng không nói được”, ông Văn trần tình.

Theo ngư dân Nguyễn Văn Việt ở xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn), chủ tàu cá BĐ 97244 TS (400CV), cái khó hiện nay của ngư dân Bình Định là chưa có doanh nghiệp nào đứng ra thu mua sản phẩm trực tiếp, ngư dân phải tiêu thụ sản phẩm qua trung gian là các đầu nậu, từ đó phát sinh nhiều bất cập.

“Khi tàu bán sản phẩm xong, đầu nậu ứng trước khoảng 25% số tiền để chủ tàu trang trải chi phí cho anh em thuyền viên. Sau đó, nhanh thì 1 tuần, chậm có khi mất đến 1 tháng đầu nậu mới thanh toán đủ. Cũng có trường hợp, ngư dân thiếu vốn, ứng tiền của đầu nậu đầu tư trang thiết bị tàu cá, hoặc ứng trước tiền của chủ nậu để sắm tổn cho chuyến biển thì bắt buộc phải bán sản phẩm cho đầu nậu.

13-35-01_2
Hoạt động đánh bắt của ngư dân Bình Định

 

Lâu nay, ngư dân đa số bán cho đầu nậu vì không hợp đồng được với doanh nghiệp, nên giá bản sản phẩm luôn bấp bênh, khó kiểm soát. Chỉ những tàu tham gia đánh bắt theo chuỗi bằng ngư lưới cụ Nhật Bản thì mới được doanh nghiệp thu mua trực tiếp, nhưng số tàu này rất ít”, ngư dân Việt cho hay.

“Nếu ai vay vốn chủ nậu phải bán sản phẩm cho họ với giá bị ép thì cũng cam đành, tui không dính dáng gì đến vốn của chủ nậu, mỗi chuyến biển cũng bỏ tiền nhà ra mà sản phẩm vẫn bị đầu nậu mua ép giá mới đau”, một chủ tàu khác ở Quy Nhơn bức xúc.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cũng thừa nhận việc bất cập trong khâu tiêu thụ hải sản hiện nay của ngư dân tỉnh này. Tuy nhiên theo ông Hổ, giải quyết việc thương lái, đầu nậu ép giá ngư dân khi mua sản phẩm là chuyện rất khó.

“Tại Bình Định hiện có khoảng 10 đầu nậu thu mua sản phẩm của ngư dân, con số này biến động theo thị trường. Hiện các công ty chế biến thủy sản chỉ thu mua nguyên liệu thông qua đầu nậu chứ không mua trực tiếp ngư dân, vì công ty ít người mà số lượng ngư dân thì quá đông. Ví dụ 1 công ty cần mua 100 tấn cá thì bắt buộc phải trực tiếp mua từ 5 - 10 ngư dân, trong khi mua cùng số lượng nguyên liệu nhưng thông qua đầu nậu thì công ty chỉ cần làm việc trực tiếp với 1 chủ nậu là đủ. Để tránh thua thiệt cho ngư dân, các cơ quan hữu quan Nhà nước cần liên tục thông báo giá từng loại hải sản cho ngư dân để hạn chế việc bị ép giá khi bán sản phẩm”, ông Hổ nói.

Để giải quyết tình trạng trên, tỉnh đã cho xây dựng và bắt đầu hoạt động HTX Khai thác đánh bắt thủy sản Hoài Nhơn nhằm tạo chuỗi liên kết hỗ trợ ngư dân trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, để ngư dân không còn phải “nương tựa” vào vốn của các đầu nậu, Hội Nông dân các cấp thường xuyên phối hợp với các ngân hàng, tín chấp cho ngư dân vay vốn mua sắm ngư lưới cụ, cải hoán đóng mới tàu cá.

Đến nay đã có khoảng 200 tỷ đồng với gần 6.000 hộ ngư dân vay và Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay 5 dự án với 1,15 tỷ đồng.

 

Xem thêm
Đã đến lúc mở rộng cửa nhập khẩu vàng nguyên liệu?

Trước tình hình giá vàng biến động không ngừng, người dân ngày càng khó mua được vàng thì áp lực tăng nguồn cung vàng ngày càng đè nặng lên Ngân hàng Nhà nước.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Bắt tay BigDutchman, Tập đoàn Hùng Nhơn hiện thực hóa tham vọng tỷ USD

Tập đoàn Big Dutchman và Tập đoàn Hùng Nhơn sẽ bắt tay hợp tác trong 12 dự án chăn nuôi gia cầm, gà đẻ và heo ở các tỉnh phía Nam Việt Nam.

Độ nóng bất ngờ của căn phòng 3 ngủ tại Hanoi Melody Residences

Căn hộ 3 phòng ngủ (có diện tích từ 95-145m2) tại Hanoi Melody Residences đang được khách hàng rất quan tâm xuống tiền ngay giữa bối cảnh giá thị trường chung không ngừng gia tăng.