Cty CP Chè Hà Tĩnh hiện có 3 vùng nguyên liệu tập trung tại Hương Trà, Hương Xuân (Hương Khê), Sơn Kim 2, Sơn Tây (Hương Sơn) và Kỳ Trung, Kỳ Tân, Kỳ Thượng (Kỳ Anh). Trong đó, diện tích chè của Cty là 500 ha, liên kết SX với các hộ dân 155 ha.
Chị Đặng Thị Oanh, thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2 phấn khởi cho hay: “Trước đây, SX các loại cây lương thực trên 3 sào đất của gia đình tôi cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng/năm. Năm 2012, tôi liên kết trồng chè với Cty CP Chè Hà Tĩnh, được hỗ trợ vay vốn, cấp giống, kỹ thuật làm đất, bón phân, chăm sóc, thu hái… nên đến nay đã cho thu hoạch 400 kg chè tươi/tháng, thu nhập gần 30 triệu đồng/năm, gấp 10 lần so với trước”.
Vào cuộc ngay từ khâu cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật làm đất, trồng mới, chăm sóc, thu hái, đầu tư tài chính cho các hộ và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay trước khi làm đất trồng mới.
Sự hỗ trợ của Cty không những tạo điều kiện cho người trồng chè SX đúng quy trình kỹ thuật mà quan trọng hơn là kiểm soát được chuỗi để có sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo ATVSTP.
9 tháng đầu năm 2014, sản lượng chè chế biến của Cty CP Chè Hà Tĩnh đạt 70 tấn; xuất khẩu 725 tấn; kim ngạch xuất khẩu trên 1,9 triệu USD; nộp ngân sách 700 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 1.600 lao động... |
Ông Trần Công Lệ, GĐ Cty CP Chè Hà Tĩnh cho biết: "Chè là một trong 5 sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh. Ngoài kinh phí hỗ trợ SX chè của tỉnh, trung bình mỗi năm Cty hỗ trợ 1,6 tỷ đồng cho các hộ đầu tư phân hữu cơ, SX chè búp tươi an toàn. Chúng tôi còn dành kinh phí thưởng cho vườn chè “xanh, sạch, đẹp” 1 - 2 triệu đồng/vườn”.
Đổi mới, hiện đại hóa thiết bị, nhà xưởng, quản lý tốt quy trình SX và chế biến nên sản phẩm chè của Cty luôn đạt chất lượng, đảm bảo VSATTP. Chè lăn xanh của Cty là một trong những sản phẩm xuất khẩu có uy tín nhất tại thị trường các nước Trung Đông.
Đặc biệt, năm 2014 Cty ký kết và xuất thành công lô hàng lớn vào thị trường nước Anh, đánh dấu mốc quan trọng trong việc đưa sản phẩm chè Hà Tĩnh vào thị trường “khó tính” châu Âu.
“Việc hỗ trợ tài chính, giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người trồng chè đã gắn kết chặt chẽ, hai bên cùng có lợi: Cty có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng để SX bền vững; hộ trồng chè có “bà đỡ” trong suốt quá trình SX đến tiêu thụ nên không xảy ra hiện tượng thu mua bấp bênh, được mùa mất giá.
Nhờ áp dụng đúng quy trình SX nên năng suất chè đạt cao trên 23 tấn/ha, thậm chí có những vườn đạt gần 30 tấn/ha, giá chè búp Cty thu mua tăng bình quân mỗi năm 12%. Hiện tại, giá chè búp tươi gần 7.000 đồng/kg, cao gấp 1,5 lần so với mặt bằng chung, nên đời sống người trồng chè được cải thiện. Nhiều hộ thu nhập hơn 80 triệu đồng/năm”, ông Lệ cho biết thêm.