| Hotline: 0983.970.780

Liên kết sản xuất giống, người cười kẻ khóc: Làm ăn với 'chúa chổm'

Thứ Tư 27/05/2015 , 09:22 (GMT+7)

Liên kết SX đem lại lợi ích cho cả nông dân và DN là điều không thể bàn cãi. Song có nhiều DN đã bội tín với HTX và nông dân./ Mũi tên trúng 3 đích

Gian nan đòi nợ

HTXNN Điện Thọ 2, xã Điện Thọ (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) bán lúa giống nguyên chủng cho DN từng bị chậm thanh toán hàng trăm triệu đồng nên HTX phải "vùi đầu" nợ nông dân từng ấy tiền.

Lục đống hồ sơ, ông Nguyễn Văn Ba, GĐ HTXNN Điện Thọ 2 đưa ra một mớ giấy tờ cho biết: Hiện DN còn nợ 21 triệu đồng, nhưng HTX đòi mãi Cty chưa chịu trả. Vụ ĐX 2012-2013, HTX ký kết hợp đồng liên kết với Cty CP Hưng Trung Việt, do bà Lưu Thị Hồng Tưởng làm GĐ. Cty có địa chỉ ở Khu công nghiệp Thuận Yên, phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ. Theo đó HTX SX 10 ha giống lúa LĐ1 và ĐTL2 cho Cty. HTX vận động hàng trăm hộ nông dân tham gia SX. Kết quả tổng sản lượng vụ này đạt hơn 28 tấn lúa LĐ1 và hơn 22 tấn lúa ĐTL2.

Sau khi mua lúa của HTX, Cty phải thanh toán hơn 465 triệu đồng, thời gian trả tiền được “khoanh” từ ngày 12/8 - 15/8/2013. Tuy nhiên, qua thời gian quy định, Cty vẫn chậm chi trả. Sau 7 lần làm việc để giải quyết, đến ngày 22/8/2013, Cty thanh toán được 40 triệu đồng. Sang ngày 23/8 Cty tiếp tục thanh toán 70 triệu và còn nợ HTX 355 triệu.

“Vụ ĐX kết thúc bà con rất cần tiền để đầu tư vụ HT, trong khi Cty đang nợ tiền, không còn cách khác, ban lãnh đạo HTX cầm "sổ đỏ", nhà cửa của cá nhân ra ngân hàng vay để về chi trả cho bà con”, ông Ba kể.

Sau nhiều lần đòi số tiền 355 triệu đồng nhưng Cty vẫn không thanh toán nên ngày 1/10/2013, HTX Điện Thọ 2 buộc làm đơn khởi kiện ra tòa án nhân dân huyện Điện Bàn. Khi tòa thụ lý hồ sơ, đã mời hai bên ra thỏa thuận thì Cty mới chấp nhận trả số tiền nói trên. Tuy nhiên, tiền được chi trả nhỏ giọt. Đến ngày 31/7/2014 Cty mới trả xong số nợ gốc, còn 21 triệu đồng, do phát sinh tiền lãi HTX vay ngân hàng, Cty vẫn xin khất.

“HTX đã lấy được tiền nhưng làm ăn kiểu như rứa thì chúng tôi chỉ có chết. Cty đẩy HTX vào con đường nợ nần, phần nữa bà con nông dân mất lòng tin ở HTX, sau này muốn liên kết SX lúa giống bà con cũng không mặn mà!”, ông Ba nói.

Sống dở, chết dở

Cũng bắt tay liên kết SX giống, HTXNN Điện Minh 2 và HTXNN Điện Hồng 3, huyện Điện Bàn cùng rơi vào cảnh bế tắc. Các DN đến liên kết SX lúa giống, ngô giống, sau khi thu mua đủ sản lượng cam kết theo hợp đồng thì Cty cao chạy xa bay, để lại một khoản nợ bà con nông dân hàng trăm triệu đồng.

Ông Lâm Gia Tâm, Chủ nhiệm HTXNN Điện Minh 2 phản ánh, cuối năm 2010, HTX ký hợp đồng với Cty CP Việt Tín, do bà Lê Thị Kim Thanh làm GĐ (có địa chỉ ở cảng Cống Câu, khu 13, phường Hải Tân, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Hai bên liên kết SX và thu mua hạt giống ngô lai LVN 10 trong vụ ĐX 2010-2011 với diện tích 20 ha, sản lượng là 60 tấn.

Tổng số tiền mà Cty CP Việt Tín phải thanh toán cho HTX sau khi thu mua hạt giống gần 677 triệu đồng, trong đó HTX đã ứng trước gần 277 triệu. Trong hợp đồng được ký kết, hai bên sẽ tổ chức thanh lý hợp đồng sau khi kết thúc công việc và phía Cty sẽ thanh toán đầy đủ cho HTX sau khi thanh lý từ 15 - 20 ngày.

Thế nhưng khi đã thu mua 60 tấn ngô giống do HTX cung cấp thì Cty không hề thanh toán số tiền còn lại như đã cam kết. Cty bảo rằng, sản phẩm của HTX không bán được. Khi nghe tin, HTX Điện Minh 2 cử người ra Hải Dương tìm đối tác để bán giùm Cty. Sau đó, HTX liên hệ được một Cty ở Hà Nội về thu mua giống của Cty CP Việt Tín 60 tấn ngô giống do HTX cung cấp.

Điều đáng nói là HTX Điện Minh 2 đã tìm đối tác cho Cty bán được sản phẩm ngay khi Cty kêu khó. Đặc biệt, HTX bán cho Việt Tín với giá 24.000 đ/kg, nhưng bán lại cho Cty khác 26.000 đ/kg. Họ có lãi 2.000 đ/kg, thế nhưng đến nay Việt Tín vẫn còn nợ HTX trên 400 triệu đồng.

“Như thế là họ lừa đảo chúng tôi rồi, số lượng giống đã bán hết, mà tiền họ cũng chưa thanh toán. Gần 4 năm nay, HTX lâm cảnh khó khăn, suốt ngày phải vay mượn khắp nơi trả nợ cho bà con nông dân. HTX đã 3 lần ra Hải Dương gặp lãnh đạo Cty để đòi nợ nhưng vẫn không có kết quả. Phía Cty cứ hứa hẹn sẽ trả nhưng cuối cùng, cho đến nay vẫn chây ỳ”, ông Tâm chua chát nói.

Ông Tâm nói thêm, Cty bảo là do làm ăn thua lỗ nên không có khả năng chi trả. Điều này rất vô lý, không biết Cty thua lỗ ở đâu, nhưng đối với sản phẩm của chúng tôi thì hoàn toàn không. Chính chúng tôi đã trực tiếp ra Hải Dương giúp họ tìm đối tác để bán sản phẩm có lời cho họ, vậy mà họ vẫn không chịu trả tiền.

Ông Lê Hữu Ái, GĐ HTX Điện Thọ I, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn tâm sự: “Để tránh tình trạng liên kết SX bị DN bội tín, không chịu thanh toán thì cần phải tỉnh táo. HTX phải có sự chọn lọc những Cty nào có năng lực tài chính ổn định để phối hợp SX. Khi đã liên kết thì phải có chữ tín với nhau để làm ăn lâu dài. Vì thế HTX luôn cố gắng để có sự lựa chọn tối ưu nhất để liên kết, vừa mang lại lợi ích cho nông dân vừa tạo nguồn vốn cho HTX hoạt động bền vững”.

Tôi hỏi, sao không đưa ra tòa án để xử lý? Ông Tâm cho rằng, nếu khởi kiện ở Quảng Nam thì Cty sẽ không vào, còn khởi kiện ở Hải Dương chắc chắn sẽ gặp khó cho HTX. Bởi mỗi lần đi lại, ăn ở rất tốn kém. Trong khi đang nợ nần chồng chất, HTX lấy tiền đầu ra để mà ra đi kiện!

Tương tự, HTXNN Điện Hồng 3, xã Điện Hồng cũng lâm vào tình huống dở khóc, dở cười khi bị Cty Đầu tư và phát triển công nghệ nông nghiệp Thái Bình nợ số tiền hơn 425 triệu đồng.

Ông Nguyễn Phước Chính, Chủ nhiệm HTXNN Điện Hồng 3 cho biết, năm 2012, HTX liên kết với Cty Đầu tư và phát triển công nghệ nông nghiệp Thái Bình, do ông Nguyễn Quang Đôn làm GĐ (có địa chỉ số 360, phố Lê Đại Hành, tổ 27, phường Kỳ Bá, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) SX 20 ha lúa giống.

Sau khi đã nhận đủ số lượng lúa giống từ HTX thì Cty này… lặn mất tăm. Dù đã nhiều lần liên hệ để đòi nợ nhưng GĐ Cty đều tránh mặt. Không còn cách nào khác, HTX khởi kiện Cty ra TAND huyện Điện Bàn. Sau đó hai bên đi đến thỏa thuận, Cty phải thanh toán cho HTX 713 triệu đồng. Qua nhiều lần nhờ tòa can thiệp, HTX mới nhận được 288 triệu. Hiện phía Cty còn nợ hơn 400 triệu.

“DN chây ỳ tiền nợ đã giết chết chúng tôi. Những năm qua tiền vốn lẫn tiền lời của HTX kinh doanh nhiều lĩnh vực vẫn không đủ trả cho bà con. Đã 3 năm liên tiếp "giật gấu vá vai" để trả nợ, song đến nay chúng tôi vẫn nợ bà con hàng trăm triệu. Bị DN bội tín chỉ một lần, giờ đây HTX muốn tiếp tục liên kết SX lúa giống với DN khác thì nông dân cũng không tin tưởng nữa”, ông Chính bộc bạch. (Còn nữa)

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Chủ quan khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại

Nhiều người nuôi chó, mèo tại Long An vẫn còn rất chủ quan, thiếu hiểu biết về bệnh dại khi cho rằng chó, mèo nhà nuôi không bị bệnh dại.

Có một ngôi làng Nam bộ bên dòng sông Thu Bồn

QUẢNG NAM Trồng đủ các loại cây trái có giá trị, kinh tế vườn giúp cho hơn 80% hộ dân ở làng Đại Bình thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.