Vừa qua, Công ty Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời vùng Đông Nam bộ - Tây Nguyên (Tập đoàn Lộc Trời) đã bắt đầu tiến hành thu hoạch bắp sinh khối được trồng tại xã Ia Puch, huyện Chư Prông (Gia Lai).
Đây là một trong những diện tích bắp sinh khối được Lộc Trời tổ chức liên kết sản xuất trên địa bàn tỉnh Gia Lai (tương đương 2.000ha) theo phương thức “bao lợi nhuận” cho bà con nông dân/hợp tác xã/tổ hợp tác, phục vụ cho thỏa thuận cung cấp bắp sinh khối chất lượng cao giữa Lộc Trời và Tập đoàn NutiFood ký kết cuối tháng 4/2021.
Trong tuần đầu tiên, Công ty Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời đã tiến hành thu hoạch thử nghiệm tại khu vực bờ bao để kiểm tra hiệu quả vận hành hệ thống máy cắt, máy gắp và hiệu quả vận tải nguyên liệu về nhà máy.
Sau thời gian thu hoạch thử nghiệm, Lộc Trời sẽ tiến hành thu hoạch chính thức với sản lượng dự kiến từ 200 – 300 tấn/ngày, liên tục từ nay cho đến tháng 8/2022 để cung cấp cho đối tác.
Trong suốt thời gian đó, bắp sinh khối sẽ được tái gieo trồng theo hình thức cuốn chiếu với quá trình sinh trưởng dao động từ 75 – 85 ngày. Độ giãn cách tối đa giữa mỗi vụ là 10 ngày, đủ cho đất nghỉ ngơi.
Ông Phùng Vinh An, Giám đốc vùng cây công nghiệp và cây lúa Đông Nam bộ - Tây Nguyên của Tập đoàn Lộc Trời cho biết: “Với năng lực điều tiết sản xuất không phụ thuộc vào mùa vụ, Lộc Trời có thể trồng các loại cây trồng với diện tích và thời gian khác nhau, xuyên suốt quanh năm theo đơn đặt hàng của đối tác. Nếu các đối tác có nhu cầu nhận hàng theo tuần, thậm chí theo ngày, Lộc Trời cũng có thể đáp ứng được với diện tích hàng chục ngàn ha”.
Hiện nay, tất cả các sản phẩm bắp sinh khối của Lộc Trời tại Gia Lai đều đạt chỉ số độ khô (Moisture) từ 30 – 35%, đạt tiêu chuẩn bắp loại A, đáp ứng nhu cầu dùng làm thức ăn tươi hoặc ủ chua.
Canh tác chủ động theo đơn đặt hàng trên diện tích rộng, đạt sản lượng lớn và chất lượng đảm bảo là 3 yếu tố đặc biệt quan trọng trong mô hình bắp sinh khối của Lộc Trời tại Gia Lai hiện nay.
Đây là bước tiến quan trọng làm nền tảng để xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, đồng bộ việc tổ chức sản xuất đến khâu tiêu thụ, từ sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm công nghiệp, tiến dần đến sản xuất nông nghiệp bền vững, ổn định.