| Hotline: 0983.970.780

Liên kết nuôi heo an toàn sinh học

Thứ Năm 15/01/2015 , 09:28 (GMT+7)

Những ngày cuối năm, không khí chăn nuôi heo ở tỉnh Đồng Nai rộn ràng hẳn, người dân tất bật chuẩn bị xuất chuồng đàn heo thịt để phục vụ Tết.

Hiện Đồng Nai có tổng đàn heo lớn nhất cả nước với 1,4 triệu con. Để nâng tầm giá trị heo thương phẩm, những năm gần đây, tỉnh đã áp dụng mô hình liên kết chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học, được đông đảo nông dân ủng hộ...

Sau hơn 4 năm triển khai dự án "Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm Lifsap” tại Đồng Nai đã mang lại những kết quả tích cực, việc chăn nuôi của người dân có bước đột phá mới.

Với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cho các hộ chăn nuôi heo có quy mô nông hộ, dự án Lifsap Đồng Nai đã xây dựng được 52 nhóm SX theo tiêu chuẩn GAHP với 1.039 hộ tại 3 vùng Xuân Lộc, Thống Nhất và Long Khánh.

Thông qua các nhóm, dự án hỗ trợ một số thiết bị, dụng cụ chăn nuôi để tạo điều kiện cho hộ dân áp dụng quy trình chăn nuôi theo GAHP.

Ông Dương Hồng Đoán, Trưởng nhóm chăn nuôi trong dự án Lifsap tại huyện Xuân Lộc là một trong những hộ gia đình tham gia dự án từ ngày đầu. Hiện tại, nhóm của ông có 20 hộ nuôi gần 1.200 con heo thịt.

Kể từ khi chuyển sang hình thức nuôi heo theo hướng an toàn sinh học, việc chăn nuôi của các hộ như gia đình ông Đoán có bước đột phá rõ rệt. Dễ thấy nhất là đã tự chủ được nguồn thức ăn chăn nuôi.

Ông Đoán hào hứng: “Thay vì mua thức ăn sẵn trực tiếp từ Cty, chúng tôi được hướng dẫn trộn hỗn hợp thức ăn từ ngô, cám và cám đậm đặc. Đồng thời sử dụng men vi sinh vật giúp heo tiêu hóa tốt, tăng khả năng hấp thụ thức ăn, trao đổi chất để heo tăng trọng nhanh. Nhờ tự chủ được nguồn thức ăn, mỗi năm gia đình tôi tiết kiệm được cả trăm triệu đồng cho khoản này”.

Ngoài đầu tư chăn nuôi “heo sạch”, mô hình nuôi heo theo hướng an toàn sinh học còn chú trọng đến vấn đề phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ người dân xây dựng công trình xử lý chất thải và hố khử trùng. Đến nay đã xây dựng trên 200 công trình biogas. Dự kiến sẽ có khoảng 1.400 công trình được hỗ trợ và xây dựng khi hoàn thành dự án.

Là một trong những hộ tham gia dự án, đến nay đàn heo của gia đình anh Trần Đức Minh, ấp Bình Hòa, Xuân Phú (huyện Xuân Lộc ) đã lên đến hơn 100 con heo thịt, 10 heo nái.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng chăn nuôi công nghiệp, an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.
Hiện tại, Đồng Nai đã có 253 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, gồm 110 trại heo, 138 trại gà và 5 trại vịt. Thời gian tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến đã được ứng dụng, như nuôi chuồng kín, thông gió cưỡng bức (lạnh), cai sữa sớm, phòng bệnh chủ động, sử dụng các chế phẩm sinh học làm thức ăn, xử lý môi trường…

“Qua thời gian áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đàn heo nhà tôi phát triển tốt. Ngoài ra, gia đình tôi còn được hỗ trợ xây dựng thêm hầm biogas đảm bảo vệ sinh môi trường, đồng thời tận dụng khí gas để phục vụ sinh hoạt.

Để chăn nuôi bền vững, gia đình tôi cũng thực hiện nghiêm túc 29 tiêu chí an toàn sinh học trong chăn nuôi, cũng như ghi chép, theo dõi lịch trình chăn nuôi để nắm được tình hình dịch bệnh nhằm xử lý kịp thời”, anh Minh nói.

Việc phát triển chăn nuôi heo theo hình thức chia nhóm không chỉ tạo điều kiện để các thành viên có dịp trao đổi kinh nghiệm, mà còn là tiền đề để tạo ra chuỗi tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng, qua đó hạn chế khâu trung gian, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.

Thành công này sẽ là bước đệm quan trọng giúp ngành chăn nuôi có bước đột phá mới, nâng cao giá trị heo thương phẩm trên thị trường.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay đối với người chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học là đầu ra cho sản phẩm còn thiếu sự phân luồng rõ ràng và thiếu các lò mổ tập trung đạt chuẩn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Minh Báu, Phó GĐ Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết: “Trong thời gian qua, Sở đã hỗ trợ xây dựng 4 cơ sở giết mổ và đang hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất hỗ trợ xây dựng thêm 3 cơ sở giết mổ tập trung nữa, trong đó chú trọng việc phân luồng sản phẩm thịt heo an toàn nhằm quảng bá rộng rãi tới người tiêu dùng, hướng đến việc xây dựng thương hiệu, sản phẩm thịt heo an toàn”.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.