| Hotline: 0983.970.780

Lo hạn đến sớm

Thứ Sáu 13/12/2019 , 11:01 (GMT+7)

Đã qua mùa mưa, nhưng các hồ chứa thủy lợi ở Bình Định hiện chưa tích đủ nước, ngành nông nghiệp tỉnh này đang lo hạn hán đến sớm.

Nông dân Bình Định làm đất chuẩn bị gieo sạ vụ ĐX 2019 – 2020.

Theo ông Hồ Đắc Chương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định, đến thời điểm này, lượng nước tại 165 hồ thủy lợi ở Bình Định mới chỉ tích được 454 triệu m3 nước, đạt 77% dung tích thiết kế. Nguồn nước bổ sung cho hồ Định Bình và vùng hạ lưu sông Kôn cũng không đáng kể.

“Từ nay đến cuối năm 2019 mà lượng mưa không đạt trên 100mm thì vào tháng 7, tháng 8/2020 chắc chắn sẽ xảy ra hạn hán. Nguồn nước tưới phục vụ SX và sinh hoạt sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng”, ông Chương lo lắng.

Trước bối cảnh này, vụ ÐX 2019 - 2020 và các vụ SX trong năm 2020 chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức. Do đó, ngay từ bây giờ, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương chủ động xây dựng phương án SX phù hợp.

Phù Mỹ là huyện lo nhất nạn hạn hán, bởi các hồ chứa trên địa bàn huyện hầu hết là hồ nhỏ, lượng nước chứa rất ít. Vụ ĐX 2019 – 2020, bên cạnh gieo sạ 7.140ha lúa, huyện vận động nông dân mở rộng diện tích các loại cây trồng cạn để giảm tiêu hao lượng nước tưới; trong đó có 440ha bắp, 1.750ha đậu phụng, 1.500ha rau đậu các loại và 2.200ha mì. Vụ Hè Thu 2020, Phù Mỹ sẽ tiếp tục giảm diện tích trồng lúa, quyết tâm chuyển 480ha đất SX lúa có nguy cơ thiếu nước sang cây trồng cạn.

Nhận thức rõ lợi ích khi chuyển SX 3 vụ lúa sang 2 lúa/năm, nông dân Nguyễn Văn Đồng ở thôn Vạn Thiện, xã Mỹ Hiệp chia sẻ: Ngay cả trong điều kiện chủ động nước tưới, nếu SX 3 vụ/năm nông dân phải sử dụng giống lúa ngắn ngày nên năng suất cho không cao. Chi phí SX, công chăm sóc cả 3 vụ cũng rất nhiều, thế nhưng cũng không cầm chắc được ăn trọn. Bởi, vụ mùa (vụ 3) thường gặp bão lụt, lúa chưa kịp thu hoạch đã ngập lũ, mất ăn. Sản xuất 2 vụ lúa/năm sử dụng giống dài ngày, nông dân có điều kiện đầu tư thâm canh, năng suất lúa cao hơn nhiều, sản lượng đạt không kém làm 3 vụ.

“Làm 2 vụ lúa/năm còn giảm được công chăm sóc và chi phí đầu vào, nông dân có nhiều thời gian nông nhàn làm công việc khác kiếm thêm thu nhập. Do vậy, nhà tôi có 7 sào ruộng dù có thể SX được 3 vụ lúa/năm nhưng tôi vẫn chuyển sang làm 2 vụ/năm”.

Vấn đề nước sinh hoạt cho người dân cũng là mối lo lớn của những người có trách nhiệm của Phù Mỹ. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện này, cho biết: “Bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để giảm lượng nước tưới, chúng tôi cũng đang xúc tiến việc đầu tư nâng cấp Nhà máy cấp nước sạch Mỹ Chánh và mở rộng các công trình cấp nước sinh hoạt đã xây dựng để cung cấp cho người dân”.

“Sở NN-PTNT đang đốc thúc địa phương đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống đường ống tại các công trình cấp nước sạch để phục vụ người dân; làm rõ cơ chế hỗ trợ, cơ chế quản lý các công trình đã và đang đầu tư nâng cấp, báo cáo UBND tỉnh”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Không riêng Phù Mỹ, các địa khác trong tỉnh cũng đã xây dựng và thực hiện kế hoạch SX phù hợp với điều kiện thực tế. Ví như huyện Phù Cát, cũng đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng để vừa làm giảm áp lực về nước tưới, vừa đảm bảo thu nhập cho nông dân.

“Năm 2020, chúng tôi tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi 2.874ha đất SX 3 vụ lúa/năm sang sản xuất 2 vụ lúa/năm; đồng thời chuyển 930ha đất SX lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, đậu.

Ngay từ bây giờ chúng tôi đã chủ động chuẩn bị phương án phòng chống hạn”, ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết.

Căn cứ tình hình thực tế, ngành nông nghiệp Bình Định đã điều chỉnh lịch thời vụ chung của tỉnh, xây dựng lịch tưới tiêu phù hợp, phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng các liên kết chuỗi trên các lĩnh vực nông, lâm và thủy sản, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.