| Hotline: 0983.970.780

Liệu có thể thực sự ngăn chặn nạn phá rừng?

Thứ Năm 04/11/2021 , 14:09 (GMT+7)

Việc liên tục mất rừng sẽ có nguy cơ gây ra những hậu quả khôn lường về an ninh lương thực, hệ thống thời tiết và sự tồn tại của hàng triệu loài khác.

Gỗ được khai thác hợp pháp bên trong Công viên rừng quốc gia Jamari ở rừng nhiệt đới Amazon của Brazil. Ảnh: Reuters.

Gỗ được khai thác hợp pháp bên trong Công viên rừng quốc gia Jamari ở rừng nhiệt đới Amazon của Brazil. Ảnh: Reuters.

Rừng và thiên nhiên là vấn đề trung tâm tại Hội nghị COP26. Vào ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh ở Glasgow, các nhà lãnh đạo thế giới đang công bố cam kết ngăn chặn và thay đổi triệt để nạn phá rừng.

Là nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ hai sau năng lượng, lĩnh vực đất đai chiếm 25% lượng khí thải toàn cầu, chính nạn phá rừng và suy thoái rừng gây ra ½ lượng khí thải này.

Phá rừng là gì?

Phá rừng là hành động con người gây ra nhằm chuyển đổi rừng sang hình thức sử dụng đất khác, chẳng hạn như chăn nuôi gia súc hoặc sản xuất đậu tương. Phá rừng đã song hành với sự phát triển của con người trong nhiều thế kỷ. 

Ngoài việc là một nguồn phát thải carbon chính, thay đổi sử dụng đất là nguyên nhân chính dẫn đến mất đa dạng sinh học, mà các nhà khoa học cảnh báo là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng hàng loạt sự sống trên Trái đất.

Năm ngoái, Brazil, Congo, Bolivia, Indonesia và Peru là năm quốc gia đứng đầu về mất rừng nguyên sinh nhiệt đới. Khoảng 12 triệu ha lớp phủ cây cối đã bị mất ở vùng nhiệt đới, bao gồm 4,2 triệu ha rừng nguyên sinh.

Lý do phá rừng?

Các chuyên gia cho rằng lý do chính phá rừng là do vấn đề tài chính. Tại Brazil, phần lớn rừng Amazon đã được dọn sạch để sản xuất thịt bò.

Ở Indonesia, rừng và đất than bùn đã được phát quang để trồng cọ dầu. Ở các khu vực khác, cà phê, ca cao, chuối, dứa, lá coca và canh tác tự cung tự cấp đã thúc đẩy việc giải phóng mặt bằng đất rừng. Hầu hết các điểm nóng về phá rừng đều ở các vùng nhiệt đới, đây cũng là những khu vực có lợi cho canh tác.

Yadvinder Malhi, giáo sư khoa học hệ sinh thái tại Đại học Oxford nói: “Yếu tố lớn nhất gây ra phá rừng là sự mở rộng của các ngành nông nghiệp: chăn nuôi gia súc, trồng đậu nành và cọ dầu" và “Yếu tố thứ hai là nghèo đói".

Không dễ nhưng vẫn có lý do để hy vọng

Ngăn chặn nạn phá rừng sẽ không dễ dàng, nhưng có những lý do để hy vọng. Cùng với cam kết từ các nhà lãnh đạo thế giới tại COP26, người ta hy vọng các nhà sản xuất lớn và người tiêu dùng các mặt hàng có liên quan đến nạn phá rừng sẽ loại bỏ chúng khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung Quốc - một trong những nước tiêu thụ lớn nhất thế giới – đang nghiêm túc xem xét nạn phá rừng và quan tâm tới “xanh hóa” chuỗi cung ứng của mình.

Frances Seymour, một chuyên gia về rừng và quản trị tại Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) cho biết: “Chúng ta thực sự cần bắt đầu suy nghĩ về mất rừng - đặc biệt là mất rừng nhiệt đới - giống như cách mọi người đang nói về than đá. Trung Quốc đã cam kết không tài trợ khai thác than mới ở nước ngoài. Nhưng chúng ta cần tìm kiếm những cam kết tương tự từ tất cả các quốc gia để ngừng tài trợ cho các dự án dẫn đến phá rừng ở nước ngoài”.

Ví dụ thành công đáng học hỏi

Costa Rica là quốc gia nhiệt đới duy nhất ngăn chặn nạn phá rừng thành công. Thành công của nước này một phần nhờ các khoản thanh toán từ một chương trình dịch vụ hệ sinh thái mang lại giá trị kinh tế cho rừng và đa dạng sinh học. Nước này đã giành được giải thưởng Earthshot đầu tiên trong năm nay cho kế hoạch này.

Brazil cũng thành công đáng kể trong việc giảm nạn phá rừng ở Amazon vào cuối những năm 2000 và đầu những năm 2010 nhờ ban hành Luật môi trường, cải thiện giám sát khai thác gỗ bất hợp pháp đốt nương làm rẫy và lệnh cấm trồng đậu tương ở Amazon. Tuy nhiên, sau đó đã có những đợt phá rừng lớn dưới thời Tổng thống Jair Bolsonaro.

Trong những năm gần đây, Indonesia đã thành công trong việc làm chậm lại nạn phá rừng nhờ lệnh cấm mở rộng canh tác dầu cọ, mặc dù các chuyên gia cảnh báo rằng thành công này rất mong manh vì các động lực kinh tế để phá rừng không thay đổi.

Vai trò của cộng đồng bản địa

Các nghiên cứu cho thấy cộng đồng bản địa là những người bảo vệ rừng tốt nhất. Nhiều cảnh quan được cho là vùng hoang dã đã thực sự được các cộng đồng bản địa quản lý trong nhiều thế kỷ. 

Năm nay, một đánh giá của Liên hợp quốc về hơn 250 nghiên cứu cho thấy ở Mỹ Latinh, tỷ lệ phá rừng trên lãnh thổ của cộng đồng bản địa thấp hơn so với những nơi khác. Mặc dù vậy, nhiều dân tộc bản địa và bộ lạc phải đối mặt với sự ngược đãi, phân biệt chủng tộc và bạo lực.

Vào tháng 7, một thử nghiệm kéo dài hai năm sử dụng cảm biến từ xa để cảnh báo các cộng đồng bản địa ở Peru về tình trạng phá rừng sớm cho thấy tỷ lệ cây bị mất giảm 37% trong cả hai năm, so với nhóm đối chứng. Các nhà nghiên cứu nói rằng nếu điều này được mở rộng, nó có thể có tác dụng lớn trong việc giảm nạn phá rừng.

Vệ tinh có thể bảo vệ rừng không?

Giám sát hệ sinh thái đang trải qua một cuộc cách mạng công nghệ. Việc theo dõi nạn phá rừng dễ dàng hơn thông qua tập dữ liệu do các nhà nghiên cứu tại Đại học Maryland, Nasa và Google phát triển. Khi độ phân giải hình ảnh được cải thiện, chúng ta sắp có thể theo dõi nạn phá rừng trong thời gian thực.

Còn việc trồng lại rừng thì sao?

Thế giới cần phục hồi rừng để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và đa dạng sinh học . Nhưng các nhà khoa học cho biết việc ngăn chặn nạn phá rừng là một nhiệm vụ cấp bách vì nó thải ra carbon ngay lập tức trong khi tự nhiên phải mất hàng thập kỷ để phục hồi và cô lập carbon. Những khu rừng nguyên sinh đã tồn tại hàng nghìn năm không thể bị thay thế bằng phương án trồng cây.

Hậu quả nếu nạn phá rừng tiếp diễn?

Cắt giảm khí thải từ nhiên liệu hóa thạch là nhiệm vụ cấp bách nhất để tránh tình trạng nóng lên toàn cầu. Nhưng nếu thế giới tiếp tục mất rừng, chúng ta có nguy cơ gây ra những hậu quả khôn lường về an ninh lương thực, hệ thống thời tiết và sự tồn tại của hàng triệu loài khác.

Robert Nasi, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế, cho biết: “Chúng ta sẽ có sự thay đổi khí hậu theo tầng: sự khô hạn của Amazon, lưu vực Congo… có rất nhiều nguy cơ xảy ra hiệu ứng domino. Nếu chúng ta không bảo vệ các khu rừng, mọi người sẽ di cư, sẽ có những người tị nạn khí hậu”.

(Theo Guardian)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm