HTX Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Xuân Định (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), là một trong số những hợp tác xã đã thành công trong việc xây dựng cánh đồng lớn sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Trái sầu riêng của HTX Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Xuân Định cũng là một trong số ít sản phẩm trái cây tươi ở Đồng Nai đạt chứng nhận 3 sao của Chương trình OCOP.
Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Xuân Định, cho biết, nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên trái sầu riêng của hợp tác xã đạt chất lượng, ăn ngon và có mẫu mã đẹp. Do đó, thương lái đến thu mua sầu riêng của hợp tác xả thường mua với giá cao hơn với sầu riêng trong vùng.
Trong những năm qua, sầu riêng của HTX Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Xuân Định đã đi vào nhiều hệ thống siêu thị trên cả nước, đồng thời được các đầu mối lớn ở TP Long Khánh (Đồng Nai) thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Trong 2 năm 2020 và 2021, tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, sản phẩm sầu riêng của nông dân Long Khánh, Xuân Lộc … vẫn tiêu thụ được, nhưng giá thấp hơn, bán chậm hơn do đầu ra xuất khẩu gặp khó khăn, có lúc ách tắc, dẫn tới tình trạng ùn ứ hàng hóa ở các doanh nghiệp.
Chính vì vậy, việc sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đang mở ra cơ hội lớn hơn cho sầu riêng Long Khánh, Xuân Lộc cũng như ở các huyện khác của tỉnh Đồng Nai.
Theo bà Nga, khi nghe tin sầu riêng Việt Nam sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các xã viên trồng sầu riêng của HTX Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Xuân Định rất phấn khởi.
Tuy nhiên, nông dân cũng bày tỏ nỗi băn khoăn rằng làm sao để việc thực hiện quy trình sản xuất sầu riêng đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng, được chặt chẽ hơn nữa.
Vì khi sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch thì phải luôn đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm. Nếu một vài hộ không tuân thủ nghiêm chỉnh quy trình sản xuất, thì rất có thể sẽ gây tổn hại lớn cho hợp tác xã và doanh nghiệp thu mua xuất khẩu.
Do đó, cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã… trong việc giám sát vùng trồng nhằm đảm bảo cho các sản phẩm sầu riêng được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu đều đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Việc liên kết hình thành chuỗi giá trị, cũng là một yếu tố quan trọng để đưa sầu riêng đi chính ngạch sang Trung Quốc một cách ổn định, bền vững. Bà Nga cho rằng, chỉ riêng hợp tác xã không thể đưa trái sầu riêng đi chính ngạch được, mà hợp tác xã phải phối hợp với doanh nghiệp, qua đó đảm bảo cho từng hộ nông dân sản xuất ra sản phẩm đúng theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc.
Bà Nga khẳng định, nếu các công ty liên kết với hợp tác xã để sản xuất sầu riêng theo quy trình chuẩn, xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch sẽ nâng cao thêm hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho nông dân, hợp tác xã cũng như doanh nghiệp.
"Trước đây, HTX Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Xuân Định xuất khẩu trái sầu riêng tươi sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch thông qua các đầu mối lớn ở Long Khánh và một số nơi khác. Nay sầu riêng Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch. Ngoài việc cung ứng trái sầu riêng tươi cho các doanh nghiệp đi chính ngạch, hợp tác xã đang hướng tới việc cung ứng sầu riêng bóc múi để có giá trị cao hơn. Để làm được mặt hàng nay, hợp tác xã rất mong muốn được hỗ trợ về vốn và đầu tư một nhà sơ chế, bảo quản." Bà Đặng Thị Thúy Nga chia sẻ.