| Hotline: 0983.970.780

Lo lắng vì giá dứa thấp

Thứ Sáu 05/04/2019 , 13:10 (GMT+7)

Thanh Hóa hiện có khoảng 3.200 ha dứa, trong đó 900 ha đang bắt đầu cho thu hoạch. Thời điểm này, giá dứa chỉ dao động từ 2.000-3.000 đồng/kg, tư thương thu mua chậm khiến nông dân lo lắng.

11-24-33_1
Thanh Hóa hiện mới có khoảng 900 ha dứa thu hoạch đầu vụ

Công ty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung (đóng tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn) có khoảng 600 ha dứa. Hiện dứa đang bắt đầu vào vụ thu hoạch, dù năng suất cao nhưng giá bán thấp khiến nông dân chưa có lãi.

Ông Đỗ Xuân Hải có 8 ha dứa đã và đang cho thu hoạch. Khoảng 10 ngày trước giá dứa chỉ khoảng 2.000 đồng/kg. Vài ngày gần đây, giá dứa đang nhích dần lên 2.800 - 3.000 đồng/kg (đối với dứa loại 1); loại dứa nhỏ chỉ được 1.500 - 1.700 đồng/kg nhưng như thế gia đình ông vẫn chưa có lãi.

Theo ông Hải, chi phí trồng và thu hoạch dứa từ 150 - 170 triệu/ha. Nếu giá dứa này giữ nguyên từ đầu đến cuối vụ, gia đình ông Hải lỗ từ 30 - 40 triệu đồng/ha. “Giá dứa bấp bênh khiến chúng tôi muốn chuyển đổi cây trồng khác, nhưng đặc trưng thổ nhưỡng nơi đây chỉ hợp với cây mía và cây dứa, người dân cũng không biết chuyển đổi cây trồng gì để có giá trị kinh tế cao hơn. Vài năm nay, do giá mía xuống thấp, nhiều diện tích được các hộ dân chuyển đổi sang trồng dứa, vì vậy đầu ra cho cây dứa lại càng khó khăn hơn. Với giá dứa hơn 3.000 đồng/kg thì người nông dân mới hòa vốn còn giá dứa phải từ 4.000 đồng/kg người nông dân mới có lãi” – ông Hải chia sẻ.

Huyện Thạch Thành hiện có khoảng 500 ha dứa. Theo bà Đỗ Thị Phiến, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thạch Thành, thời điểm trước tết, giá thu mua của tư thương dao động 3.500-4.000 đồng/kg. Cùng thời điểm này năm trước, giá dứa cũng ở mức 3.500 đồng/kg nhưng hiện nay chỉ khoảng 2.000-3.000 đồng. Nhiều hộ dân đang rất khó khăn vì tư thương thu mua nhỏ giọt, đầu ra không ổn định.

“Hiện nay, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao Ninh Bình có vào đặt vấn đề ký hợp đồng thu mua nhưng nếu với giá chỉ 2.000 thì nông dân sẽ lỗ nặng và đương nhiên không chịu bán. Bà con vẫn hi vọng, thời gian tới, khi thời tiết nắng nóng giá dứa sẽ nhích lên nữa. Về lâu dài, với diện tích dứa như hiện nay thì việc thu hút đầu tư một nhà máy chế biến dứa là điều hết sức cần thiết” – bà Phiến cho hay.

11-24-33_2
Thương lái thu mua nhỏ giọt, giá thấp khiến nông dân lo lắng

Cây dứa tại Thanh Hóa được trồng chủ yếu tại các huyện Hà Trung (700 ha), Bỉm Sơn 630 (ha), Nông trường Thống Nhất (Yên Định) 300, huyện Ngọc Lặc (500 ha), Thạch Thành (500 ha). Theo thông tin từ Phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT Thanh Hóa, đây đang là thời điểm đầu vụ thu hoạch, giá dứa cũng không giảm nhiều so với cùng thời kỳ năm 2018.

“Diện tích dứa đang cho thu hoạch chỉ mới khoảng 900 ha. Cùng thời điểm này năm trước nông dân cũng bán với giá 3.500 đồng/kg. Năm nay giá dứa đầu vụ thấp hơn, dao động từ 2.000 -3.000 đồng/kg. Về cơ bản, do đầu vụ tư thương chưa nhảy vào thu mua nhiều nhưng giá đang nhích dần và sẽ tăng khi mùa hè tới” – ông Đỗ Văn Kỳ, Trưởng phòng Trổng trọt, Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết.

Cũng theo ông Kỳ, nông dân trồng dứa đã có ý thức trồng rải vụ và thu hoạch cuốn chiếu. Tuy nhiên, đây là thời điểm đầu vụ, tư thương thu mua chưa nhiều, giá dứa thấp cũng là chuyện bình thường. Khoảng vài tháng nữa thu hoạch chính vụ, thời tiết nắng nóng, nhu cầu tăng lên nhất định giá sẽ nhích dần. Phòng Trồng trọt cũng đã liên hệ với một số đơn vị trên địa bàn như các siêu thị, nhà hàng để vào tiêu thụ dứa cho người dân.

Thanh Hóa hiện chưa có nhà máy chế biến dứa trong khi diện tích trồng dứa đang có xu hướng tăng. Diện tích trồng vẫn trong quy hoạch nhưng không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nông dân phải đối mặt với quy luật tất yếu của thị trường: Được mùa rớt giá. Trước tình hình giá dứa những ngày gần đây ở mức thấp, Sở NN-PTNT Thanh Hóa cũng đã có công văn đề nghị các địa phương thống kê diện tích cụ thể để có phương án tiêu thụ dứa cho nông dân.

 

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Kinh nghiệm phòng bệnh ở xã có diện tích thủy sản lớn nhất Hà Nội

Xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội có tới 475ha thủy sản, trong đó riêng HTX Thủy sản Trầm Lộng đã có trên 170ha với hơn 70 thành viên.

Chọn tạo giống cà chua lai năng suất cao, kháng bệnh xoăn vàng lá

Qua quá trình chọn tạo, một số giống cho năng suất vượt 70 tấn/ha, phù hợp với đồng đất phía Bắc và chống chịu cao với virus xoắn vàng lá.