| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 16/11/2021 , 21:45 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 21:45 - 16/11/2021

Linh hoạt trưng dụng bệnh viện dã chiến

Khi nền kinh tế quốc gia bị suy kiệt sau gần 2 năm chống dịch, cần đắn đo giữa việc xây dựng bệnh viện dã chiến mới và trưng dụng bệnh viện dã chiến cũ.

Đúng như các chuyên gia dự báo, ca nhiễm Covid-19 lại tăng nhanh ở nhiều tỉnh thành. Trong bối cảnh thích ứng linh hoạt để duy trì cuộc sống bình thường mới, nhiều giải pháp mềm dẻo hơn và hiệu quả hơn đang triển khai, mà việc trưng dụng bệnh viện dã chiến cần tính toán hợp lý.

TP.HCM vẫn đang là nơi có nhiều ca mắc mới mỗi ngày nhất cả nước. Theo thống kê được cập nhật sáng 15/11 của Sở Y tế TP.HCM, thì đô thị trung tâm phương Nam hiện có tổng số F0 đang điều trị và cách ly theo dõi tại nhà là 59.302 ca. Vì vậy, Sở Y tế TP.HCM đề xuất sớm mở lại các khu cách ly quận, huyện và có thêm bệnh viện dã chiến sẵn sàng thu dung, điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Để không phải quay lại giãn cách ngột ngạt, thì quá trình đẩy mạnh độ phủ vacxin phải song song với khả năng giảm thiểu trường hợp tử vong. TP.HCM từng có hệ thống bệnh viện dã chiến dày đặc khắp các quận, huyện. Thế nhưng, đến bây giờ, một số bệnh viện dã chiến mượn tạm ký túc xá và trường học đã được hoàn trả cho các đơn vị giáo dục phục hồi công tác dạy và học, chỉ giữ lại vài bệnh viện dã chiến hoạt động theo tháp điều trị 3 tầng.

Bệnh viện dã chiến là công cụ cần thiết lúc đại dịch bùng phát. Thế nhưng, tùy vào điều kiện xã hội mỗi thời điểm, mà có sự sắp xếp tiện ích. Mỗi lần thiết lập và tháo dở bệnh viện dã chiến, đều tiêu hao một nguồn lực tài chính khá lớn. Do đó, tái trưng dụng trường học để làm lại bệnh viện dã chiến, không còn là động thái khôn khéo và tiết kiệm. Một thành phố nhộn nhịp như TP.HCM vốn có sẵn không ít cơ sở y tế ngoài công lập. Huy động bệnh viện tư nhân tham gia điều trị Covid-19 sẽ phát huy được phương tiện và nhân sự chuyên nghiệp. Mặt khác, mô hình “bệnh viện chia đôi”, một nửa dành cho bệnh nhân Covid-19 và một nửa dành cho các bệnh nhân khác, vẫn có giá trị vận hành rất tốt.

Không chỉ tại TP.HCM, một số tỉnh khác cũng sốt ruột triển khai bệnh viện dã chiến. Tỉnh Bình Phước lên kế hoạch lập thêm 3 bệnh viện dã chiến. Quan điểm “phòng cháy hơn chữa cháy” của tỉnh Bình Phước không phải không đáng ủng hộ. Tuy nhiên, ngân sách phân bổ và đội ngũ y tế của địa phương có đủ đáp ứng hay không, lại là một khía cạnh phải suy xét cẩn thận.

Khi nền kinh tế quốc gia đã bị suy kiệt sau gần 2 năm chống dịch, thì cần đắn đo giữa việc xây dựng bệnh viện dã chiến mới và trưng dụng bệnh viện dã chiến cũ. Tỉnh Bình Dương đã qua cao điểm Covid-19, nhiều bệnh viện dã chiến đang bỏ trống. Ví dụ, bệnh viện dã chiến quy mô hàng đầu của Bình Dương đặt tại Thới Hoà - Bến Cát có công năng 20.081 giường bệnh, nhưng đến nay chỉ còn trên 4.000 F0 đang điều trị. Tại sao không chung tay giữa hai địa phương lân cận Bình Phước - Bình Dương để khai thác các bệnh viện dã chiến, mà để tỉnh nọ muốn dẹp bớt, tỉnh kia muốn lập thêm? Bộ Y tế nên chỉ đạo liên kết vùng trong điều trị Covid-19 để tránh lãng phí và bất cập.