| Hotline: 0983.970.780

Lộc Trời đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử, trên 16.000 tỷ đồng

Thứ Ba 02/04/2024 , 15:20 (GMT+7)

Mức tăng trưởng vượt bậc này của Lộc Trời nhờ sự đóng góp chủ yếu của ngành lương thực với hơn 11.000 tỷ đồng, chiếm 70% tổng doanh thu.

Trong mức doanh thu lịch sử hơn 16.000 tỷ đồng năm 2023 của Tập đoàn Lộc Trời, lĩnh vực lúa gạo đóng góp 11.226 tỷ đồng, chiếm 70% tổng doanh thu.

Trong mức doanh thu lịch sử hơn 16.000 tỷ đồng năm 2023 của Tập đoàn Lộc Trời, lĩnh vực lúa gạo đóng góp 11.226 tỷ đồng, chiếm 70% tổng doanh thu.

Năm 2023 là một năm cực kỳ khó khăn, nhưng Tập đoàn Lộc Trời vẫn đạt nhiều điểm sáng trong hoạt động kinh doanh. Đây là tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo của toàn Tập đoàn. 

Theo báo cáo tóm lược tình hình hoạt động kinh doanh 2023, doanh thu của Lộc Trời tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm. Đặc biệt, năm 2023, đạt mức doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động với hơn 16.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 38% so với 2022.

Trong mức doanh thu lịch sử trên, lĩnh vực lúa gạo đóng góp 11.226 tỷ đồng, chiếm 70% tổng doanh thu. Thuốc bảo vệ thực vật đóng góp 3.825 tỷ đồng, chiếm 24% tổng doanh thu. Hạt giống đóng góp 685 tỷ đồng, chiếm 4% tổng doanh thu. Lĩnh vực khác ghi đóng góp 352 tỷ đồng, chiếm 2% tổng doanh thu.

Với kết quả đạt được, Lộc Trời đánh giá, đây là minh chứng cho quyết tâm của toàn đội ngũ Tập đoàn trong việc thực hiện cam kết đạt 1 tỷ USD doanh thu (25.000 tỷ đồng) vào năm 2024 - 2025, không ngừng mở rộng liên kết sản xuất theo mô hình rải vụ theo quy mô lớn và cơ giới hoá đồng bộ, giảm 1 triệu lít hóa chất rải xuống đồng ruộng, giảm 30% tài nguyên nước…

Kết thúc năm 2023, lợi nhuận gộp của Lộc Trời đạt 2.475 tỷ đồng, tăng 326 tỷ đồng so với lợi nhuận gộp năm 2022. Tuy vậy, biên lợi nhuận lại giảm nhẹ từ mức 18% trong năm 2022 xuống còn 15,4% trong năm 2023, chủ yếu do biên lợi nhuận của ngành lương thực.

Theo Lộc Trời, đặc thù của ngành lương thực là biên lợi nhuận gộp luôn ở mức thấp chỉ từ 2 - 3%, trong khi đó tỷ lệ đóng góp vào doanh thu cao nhất (chiếm 70% tổng doanh thu) nên biên lợi nhuận của Tập đoàn giảm theo.

Dàn máy gặt của Lộc Trời trên cánh đồng lúa xuất khẩu đi EU.

Dàn máy gặt của Lộc Trời trên cánh đồng lúa xuất khẩu đi EU.

Về lợi nhuận trước thuế, Lộc Trời cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 150 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 558 tỷ đồng của năm 2022. Lợi nhuận trước thuế giảm mạnh là do chi phí tài chính tăng cao, đặc biệt chi phí lãi vay lên tới 582 tỷ đồng trong năm 2023.

Đặc biệt, Lộc Trời đang duy trì nguồn nợ ngắn hạn lớn để tài trợ các hoạt động thu mua lúa cho bà con nông dân các vùng liên kết và lãi suất vay đang tăng cao hơn so với năm 2022.

Tính tới ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Lộc Trời tăng 31% so với đầu năm, lên 11.468 tỷ đồng. Trong đó, tài sản biến động chủ yếu phải thu ngắn hạn tăng 182% so với đầu năm, lên 6.517 tỷ đồng, tồn kho giảm 7% so với đầu năm về 1.969 tỷ đồng, tài sản dài hạn giảm 14% so với đầu năm, về 2.122 tỷ đồng.

Về định hướng kinh doanh trong năm 2024 - 2025, Lộc Trời đưa ra 5 giải pháp: Cải thiện dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, quản lý nợ và cấu trúc vốn, tăng cường hiệu quả hoạt động, quản lý tài sản và đầu tư và phát triển.

Đối với cải thiện dòng tiền, Lộc Trời dự kiến rút ngắn chu kỳ thu tiền từ khách hàng, tăng cường doanh số ngành vật tư nông nghiệp, tăng cường doanh số ngành giống.

Đối với quản lý nợ và cấu trúc vốn, Tập đoàn sẽ cân đối cán cân tài chính để đảm bảo sự hài hòa giữa nguồn vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Cải thiện tỷ lệ vốn chủ sở hữu bằng cách tăng vốn chủ sở hữu qua phát hành cổ phiếu. Tái cấu trúc toàn diện Lộc Nhân (đơn vị thành viên) bao gồm việc xây dựng cơ cấu tài chính phù hợp và tích hợp được vào với Tập đoàn trong giai đoạn sắp tới.

Với tăng cường hiệu quả hoạt động, Lộc Trời thực hiện cải thiện biên lợi nhuận ngành lương thực thông qua việc kiểm soát chi phí và nâng cao giá trị tăng sản phẩm; quản lý chặt chẽ hàng tồn kho để giảm số ngày xử lý hàng tồn kho (DIO).

Với quản lý tài sản, Tập đoàn sẽ thực hiện khai thác và tối ưu hiệu quả sử dụng tài sản, tái cấu trúc danh mục tài sản hiện tại.

Sản phẩm 'Cơm ViệtNam Rice' được bày bán tại siêu thị Carrefour, Pháp.

Sản phẩm "Cơm ViệtNam Rice" được bày bán tại siêu thị Carrefour, Pháp.

Cuối cùng, Tập đoàn sẽ huy động nguồn vốn dài hạn để xây dựng dự án nhà máy gạo công suất 10.000 tấn/ngày tại Long An, mục tiêu đến năm 2028 sẽ nâng tổng công suất sản xuất gạo thành phẩm lên 15.000 tấn/ngày.

Đầu tư khai thác phụ phẩm lúa gạo, đặc biệt là rơm và trấu để thay thế cho năng lượng hóa thạch; và đầu tư vào quy trình canh tác giảm phát thải để tạo ra chứng chỉ carbon có thể thương mại hóa trên thị trường quốc tế.

Năm 2024 và những năm tiếp bước, Lộc Trời và các công ty thành viên trong hệ sinh thái nông nghiệp sẽ không ngừng nỗ lực để gia tăng giá trị cho hoạt động sản xuất kinh doanh nông sản thông qua việc tổ chức liên kết sản xuất quy mô lớn.

Tăng cường sử dụng các loại giống xác nhận, phù hợp với thổ nhưỡng và thị trường, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ với các quy trình cùng bộ giải pháp canh tác tiên tiến, cân bằng giữa sinh học - hữu cơ - hóa học... cung cấp nông sản có chất lượng đáp ứng tiêu chí của từng thị trường trong và ngoài nước.

Từ đó, giúp bình ổn an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới, đưa vị thế của nông sản Việt lên tầm cao mới, nâng cao chất lượng sống của bà con nông dân, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Xem thêm
Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn Việt Nam

Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan, Lào và Campuchia.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.