| Hotline: 0983.970.780

Lò mổ lậu, liệu có dẹp được không?

Thứ Sáu 01/04/2016 , 06:35 (GMT+7)

Các lò giết mổ lậu hầu hết đều cho ra các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ngành chức năng “đánh” chỗ này, nó “mọc” chỗ khác. Sao không dẹp hết được?

Tiềm ẩn heo tiêm thuốc, bơm nước

Trong khi các cơ sở giết mổ có giấy phép bắt buộc phải đảm bảo VSATTP theo quy trình giết mổ treo, hầm xử lý nước thải, mặt bằng thoáng, rộng tối thiểu 500m2 với chi phí đầu tư cả tỷ đồng, thì các lò mổ lậu thường tận dụng mặt bằng chật hẹp, hệ thống nước giếng khoan, nằm trong khu dân cư để thuận lợi việc giao dịch, vận chuyển, đặc biệt hoàn toàn không có hệ thống xử lý nước thải nên vốn đầu tư ban đầu có vài chục triệu đồng (bao gồm chi phí thu gom heo hơi).

Chúng tôi về khu vực ba xã Gia Tân 1, Gia Tân 2, Gia Tân 3, huyện Thống Nhất (Đồng Nai), nơi được mệnh danh là các lò mổ “cóc nhảy”, có nghĩa hôm nay bị động do cơ quan chức năng phát hiện thì ngày mai nhảy đi chỗ khác.

Bởi quy mô giết mổ tại đây phổ biến có 5-10 con, được hình thành rất đơn giản, đó là một mặt bằng vài chục m2, vòi cấp nước, mương nước thải cùng khoảng 2-3 lao động thường trực. Đặc biệt các chủ lò mổ lậu thường có quan hệ huyết thống, họ hàng với nhau.

Ông Tiến, phó ấp Đông Long 1, xã Gia Tân 2 cho biết, các lò giết mổ lậu thông thường đều có một chuồng heo nuôi nhốt trung chuyển bên cạnh bao gồm heo lành, heo bệnh được mua từ thương lái, các chủ trại, với số lượng dao động khoảng 10 con. Làm lậu nên heo tiêm thuốc an thần, bơm nước đều bắt nguồn từ đây.

Theo tìm hiểu, do nằm trong khu dân cư nên các lò mổ muốn bơm nước heo thì phải tiêm thuốc ngủ trước cho nó nằm im, để không kêu inh ỏi nhằm tránh bà con xung quanh phát hiện. Một con heo nặng 1 tạ hơi, nếu không bơm nước sẽ cho ra khoảng 70-72 kg thịt sản phẩm. Nhưng nếu bơm khoảng 10 lít nước/con, sản phẩm thịt sẽ nặng lên thêm 5 kg (nước).

Tính với giá thị trường hiện nay, số tiền mà các chủ lò mổ lậu thu thêm từ việc bơm nước khoảng 100-200 ngàn đồng/con. Mỗi đêm hoặc cách nhật các lò giết mổ từ 5-10 con, sẽ đút túi 1-2 triệu đồng nhờ vào việc tiêm thuốc và bơm nước. Ngoài ra cứ 1 con heo giết mổ, sau khi trả tiền công lao động, chi phí điện, nước, vẫn còn thu về bình quân 150-200 ngàn đồng/con nữa.

11-57-40_h2
Lòng heo và thịt heo vung vãi khắp trên sàn nhà ẩm ướt, đen xỉn

“Lợi nhuận cao, thời gian hoạt động ngắn, các lò mổ cứ thế tồn tại, cán bộ thú y không dám đi kiểm tra đơn lẻ bởi họ chống cự quyết liệt, còn đoàn kiểm tra liên ngành thỉnh thoảng mới đánh chứ không thường xuyên”, ông Tiến nói.

Không thể kiểm hết

Tại khu vực xã Gia Tân 2, có lò giết mổ của ông H hoạt động từ nhiều năm nay, mỗi đêm khoảng 6-7 con heo. Thời điểm hoạt động từ 11 giờ đêm hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau.

Do giấy phép đã hết hạn nên lò mổ của ông H khi cho ra thành phẩm không có dấu mộc chứng nhận kiểm dịch của thú y huyện. Tuy nhiên, mỗi đêm các tiểu thương vẫn tấp nập ra vào lấy thịt từ lò mổ này đem đi bán khắp nơi.

Được ông Tiến gửi gắm, chúng tôi cùng với ông C, một tiểu thương (còn gọi là “lái thịt heo”) vào lò mổ của ông H vào rạng sáng 29/3 để lấy hàng.

Ánh sáng hắt ra từ bóng đèn đêm vàng vọt, nhưng vẫn nhìn thấy bên trong lò mổ rất bẩn, nhếch nhác, trong đó 1 thanh niên đội nón bảo hiểm làm nhiệm vụ dùng kẹp sắt kẹp vào 4 con heo đang nằm rồi nhấn điện. Heo ré lên, giật giật trong vài chục giây rồi nằm bất động.

Thế là, 4 con này được kéo dưới sàn ra gần chảo nước nóng để hai người đàn ông thay phiên chọc lấy huyết, kéo lê dưới sàn nhà cạo lông, dùng dao nhọn xẻ tách ra từng mảnh bằng thao tác thuần thục, nhanh lẹ.

Khâu cuối cùng là rửa thịt bằng cách phun nước vào rồi dùng chân đạp, chà lên liên tục nhiều lần. Với cách làm này, một phần huyết heo được đựng trong thau, phần còn lại là hỗn hợp lòng và thịt vung vãi khắp sàn nhà.

Sau đó, một người đàn ông trung niên đội nón phớt đi một vòng, quăng ra ngoài những mảnh thịt trông “sạch sẽ” để giao bán cho tiểu thương trước khi đưa lên bàn cân mang đi bỏ mối cho các chợ nhỏ trong khu vực. Trước khi rời lò mổ, chúng tôi giả vờ đi vòng ra phía sau để vệ sinh thì phát hiện một chuồng heo trung chuyển đang nuôi nhốt 6 con.

Một đại diện công an xã Gia Tân 2 thừa nhận: Lò mổ heo lậu rất khó dẹp. Lâu lâu đoàn liên ngành trên huyện, tỉnh về phối hợp với công an xã kiểm tra, còn một mình lực lượng không thể làm và xử lý được. “Điều đáng nói là, khi cơ quan chức năng xử phạt thì các lò mổ lậu tạm lắng một thời gian, sau đó lại hoạt động tiếp. Để đối phó với các cơ quan chức năng, họ thường mổ heo về khuya, chích thuốc ngủ, cùng với việc đóng cửa kín mít nên rất khó phát hiện”, vị này nói.

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, chỉ một mình cơ quan thú y thì không thể nào kiểm soát được lò mổ lậu. Trong quy hoạch chăn nuôi, UBND tỉnh cũng đã giao rất rõ việc kiểm tra, kiểm soát là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Có thể vì nhiều lý do mà địa phương chưa làm rốt ráo nên đã ảnh hưởng đến việc sắp xếp các lò giết mổ tập trung. “Bởi khi sắp xếp lò mổ theo quy hoạch ở từng địa bàn để kêu gọi DN vào đầu tư dây chuyền giết mổ an toàn thì do lo ngại lò giết mổ lậu vẫn còn tồn tại, nên họ sợ không dám đầu tư”, ông Quang nói.

11-57-40_h3
Chuồng nuôi nhốt heo “trung chuyển” (heo lành, heo bệnh) trước khi đưa vào giết mổ

Theo Chi cục Thú y tỉnh, đặc điểm chung các lò mổ lậu là thu gom heo từ các trang trại, thương lái hoặc đầu nậu nhỏ, đa số là heo không rõ nguồn gốc. Vì vậy, sau khi giết mổ không có dấu kiểm dịch và được vận chuyển trực tiếp đến các chợ, đầu mối, quán ăn... tiêu thụ mà các cơ quan chức năng không thể kiểm soát được.

“Liên quan đến vụ ông Trần Quốc Thái (33 tuổi, quê Bến Tre) tiêm thuốc an thần và bơm nước cho hàng trăm con heo trước khi giết mổ vào chiều tối 23/3 ở KP An Hòa, phường Hòa Lợi, TX Bến Cát (Bình Dương), ngày 30/3, Chi cục Thú y tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính ông Thái số tiền 10,5 triệu đồng về hành vi tiêm thuốc an thần Prozil fort, là chất cấm. Trong khi nếu sự việc trót lọt, như trên đã nói, ông Thái sẽ có thu nhập bất chính từ 20-40 triệu đồng cho việc tiêm thuốc, bơm nước 200 con heo.

Được biết, kể từ ngày 1/7 sẽ xử lý hình sự đối với người kinh doanh sản phẩm động vật chứa chất cấm. Với quy định này sẽ tăng răn đe, các lò mổ lậu thấy đó ắt sẽ chùn tay?”.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.