| Hotline: 0983.970.780

Loay hoay cơ giới hóa nông nghiệp: Bước tiến chậm, phụ thuộc nước ngoài

Thứ Năm 28/07/2016 , 13:10 (GMT+7)

Thực trạng cơ giới hóa (CGH) trong nông nghiệp ở nước ta là một bức tranh ảm đạm, phát triển thiếu bền vững. 

CGH đến nay mới chỉ tập trung vào cây lúa ở một số khâu, chưa đồng bộ, tổn thất sau thu hoạch cao, ngành cơ khí trong nước chậm đáp ứng yêu cầu của sản xuất, nhiều chủng loại máy nông nghiệp phải nhập khẩu.

Bức tranh ảm đạm

Theo Bộ NN-PTNT, đến nay trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt 1,6 mã lực (HP)/ha canh tác, đối với lúa đạt 2,2 HP/ha canh tác, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2008.

Toàn quốc hiện có gần 14 triệu hộ nông nghiệp với mức độ trang bị động lực bình quân chỉ đạt 1,6 CV/ha canh tác và vùng có mức độ trang bị động lực cao nhất cả nước là ĐBSCL cũng chỉ đạt 1,85 CV/ha; tỷ lệ hộ có máy kéo và máy nông nghiệp còn thấp, 62 hộ mới có 1 máy kéo. Mức trang bị này chưa bằng 1/3 của Thái Lan (4 CV/ha), 1/4 của Hàn Quốc (6,2 CV/ha) và chỉ xấp xỉ 1/6 của Trung Quốc (8,06 CV/ha)…

Việc chế tạo máy nông nghiệp, theo số liệu bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh máy nông nghiệp, các loại máy nông nghiệp được sản xuất tại Việt Nam bao gồm cả chế tạo và lắp ráp chỉ chiếm 30% thị trường. Phần lớn vẫn là máy nhập khẩu của Trung Quốc (chiếm 60%), Nhật Bản và Hàn Quốc.

Các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu là xưởng cơ khí địa phương nhỏ lẻ, do đó kỹ thuật thiết kế và công nghệ chế tạo bị hạn chế, các chi tiết máy chưa được tiêu chuẩn hóa và có chất lượng thấp. Hệ quả là làm tăng chi phí bảo trì, sửa chữa và làm giảm khả năng cạnh tranh.

Về mức độ cơ giới hóa (CGH), tính đến nay, mức độ cơ giới hóa chỉ tập trung chủ yếu ở một số khâu như làm đất, bơm tưới, tuốt đập, vận chuyển và xay xát còn các khâu như gieo cấy, chăm sóc, và bảo quản sau thu hoạch có mức độ cơ giới hóa rất thấp, phần lớn vẫn là lao động thủ công. Khâu làm đất trồng lúa cả nước đạt 80%. Khâu thu hoạch lúa riêng vùng ĐBSCL có khoảng 15.000 chiếc máy gặt các loại.

Một vấn đề khác là mức độ cơ giới hóa sản xuất lúa ở ĐBSCL không đồng đều giữa các khâu. Mức độ cơ giới hóa của các khâu gieo cấy, bón phân, phun thuốc và bảo quản còn rất thấp. Hiện tại khâu sấy lúa chỉ đáp ứng 42%, bảo quản đúng yêu cầu kỹ thuật chỉ đạt 15%, các khâu làm đất, bơm nước, xay xát đạt từ 60% - 100%.

Việc “thắt cổ chai” tại 2 khâu then chốt là sấy và bảo quản đang gây ra những tổn thất lớn cho toàn bộ chuỗi cung ứng lúa gạo của ĐBSCL. Tỉ lệ CGH các cây trồng cạn (mía, dứa, ngô, đậu, lạc) cũng chỉ đạt bình quân 65%.

Với thực trạng như trên, rõ ràng ngành cơ khí nông nghiệp trong thời gian gần đây và hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu nhân sự thúc đẩy cho nông nghiệp phát triển.

Chính sách khuyến khích đầu tư có, nhưng không rõ ràng, không bảo vệ được thị trường cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là lý do khiến các doanh nghiệp trong nước mệt mỏi. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhưng chỉ thực hiện lắp ráp, chứ không đầu tư chế tạo, dẫn tới sức mạnh của ngành cơ khí chậm được cải thiện.

Một bài toán tính riêng cho sản xuất lúa, nếu kéo giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch xuống mức 5% - 6%, sẽ làm tăng tương ứng giá trị 6% cho 44 triệu tấn lúa của cả nước, hay sẽ tạo ra giá trị tăng thêm khoảng 13.000 tỷ đồng, trong đó ĐBSCL chiếm hơn 50%.

Thua ngay trên sân nhà

Theo ông Nguyễn Huy Bích, Ủy viên Ban thường vụ Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam, những năm gần đây, ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp tại Việt Nam đã được quan tâm hơn, với đa dạng các chủng loại sản phẩm gồm: động cơ đốt trong đến 30 mã lực, máy làm đất (máy cày 4 và 2 bánh), máy thu hoạch (gặt đập liên hợp, gặt lúa xếp dãy, máy tuốt lúa), máy bơm nước, máy phun thuốc sâu, máy bảo quản và chế biến (xay xát lúa gạo, máy sấy).

Tuy nhiên, các sản phẩm cơ khí nông nghiệp của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc chế tạo máy kéo phục vụ cho sản xuất lúa, còn đối với máy móc cho sản xuất các cây trồng khác hầu như vẫn còn để trống.

Ngay cả trong khâu sản xuất lúa, việc áp dụng cơ giới hóa cũng chỉ tập trung chủ yếu ở một số khâu như: Làm đất, bơm tưới, tuốt đập, vận chuyển và xay xát. Còn các khâu như gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch có mức độ cơ giới hóa rất thấp, phần lớn vẫn là lao động thủ công.

11-04-22_1
Đa số các loại máy ngư nông nghiệp ở nước ta hiện nay phải nhập khẩu từ nước ngoài

 

Theo đánh giá chung, máy trong nước sản xuất công nghệ lạc hậu nhưng giá thành lại cao. Chỉ riêng vùng nuôi tôm ĐBSCL, mỗi năm cần khoảng 70.000 máy nổ các loại có động cơ 6 - 10 mã lực.

Trong khi đó, năng lực sản xuất trong nước chỉ đạt 24.000 máy nhưng chưa chắc đã tiêu thụ hết bởi người dân chuộng mua máy Trung Quốc hoặc máy đã qua sử dụng của Nhật Bản, Liên Xô (cũ), Hàn Quốc... Nguyên nhân là do giá máy trong nước sản xuất cao hơn máy nhập khẩu 15 – 30% nhưng hiệu quả sử dụng lại kém hơn.

Các loại máy sản xuất nông nghiệp trong nước chủng loại nghèo nàn, đặc biệt là máy gặt đập liên hợp hiện nay trên thị trường, chiếm đến 90% là máy nước ngoài, chỉ có khoảng 10% máy trong nước. Trong khi đây là loại máy móc chúng ta hoàn toàn có thể chế tạo được. Bên cạnh đó, máy sấy nông sản cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và ở mức độ đơn giản, tức sấy khô, nếu để đảm bảo chất lượng cao cho xuất khẩu thì chưa đạt.

Theo ông Bích, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do nước ta thiếu vốn đầu tư, thiếu nhân lực kỹ thuật cao, thiếu đầu ra, chính sách đầu tư chưa rõ ràng… Vì vậy, có thể nói rằng, chưa bao giờ ngành cơ khí rơi vào tình trạng ốm yếu như hiện nay. Thu hút đầu tư vào cơ khí hiện đang thiếu sức hấp dẫn hơn hẳn so với nhiều lĩnh vực khác.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank  trao 50 phần quà cho các gia đình khó khăn

50 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vừa được nhận quà từ Agribank.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.