| Hotline: 0983.970.780

"Loạn" nhà chim yến!

Thứ Hai 07/03/2011 , 09:49 (GMT+7)

Hiệu quả kinh tế từ chim yến mang lại đã thấy, nhưng ảnh hưởng của nó đối với môi trường như thế nào vẫn còn là “ẩn số”.

Người ta đổ xô xây nhà nuôi chim yến ngay trong khu dân cư với vốn đầu tư không nhỏ, tiền tỷ trở lên. Hiệu quả kinh tế từ chim yến mang lại đã thấy, nhưng ảnh hưởng của nó đối với môi trường như thế nào vẫn còn là “ẩn số”.

 Chúng tôi về xã An Thới Đông, nơi được coi đang là “điểm nóng” của phong trào nuôi chim yến hiện nay. Bà N ( ấp An Hòa), một cò đất sống lâu năm ở địa phương cho hay, cách đây 7 năm, bà Bạch Mai có chồng người Malaisya là người đầu tiên từ TP xuống đây nhờ ông T cũng một cò đất giới thiệu mua 1 lô đất giá 100 triệu nằm trong khu dân cư của ấp An Hòa. Sau đó, bà Mai xây cái nhà đổ 3 tấm trông rất hoành tráng nhưng lại giống như “cái hộp”, lúc đó ai cũng bảo: “Chắc bà này khùng, xây nhà lầu mà kín bưng bốn mặt, chẳng có cửa nẻo ra vào gì hết!”.

Sau đó, mới biết vợ chồng bà này nuôi chim yến bởi bên trong và phía ngoài căn nhà gắn loa phát tiếng chim kêu “choét choét” cả ngày nhằm dẫn dụ chim yến bay vào. “Trong quá trình nuôi, bả nhờ ông T quản lý. Sau này thành công bà còn xây thêm 2 căn nữa”. Còn ông T, nhờ có thời gian làm quản lý cho bà Mai học hỏi được kỹ thuật, nay bỏ nghề cò đất cũng xây nhà nuôi chim và mở thêm công ty kiêm nghề “tư vấn kỹ thuật chim yến” cho những ai có nhu cầu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Châu Văn Út, Chủ tịch UBND xã An Thới Đông cho hay, ban đầu chỉ có bà Mai, đến nay trên địa bàn xã có khoảng 70 căn nhà đã và đang xây dựng để nuôic him yến. “Nhưng chính thức chỉ có 6 căn được cấp phép trên tổng cộng 10 căn nằm trong qui hoạch, còn tất cả đều không có giấy phép nuôi chim yến. Họ chỉ xin giấy phép xây dựng nhà ở, sau đó biến tướng chuyển sang nuôi chim!”- ông Út khẳng định.

Gần đây, nghe nói bán 1 kg yến sào giá 35- 40 triệu đồng, trong khi nếu nuôi chỉ cần 1 tháng thu về chừng 12 kg là đã có nửa tỷ bạc trong tay, nên nhiều “đại gia” từ các nơi khác đổ về đây hỏi mua, vô hình chung đẩy giá đất lên cao nhiều lần so với giá trị thực. “Trước đây ở khu vực đất ven sông, 1 công đất 1.000m2 cao lắm bán giá khoảng 300-400 triệu. Nay có tiếng đồn khu vực này nuôi chim yến phù hợp nên người dân đã cắt đất phân lô, cứ 200m2 bán tới 1,5 tỷ đồng!”- bà N nói.

Gặp anh Nguyễn Thành Danh, người ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh về ấp An Hòa xây nhà nuôi chim yến được 4 tháng nay, anh cho hay, vốn đầu tư thi công đổ móng, xây thô 3 tấm hết 1,4- 1,6 triệu/m2, nhưng nặng nhất vẫn là khâu “kỹ thuật” thiết kế bên trong gồm camera quan sát, các loa mini, giàn máy phát âm thanh; một hệ thống làm mát phun sương tự động để tạo độ ẩm thích hợp, đặc biệt là thuốc tạo mùi xịt vào gỗ, có chi phí tổng cộng khoảng 100 USD/m2. Đây là yếu tố chính nhằm dẫn dụ nhiều chim yến từ bên ngoài vào làm tổ.

“Chúng tôi đang chờ văn bản cấp trên kết luận việc nuôi chim yến trong khu dân cư sẽ ảnh hưởng như thế nào về tiếng ồn, vệ sinh môi trường (phân chim thải ra) và dịch tễ (dịch bệnh nếu có). Ngay cả việc phạt xây nhà nuôi chim yến trái phép thì phạt theo qui định nào, cũng chưa có văn bản hướng dẫn, mà trong Luật cũng không thấy!”- Ông Châu Văn Út nói.

“Tôi khoán 2 chuyên gia người Ấn Độ và Malaysia làm công việc kỹ thuật, mỗi tháng họ kiểm tra 2 lần. Những kỹ thuật này là bí quyết riêng của họ nên tôi rất tôn trọng, họ nói đâu mình “đánh” đó, lỡ thất bại thì chết”- anh Danh nói. Tính ra, cộng cả vốn đầu tư xây thô và hạ tầng kỹ thuật bên trong đã ngốn mất gần 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo anh Danh, nuôi con chim yến có 3 cái lợi, đó là không con giống, không thức ăn và không tốn công lao động.

Theo lý thuyết, nuôi chim yến sau 8-12 tháng là có thu hoạch “mẻ” đầu tiên. Sau 3 năm, chủ đầu tư có thể thu hồi vốn và có lời từ năm thứ tư. Thậm chí, có tiếng đồn ở nhà nuôi chim yến của bà Mai, hiện mỗi tháng thu về được 30 kg, tức giá trị cả tỷ đồng. Thế nên, nhiều nhà đầu tư kể cả tay ngang, ào ào nhảy vào đây xây nhà nuôi chim bất chấp có phép hay không phép.

Ngay từ tháng 3/2010, theo Phòng NN-PTNT huyện Cần Giờ, tất cả nhà đầu tư chuyển công năng từ nhà ở sang nuôi chim yến mà không được huyện chấp thuận đều được coi là “trái phép”, và phải bị xử phạt nghiêm nhằm ngăn chặn tình trạng phát triển tự phát không theo đúng qui hoạch. Tuy nhiên, đến nay sau đúng 1 năm, tình trạng này trở nên bát nháo, mạnh ai nấy xây, mạnh ai ấy nuôi. Đặc biệt hơn, chưa có trường hợp nào bị xử phạt cả.

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê Việt Nam quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, trị giá 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và 57,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.