| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 12/03/2012 , 09:57 (GMT+7)

09:57 - 12/03/2012

“Liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không?”

Không ít quan chức nhà nước phè phỡn xa hoa, tiêu xài phung phí, trong khi một bộ phận người dân lao động thì lầm than cơ cực...

Ảnh minh họa
Rất tự nhiên câu hỏi mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra tại phiên bế mạc Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 4 về xây dựng Đảng (kết thúc cuối tháng 2 vừa qua) lại cứ ám ảnh những người có lương tâm trước những hiện thực phơi bày: không ít quan chức nhà nước phè phỡn xa hoa, tiêu xài phung phí, trong khi một bộ phận người dân lao động thì lầm than cơ cực.

Trong số nhiều ý kiến phản hồi về loạt bài viết Đối mặt đói tháng ba" trên NNVN suốt hơn tuần qua, ngoài những ý kiến chia sẻ, ngậm ngùi với hàng chục vạn người dân đang đói ở miền núi Thanh Hoá, Cao Bằng, Lào Cai (cũng như ở rất nhiều vùng khác mà chúng tôi chưa đề cập) có ý kiến cho rằng đấy không còn là những cảnh đời cá biệt ở bức tranh nông thôn Việt Nam hiện nay.

Có những chi tiết như việc Phó chủ tịch UBND huyện Quan Hóa có công văn hỏa tốc gửi Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa xin cứu đói cho trên 920 hộ (4.610 nhân khẩu) đang rơi vào cảnh gạo hết, ngô khoai sắn cũng đang cạn kiệt dần mà sau 10 ngày, tiếng kêu ấy vẫn chưa nhận được phúc đáp từ phía cấp trên đã gây bất bình trong dư luận, bởi điều đó đồng nghĩa với việc đồng bào sẽ vẫn tiếp tục… đói! Bất bình nhưng rồi lại đau đớn trước hiện thực trong lời kể của anh Kết: “Nhà có 4 người mà sắn không còn nhiều nên phải tính xem còn bao nhiêu củ để chia cho từng người trong mấy bữa ăn”...

Trong khi đó ngoài kia chuyện đám cưới con “đại gia” xa xỉ hàng chục tỷ đồng; quan cấp tỉnh chơi cờ tướng nhiều tỷ đồng/ván… với cảnh nhà cửa, biệt thự lộng lẫy, xa hoa gieo vào lòng người đọc những cảm xúc thật khó tả…

“Nhà triết học cổ điển Đức L.Foiơ Băc đã từng nói rằng, người sống trong lâu đài nghĩ khác người ở trong nhà tranh”, câu nói đó được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kể lại với hàng ngàn lãnh đạo bộ, ngành, địa phương. Tổng Bí thư bảo rằng trong điều kiện Đảng cầm quyền, nhiều đảng viên có chức, có quyền, có điều kiện nắm giữ tài sản, tiền bạc, cán bộ...; thì mặt trái của cơ chế thị trường có thể tác động vào Đảng. “Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu - nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không?” – Tổng Bí thư đặt câu hỏi.

“Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai? Có giữ được bản chất là đảng cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc không? Thực tế đã có bộ phận suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… Tình trạng tham nhũng, quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của Đảng bị vi phạm” – đặt câu hỏi và dẫn lại thực tế trên để Tổng Bí thư đưa đến nhận định: “Đây là điều đáng lo ngại nhất và cũng là nguy cơ lớn nhất đối với một đảng cầm quyền, như Lê-nin và Bác Hồ đã từng cảnh báo”!

Vì thế, việc triển khai ngay lập tức, quyết liệt các biện pháp nhằm “Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” mà Trung ương coi là “trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất” không thể nằm mãi trên giấy.

Lý do là rất có thể người nghèo đã nghĩ khác!