| Hotline: 0983.970.780

Loại bỏ doanh nghiệp 'thâu tóm' đất rừng

Thứ Sáu 21/07/2017 , 14:45 (GMT+7)

Lập dự án để xin được càng nhiều đất rừng càng tốt, sau đó lên phương án cải tạo đất bằng cách xin chặt hạ, rồi xin tận thu cây rừng hiện có… là thực trạng nhức nhối diễn ra đối với một số dự án trồng rừng tại Bắc Kạn.

Chính quyền đã buộc phải loại bỏ những doanh nghiệp này khỏi danh sách những nhà đầu tư tiềm năng.

04-32-33_1
Vườn ươm cây giống trồng rừng tại huyện Bạch Thông

Theo tài liệu của các cơ quan chức năng, từ năm 2005 đến nay, Bắc Kạn đã cấp giấy chứng nhận đầu tư trồng và phát triển rừng cho 12 doanh nghiệp, đồng thời giao gần 20.000 héc ta đất lâm nghiệp, đất rừng cho các doanh nghiệp kể trên để đầu tư phát triển trồng rừng nguyên liệu gỗ.

Khi đón nhận giấy chứng nhận đầu tư nghề rừng, các doanh nghiệp đã vẽ ra những dự án trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến gỗ rừng theo từng chu kỳ đẹp như tranh vẽ, với những món lợi nhuận khủng cho doanh nghiệp, cùng các khoản tiền lương, tiền thưởng của người lao động rất hoàn hảo. Đồng thời, các doanh nghiệp luôn “mạnh miệng” cam kết đầu tư nhiều tỷ đồng cho việc trồng mới cây rừng, với các loại cây truyền thống như keo, mỡ, trám, xoan, tre, luồng, lát...

Chính vì thế, đất rừng cùng những lời hứa cứ từ từ chuyển đến tay doanh nghiệp như: Công ty TNHH D&G Việt Nam đã xin cấp gần 5.000 héc ta đất lâm nghiệp tại các xã Cao Tân, An Thắng, Xuân La, Nghiên Loan của huyện Pác Nặm, đồng thời “hứa” sẽ đầu tư hơn 100 tỷ đồng vào việc trồng rừng.

Công ty CP Điện và Gỗ Bình Minh lập dự án trồng hơn 10.000 héc ta rừng sản xuất tại 3 huyện Pác Nặm, Ngân Sơn và TP Bắc Kạn, với số vốn hứa đầu tư tới hơn 200 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư và phát triển Lâm nghiệp Hưng Lâm, xin cấp 3.000 héc ta rừng tại các xã Bằng Vân, Cốc Đán của huyện Ngân Sơn và xã Hà Hiệu, Bành Trạch của huyện Ba Bể cũng kèm theo những lời hứa đầu tư tới hàng chục tỷ đồng…

04-32-33_2
Khai thác rừng tại xã Đại Sảo, huyện Chợ Đồn

Đến khi xin được diện tích đất rừng như ý muốn, các doanh nghiệp chỉ tổ chức khoanh vùng giữ đất, chỗ nào có cây rừng kha khá, thì lập hồ sơ xin cải tạo đất, cốt để chặt cây mọc tự phát, nhằm trồng mới rừng theo thiết kế. Cứ thế, khi đã hết những vị trí cần chặt hạ để trồng rừng, những diện tích còn lại sẽ được doanh nghiệp bỏ đó cho cây tự lớn theo năm tháng, dưới danh nghĩa “khoanh nuôi, phục hồi, tái sinh rừng”.

Một số doanh nghiệp sau xin đất trồng rừng, do không có vốn đầu tư, đã lộ rõ là doanh nghiệp “tay không bắt giặc”, khi cứ để đất rừng hoang hóa, thậm chí không đủ sức làm các thủ tục thuê đất.

Có doanh nghiệp làm xong thủ tục thuê đất thì hết tiền mua cây giống trồng rừng, hoặc không có tiền thuê người phát dọn thực bì để trồng mới rừng…, nên những diện tích đất trồng rừng đã giao cho các doanh nghiệp đều thể hiện sự yếu kém dẫn đến việc trồng rừng chậm tiến độ, để lại nhiều hệ lụy và phức tạp cho công tác quản lý đất rừng của địa phương.

Để chấm dứt tình trạng “ôm đất rừng rồi bỏ hoang”, tỉnh Bắc Kạn đã cho kiểm tra 12 doanh nghiệp đăng ký đầu tư trồng rừng từ năm 2005, thì mới có 4 doanh nghiệp có trồng rừng, 3 doanh nghiệp không trồng được cây nào và 5 doanh nghiệp còn vi phạm trong quá trình thực hiện dự án.

04-32-33_3
Chế biến gỗ rừng trồng tại huyện Chợ Mới

Trong 4 doanh nghiệp có thực hiện trồng rừng như Công ty TNHH Phúc Lộc, được tỉnh Bắc Kạn cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2010, đến nay Cty mới trồng được 60,7/651 héc ta, bằng 9,33% quy mô dự án. Công ty CP Điện và Gỗ Bình Minh được cấp giấy chứng nhận đầu tư trồng rừng năm 2010, đến nay mới trồng được 300/11.068 héc ta, bằng 2,71% quy mô dự án, đã vậy số cây rừng được trồng không có sự chăm sóc dẫn đến tỷ lệ sống rất thấp.

Đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn được ví như con chim đầu đàn trong lĩnh vực lâm nghiệp của tỉnh, nhưng việc đầu tư trồng rừng cũng rất khiêm tốn, bởi mới thực hiện trồng được 2.974/7.500 héc ta rừng được giao, bằng 40% so với quy mô dự án...

Qua công tác kiểm tra, tỉnh đã phát hiện nhiều doanh nghiệp yếu kém về năng lực tài chính, hoặc không thực hiện được dự án theo cam kết, vi phạm Luật Đầu tư, buộc phải thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với 5 doanh nghiệp là Công ty TNHH D&G Việt Nam; Công ty CP Đầu tư phát triển lâm nghiệp Hưng Lâm; Công ty TNHH MTV Quốc tế Bạch Thông; Công ty CP SAHABAK và Công ty Hoàng Long.

 

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất