Quế là cây được trồng rộng rãi trên địa bàn tỉnh Lào Cai, với hơn 30.000 ha. Nhu cầu hiện nay trên thế giới về cây quế rất lớn. Tuy nhiên, mối liên kết giữa người sản xuất và tiêu thụ quế còn khá lỏng lẻo.
Năm 2021, Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch” (Dự án GREAT) do Chính phủ Úc tài trợ đã hợp tác triển khai với Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai cùng Tổ chức SVN của Hà Lan, Công ty TNHH Hương Gia vị Sơn Hà, Công ty TNHH Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) để hỗ trợ phát triển thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm quế ở tỉnh Lào Cai, với trọng tâm là nâng cao vị thế kinh tế cho phụ nữ.
Mặc dù được trồng rộng rãi, nông dân trồng quế vẫn chưa có nhiều kiến thức về kỹ thuật trồng, thu hái và chăm sóc cây quế theo xu hướng mới. Nhiều hộ dùng cây giống không đảm bảo tiêu chuẩn do tự sản xuất và chưa biết đến các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế hoặc hữu cơ; chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật và những thông tin mới vào sản xuất.
Phương thức sản xuất và việc mua bán quế mới chỉ được thực hiện ở cập độ gia đình. Những điều này dẫn đến việc chất lượng quế được sản xuất không ổn định và không đạt tiêu chuẩn để thâm nhập vào các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế.
Dự án đã kết nối người trồng quế thông qua các nhóm cùng sở thích trồng quế và mạng xã hội Facebook với mục đích nâng cao kiến thức của nông dân và thiết lập kết nối để việc sản xuất quế có tổ chức hơn. Hiện nay đã có 1.602 hộ nông dân đăng ký vào tổ nhóm sở thích trồng quế và có trên 5.000 người dân được tham gia và hưởng lợi từ dự án.
Chị Vàng Thị Chanh tại thôn Làng Chàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà chia sẻ: Gia đình chị đã thấy lợi ích thực sự khi tham gia dự án. Nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, bổ ích như tuyên truyền, tập huấn, hội thảo, thăm quan học tập kinh nghiệm, cấp phát tờ gấp hướng dẫn kỹ thuật, sự kiện truyền thông và hội thi đã khuyến khích các hộ dân cùng nhau liên kết làm giàu từ cây quế.
Anh Lục Văn Khởi, chồng chị Chanh cho biết thêm: Vợ chồng anh và các hộ khác khi tham gia vào tổ nhóm cùng sở thích trồng quế thấy rất bổ ích. Các hộ dân trồng quế ở thôn đã được liên kết lại, cùng bàn bạc với nhau trong việc tổ chức sản xuất, phòng trừ sâu bệnh cho cây quế, thu hoạch quế và bàn bạc về việc tiêu thụ, giá cả khi xuất bán sản phẩm quế để không để bị ép giá, đặc biệt là thông qua liên kết với các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu mặt hàng quế để có đầu ra ổn định.
Dự án cũng đã tạo được sự thay đổi trong tập quán sản xuất cho nông dân địa phương, chuyển từ tập quán tổ chức sản xuất đơn lẻ, tự phát, thiếu liên kết trước đây sang sản xuất hàng hóa theo định hướng, mục tiêu, nhu cầu thị trường.
Ông Sầm Phượng Long, Chủ tịch UBND xã Nậm Lúc (huyện Bắc Hà) chia sẻ: Các hoạt động của dự án đã có tác động rõ nét đến chính quyền và người dân. Nông dân Lào Cai đã biết liên kết, cùng nhau làm giàu từ cây quế.
Các tổ nhóm trồng quế trong xã với nhau đã có sự trao đổi kinh nghiệm, phương thức sản xuất trồng quế giữa người dân thôn bản này với thôn bản kia, xã này với xã kia, với huyện này với huyện kia trong tỉnh Lào Cai. Hiện xã đang huy động được các nguồn lực của địa phương và nguồn lực của người dân trong việc đầu tư, tổ chức sản xuất quế bền vững.
Hiện tại các hộ dân tại 5 xã của huyện Bắc Hà đã có liên kết với 2 công ty thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu quế.
Cả 2 công ty đều đang trong quá trình xây dựng cơ sở chế biến tại địa bàn tỉnh Lào Cai để việc thu mua quế dễ dàng hơn cũng như tạo công ăn việc làm cho phụ nữ địa phương.