Bắc Kinh đang hướng tới một chiến lược không chỉ nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm mà còn phải tìm cách cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đây là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để Bắc Kinh trở thành một hình mẫu cho các thành phố khác trong việc quản lý môi trường và phát triển bền vững.
Ngay sau khi Kế hoạch hành động về Phòng ngừa và Kiểm soát ô nhiễm không khí triển khai có hiệu quả, Bắc Kinh tiếp tục thực hiện chương trình “Hành động kiểm soát ô nhiễm hiệu quả”. Đây được đánh giá là chìa khoá thành công thứ nhất về kiểm soát ô nhiễm không khí. Chương trình này được triển khai theo từng lộ trình thời gian và được cập nhật theo “Ba điều chỉnh và Tám biện pháp”.
Ba điều chỉnh cấu trúc, gồm có: Điều chỉnh cấu trúc năng lượng, điều chỉnh cấu trúc công nghiệp và điều chỉnh cấu trúc giao thông.
Tám biện pháp (measure) trong đó có các biện pháp chính: Áp mức giới hạn phát thải siêu thấp cho nhà máy nhiệt điện đốt than, kiểm soát chi tiết ô nhiễm từ nguồn công nghiệp, quản lý toàn diện lò hơi đốt than, chuyển sang sưởi "sạch" ở vùng nông thôn, kiểm soát phát thải từ giao thông, kiểm soát toàn diện nguồn ô nhiễm phân tán.

Hai hình ảnh của thành phố Bắc Kinh từ một góc chụp cho thấy mức độ ô nhiễm. Ảnh: Serena Dong/CNN.
Kiên quyết loại bỏ những nguồn gây ô nhiễm
Theo đó, chính quyền thành phố yêu cầu các doanh nghiệp gây ô nhiễm phải chuyển đổi dây chuyền, công nghệ sản xuất mới theo hướng xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ hao tốn nhiều tài nguyên, hiệu quả chưa cao sẽ kiên quyết loại ra khỏi thị trường.
Cụ thể, với chương trình “điều chỉnh cấu trúc công nghiệp”, chính quyền Bắc Kinh đã cải tổ mạnh mẽ ngành công nghiệp. Những cơ sở sản xuất cũ, kém hiệu quả, và gây ô nhiễm nghiêm trọng đã được loại bỏ.
Điều này đồng nghĩa với việc trong thời gian này, 300 triệu tấn thép, 400 triệu tấn xi măng và 1 tỷ tấn than đã bị cắt giảm từ năm 2013, tương ứng với việc đóng cửa hàng nghìn cơ sở công nghiệp lạc hậu.
Hơn 62.000 cơ sở sản xuất nhỏ quản lý kém và gây ô nhiễm nghiêm trọng đã bị đóng cửa.
Các tiêu chuẩn môi trường cũng được thắt chặt, đặc biệt là trong ngành thép và luyện coke, nơi số lượng cơ sở giảm 29%, nhưng công suất lại tăng 52%, giúp giảm ô nhiễm mà không làm gián đoạn hoạt động sản xuất.
Bên cạnh đó, chính quyền Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc chuyển dịch cấu trúc năng lượng theo hướng bền vững hơn. Mục tiêu lớn nhất là giảm sự phụ thuộc vào năng lượng than, một trong những nguồn phát thải lớn nhất gây ô nhiễm.
Trong giai đoạn này, Bắc Kinh đã giảm điện than từ 67% (năm 2013) xuống còn 55,3% (năm 2023), một bước đi quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả năng lượng sạch; Hàng trăm nghìn lò hơi đốt than đã dừng hoạt động, thay thế bằng các công nghệ năng lượng sạch, trong đó 400.000 lò hơi đã được chuyển đổi.
Chương trình sưởi sạch ở miền Bắc Trung Quốc đã mang lại hiệu quả to lớn, giúp hơn 39 triệu gia đình chuyển từ than sang sưởi sạch.
Bắc Kinh cũng đã đạt được một thành công lớn khi 95% lò nhiệt điện đốt than đã được nâng cấp lên mức phát thải siêu thấp, ngang bằng với các tiêu chuẩn của lò nhiệt điện đốt khí.

Kết quả phân bố nguồn thải PM2,5 tại Bắc Kinh, 2013 (nguồn: Viện Nghiên cứu Bảo vệ Môi trường Đô thị Bắc Kinh)
Giải bài toán ô nhiễm do giao thông
Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh chính là giao thông. Với hơn 5 triệu xe ô tô đang hoạt động trong thành phố, việc kiểm soát ô nhiễm từ phương tiện là điều tối quan trọng.
Do đó, việc chuyển đổi vận tải đường bộ sang đường sắt và đường thủy là một phần trong chiến lược giảm ô nhiễm giao thông. Bắc Kinh cũng khuyến khích sử dụng phương tiện chạy điện và loại bỏ xe diesel cũ.
Tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt hơn đã được áp dụng từ năm 2013, với tiêu chuẩn phát thải mức độ 5 tương đương với châu Âu. Đặc biệt, Bắc Kinh đã trang bị bộ lọc DPF cho hơn 8.800 xe bus diesel, giúp giảm NOx, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm.
Một trong những sáng kiến hiệu quả là việc nâng cấp chất lượng nhiên liệu. Bắc Kinh đã áp dụng tiêu chuẩn mức VI đối với xăng và dầu diesel từ năm 2017, đồng thời phát triển 2.306 xe buýt điện vào năm 2016, chiếm tới 59% trong số đó.
Để giải quyết những vấn đề dai dẳng như bụi công trình xây dựng và đốt hở, chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra các quy định, chế tài nghiêm ngặt việc này đồng thời thông qua việc quan trắc, giám sát nhờ video, và hệ thống đánh giá để tăng hiệu quả thực thi.
Ngoài ra, để tăng cường sức chịu tải của tự nhiên, Bắc Kinh đã triển khai chương trình trồng cây trên 66.667 ha diện tích, tăng tỷ lệ phủ xanh thành phố lên trên 60%.
Sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ
Việc xây dựng thành công các chính sách kiểm soát trúng nguồn với hiệu quả cao của Trung Quốc nói chung và Bắc Kinh nói riêng có sự đóng góp rất lớn của nghiên cứu khoa học và công nghệ bởi sự hợp tác sâu sắc giữa cơ quan nhà nước với các đơn vị nghiên cứu.
Ví dụ như hai hệ thống kiểm kê và mô hình trong toàn quốc do đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa phát triển. Những hệ thống quan trắc tự động liên tục hiện đại cũng được vận hành bởi các trường đại học bên cạnh các chương trình lấy mẫu và phân tích chuyên sâu. Đây là tiền đề để xác định đúng hiện trạng cũng như nguyên nhân/nguồn và cơ chế hình thành của ô nhiễm không khí từ đó đưa ra các giải pháp chính xác, khoa học.
Sau 5 năm triển khai, chất lượng không khí của thành phố Bắc Kinh được cải thiện rõ rệt. Nồng độ bụi mịn PM2.5 giảm 35,6% so với năm 2013; số ngày ô nhiễm nặng giảm 60%. Tuy nhiên chất lượng không khí vẫn chưa đạt tiêu chuẩn cũng như kỳ vọng của người dân, vì vậy, chính quyền thành phố Bắc Kinh tiếp tục triển khai, thực hiện chương trình hành động giai đoạn 2018-2020 với tên gọi “Cuộc chiến giành lại bầu trời xanh”.
“Cuộc chiến giành lại bầu trời xanh”
Nối tiếp những thành công và khắc phục những bất cập trong quản lý, triển khai, chính quyền Bắc Kinh trong giai đoạn này đưa ra mô hình quản lý chất lượng môi trường không khí theo năm nhóm, đây được coi là chìa khóa thành công thứ hai.
Theo đó, mô hình đầu tiên là kiểm soát và phòng ngừa liên vùng. Tại đây sẽ thiết lập các nhóm dẫn dắt cho kiểm soát ô nhiễm không khí ở từng vùng trọng điểm.
Kiểm soát ô nhiễm không khí theo mùa, sẽ tập trung vào giảm PM2.5 và những ngày ô nhiễm nghiêm trọng vào mùa thu và mùa đông; nhấn mạnh quản lý VOCs vào mùa hè. (VOCs, hay còn gọi là hợp chất hữu cơ dễ bay hơi mà một dạng vật chất tồn tại dưới dạng khí, được phát sinh từ các chất rắn hoặc chất lỏng có sẵn trong nhà. VOCs bao gồm rất nhiều loại hóa chất, và nhiều chất có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trong ngắn hạn và dài hạn.)
Chia sẻ thông tin chất lượng không khí, trong đó tăng cường sự minh bạch và giám sát của cộng đồng, tăng cường mức độ tiếp cận đến thông tin về ô nhiễm không khí.
Mô hình Quản lý theo khu vực sẽ xác định trách nhiệm rõ ràng cho từng khu vực (thị trấn, quận, làng).
Mô hình Giám sát và hỗ trợ việc kiểm soát ô nhiễm không khí sẽ tăng cường giám sát tại từng bộ phận
Bên cạnh đó, việc giảm các nguồn thải gây ô nhiễm không khí từ các hoạt động khác, trong giai đoạn này, Bắc Kinh đã tập trung mạnh mẽ vào việc xử lý ô nhiễm từ giao thông.
Theo kết quả phân tích nguồn ô nhiễm PM2.5, khí thải từ ô tô là nguyên nhân chính, chiếm đến 45% tổng lượng phát thải bụi mịn. Trong đó, xe tải chở hàng chạy bằng xăng chỉ chiếm 4% tổng số xe cơ giới, nhưng lại đóng góp tới 69% lượng oxit nitơ và hơn 90% lượng bụi mịn phát thải từ xe cộ.
Với tên gọi “Cuộc chiến giành lại bầu trời xanh”, chính quyền Bắc Kinh đã xác định nguyên nhân chính là từ giao thông, Thủ đô của Trung Quốc đã đưa ra một loạt biện pháp mạnh mẽ, trong đó chuyển hướng vận chuyển hàng hóa từ đường bộ sang đường sắt; chuyển đổi các phương tiện giao thông từ xăng dầu sang xe chạy bằng năng lượng mới; siết chặt quản lý khí thải, kiểm tra và loại bỏ các phương tiện ô nhiễm cao, mở rộng vùng phát thải thấp ra toàn thành phố, đồng thời yêu cầu các đơn vị hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước tiến tới loại bỏ hoàn toàn xe chạy xăng.
Phối hợp kiểm soát ô nhiễm giữa các khu vực lân cận
Một trong những điểm sáng trong chiến lược kiểm soát ô nhiễm của Bắc Kinh là sự phối hợp giữa các thành phố và tỉnh lân cận. Bắc Kinh đã thành lập Nhóm Điều phối Phòng ngừa và Kiểm soát ô nhiễm không khí Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc với sự tham gia của 8 bộ ngành và 7 tỉnh, giúp tạo ra một hệ thống phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong công tác kiểm soát ô nhiễm.
Các địa phương trong cơ chế phối hợp đã nghiên cứu và xác định con đường lưu thông của ô nhiễm, từ đó phát triển các giải pháp xử lý ô nhiễm không khí hiệu quả hơn. Cụ thể, các tiêu chuẩn về phát thải đối với xe cơ giới, chất lượng xăng dầu và các quy định liên quan đến khói bụi trong quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng đã được đồng bộ hóa. Sự phối hợp này không chỉ giúp Bắc Kinh mà còn giúp toàn bộ khu vực xung quanh cải thiện đáng kể chất lượng không khí.
Các chương trình hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho việc loại bỏ lò đốt than và xử lý ô nhiễm từ xe cơ giới đã giúp giảm đáng kể nồng độ PM2.5 trong không khí. Theo tính toán, sự phối hợp giữa các địa phương đã góp phần giảm 7μg/m³ nồng độ PM2.5, chiếm tới 23% trong tổng mức giảm chỉ số PM2.5 hàng năm của Bắc Kinh.

"Cuộc chiến giành lại bầu trời xanh" của Bắc Kinh đã thành công rực rỡ. Ảnh: CNN.
Những con số khẳng định thành công
Năm 2024, người dân Bắc Kinh đã có thể đón nhận một tin vui khi chất lượng không khí của thành phố đạt được những kết quả ấn tượng. Cụ thể, trong năm 2024, Bắc Kinh có 290 ngày có chất lượng không khí tốt, tăng 19 ngày so với năm 2023, chiếm 79,2% tổng số ngày trong năm. Đây là năm có số ngày chất lượng không khí tốt nhiều nhất kể từ khi có dữ liệu được ghi nhận. Số ngày ô nhiễm nặng giảm mạnh, chỉ còn 2 ngày.
Nồng độ bụi mịn PM2.5 giảm rõ rệt, đạt 30,5 μg/m³, giảm 6,2% so với năm trước. Đây là năm thứ 4 liên tiếp chỉ số PM2.5 đạt chuẩn cấp 2 quốc gia về chất lượng không khí. Các chỉ số ô nhiễm khác như PM10, NO2 và SO2 cũng đều đạt chuẩn, trong đó SO2 ở mức rất thấp chỉ 3 μg/m³.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch "tuyên chiến" với bụi mịn PM2.5 vào năm 2013, Bắc Kinh đã đạt được những kết quả ấn tượng. Các chỉ số ô nhiễm chính đều giảm mạnh: PM2.5 giảm 65,9%, PM10 giảm 50%, NO2 giảm 57,1%, và SO2 giảm tới 88,7% so với năm 2013.
Những con số này không chỉ là minh chứng cho sự thành công của chương trình "Cuộc chiến giành lại bầu trời xanh", mà còn là niềm hy vọng cho người dân Bắc Kinh về một tương lai trong lành hơn, một bầu trời xanh hơn.
Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền thành phố, cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong khu vực, đã mang lại kết quả rõ rệt, làm sáng lên niềm tin rằng những bước tiến trong bảo vệ môi trường vẫn có thể thay đổi được bức tranh ô nhiễm không khí của thành phố Bắc Kinh.
Nguồn: Viện Nghiên cứu Bảo vệ Môi trường Đô thị Bắc Kinh, Worldbank, WHO, Cục Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Ảnh: AFP, CNN, Reuters