| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 12/07/2020 , 06:35 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 06:35 - 12/07/2020

Lời cảnh tỉnh chua xót về tình mẫu tử

Sau 20 ngày điều trị, đứa bé bị vứt bỏ dưới hố ga, đã qua đời lúc 13g30 ngày 29/6. 

Vẻ đẹp tình mẫu tử. Tranh của Nguyễn Thanh Bình.

Vẻ đẹp tình mẫu tử. Tranh của Nguyễn Thanh Bình.

Sự tồn tại ngắn ngủi của đứa bé trên nhân gian nhọc nhằn, dù không để lại âm thanh nào, vẫn trở thành tiếng thét kinh hoàng nhằm báo động sự xuống dốc lương tri con người.

Bởi lẽ, kẻ có hành động nhẫn tâm chà đạp lên quyền được sống thiêng liêng của đứa bé chính là người mẹ ruột!

Ngày 8/6, khi người dân phát hiện một bé trai bị bỏ rơi dưới hố ga phía sau Đền Mẫu (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) trong tình trạng không có cơ thể không có quần áo và dòi bọ bám dính, thì cơ quan y tế địa phương đã lập tức đến hiện trường để sơ cứu cho đứa trẻ rồi chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây chữa trị.

Nhận thấy tình trạng bé trai có những tiên lượng xấu nguy hiểm tính mạng, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây quyết định chuyển bệnh nhân đặc biệt ấy lên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để tiến hành cấp cứu.

Thông tin trên đã lan truyền với tốc độ khủng khiếp trong cộng đồng. Người ta đặt ra nhiều câu hỏi day dứt, nhưng chủ yếu vẫn là sự băn khoăn, vì sao một đứa trẻ sơ sinh lại phải rơi vào hoàn cảnh bi đát như vậy?

Cha mẹ của bé trai đang ở đâu, họ đã làm gì khi con mình vừa chào đời? Thế nhưng, phần lớn người Việt Nam có trái tim biết rung động vẫn kiên trì hy vọng và cầu nguyện cho sự lành lặn của đứa trẻ.

Dẫu quả đất đang ngày càng chật chội hơn với gánh nặng dân số, thì một thiên thần đến với dương gian đều là món quà cao đẹp của Thượng đế. Hy vọng râm ran và cầu nguyện âm thầm, cho đứa trẻ tội nghiệp và cho chính số phận mong manh của mỗi con người trên cõi đời lắm bất an.

Từng ngày trôi qua, hồi hộp và nặng nề. Đến đầu giờ chiều 29/6 thì đứa trẻ bị vứt xuống hố ga đã không qua được định mệnh nghiệt ngã. Bác sĩ Thái Bằng Giang - Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết bé trai tử vong do sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng máu.

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã phối hợp hội chẩn chặt chẽ với Bệnh viện Nhi Trung ương và các chuyên gia Anh quốc để nỗ lực cứu chữa nhưng tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhi này rất khó kiểm soát, bên cạnh đó đứa trẻ còn kháng tất cả các loại kháng sinh.

Không thể nào che giấu được sự nặng trĩu vì không thể níu giữ đứa bé ở lại trần thế, Người từng trải cúi mặt để thở dài, người yếu đuối quay mặt đi để lau những giọt nước mắt. Thế nhưng, điều kinh hoàng hơn lại hé mở.

Sau khi đứa trẻ ử vong, đại diện UBND xã Thanh Mỹ- thị xã Sơn Tây đã làm việc với Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để bàn giao thủ tục lo hậu sự, thì hung thủ cũng lộ diện. Đó mới thực là cú đánh choáng váng vào lương tri của xã hội.

Người đã vứt bỏ bé trai cũng chính là người đã sinh ra bé trai: bà Phạm Thị Thành, sinh năm 1989, trú tại Hoa Thành, Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh.

Không ai dám tin, hay nói đúng hơn là không ai muốn tin. Lời khai của bà Phạm Thị Thành quá khủng khiếp.

Khi mang thai bé trai, bà Phạm Thị Thành đã che giấu hoàn toàn với những người xung quanh. Sáng 6/6, bà Phạm Thị Thành vẫn thản nhiên đón xe bus lên thị xã Sơn Tây để rong chơi, nhưng đến 23 giờ cùng ngày thì vỡ ối và chuyển dạ.

Thai phụ quái dị này đã một mình đi đến ruộng rau cạnh Đền Mẫu trong thôn Thanh Tiến, xã Thanh Mỹ để tự sinh con, rồi bế đứa trẻ trèo vào phía sau Đền Mẫu để vứt bỏ mà trở về Hà Nội.

Làm sao dám tin sự thật hãi hùng ấy, làm sao muốn tin sự thật hãi hùng ấy. Khi ra khỏi bụng mẹ, tiếng khóc đầu tiên của bé trai không làm bà Phạm Thị Thành xao xuyến và chột dạ ư? Tiếng khóc của một đứa trẻ vừa được chào đồng loại, không đủ đánh thức sự yêu thương vốn có trong tâm hồn một người mẹ ư?

Ôi, cay đắng làm sao, ở Đền Mẫu mà chứng kiến cảnh mẹ vứt con. Ôi, chua chát làm sao, ở Đền Mẫu mà tình mẫu tử bị chôn vui một cách lạnh lùng và tàn độc.  

Ngày 30/6, công an thị xã Sơn Tây đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Phạm Thị Thành để điều tra về hành vi vứt bỏ đứa trẻ mới hạ sinh.

Theo điều 124 Bộ luật Hình sự, có quy định về hình phạt cho tội “Vứt con đẻ” có hai hình phạt. Thứ nhất, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 

Thứ hai, mgười mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Như vậy, bà Phạm Thị Thành bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì vứt bỏ bé trai và dẫn đến cái chết của bé trai. Còn khái niệm “người mẹ bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt” nghĩa là gì?

Khái niệm “người mẹ ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu” được hiểu là người do ảnh hưởng của tư tưởng cũ, không phù hợp với quan niệm lối sống hiện tại, chẳng hạn không chấp nhận việc đẻ quá nhiều con gái, không chấp nhận việc không chồng mà chửa. 

Còn khái niệm “người mẹ có hoàn cảnh khách quan đặc biệt” được hiểu là trường hợp sau khi sinh con, người mẹ không có khả năng để nuôi con mình, như bị bệnh nặng hoặc loay hoay trong xoay sở ngặt nghèo.

Nếu người mẹ không “bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt” mà vứt bỏ con của mình trong 07 ngày tuổi, dẫn đến cái chết của đứa trẻ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội “Giết người” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Bà Phạm Thị Thành sẽ đối mặt với bản án ra sao, có lẽ chưa phải là câu chuyện cần thiết phải bàn cãi hay tranh luận.

Thực trạng nhức nhối mà mỗi người phải tự vấn chính là vì sao ác quỷ lại ngự trị trong trái tim người mẹ, vì sao ác quỷ còn ngự trị trong con người hiện đại, vì sao ác quỷ vẫn ngự trị trong cuộc sống văn minh? Phải chăng, đạo đức xã hội đang lung lay và đang sụp đổ? Khốn khổ thay, một thiên thần chỉ ghé thăm 23 ngày với chúng ta, rồi vụt bay như một niềm thảng thốt, một nỗi kinh hãi.

Tình cảm mẹ con là quan hệ thiêng liêng nhất trên đời. Tranh của Nguyễn Thanh Bình.

Tình cảm mẹ con là quan hệ thiêng liêng nhất trên đời. Tranh của Nguyễn Thanh Bình.

Sự lạnh lùng và sự tàn độc chưa lúc nào chịu lui bước, nếu sự lương thiện không ngừng được bồi đắp. Thế nhưng, tình mẫu tử vẫn là thứ tình cảm vĩ đại nhất trên dương gian.

Đừng nói, hùm dữ không nỡ ăn thịt con, mà hãy nhìn những động vật xung quanh xem sao. Một con chó mẹ sẽ hung tợn tấn công ngay kẻ uy hiếp bầy chó con. Một con gà mẹ cũng sẽ xù lông để bảo vệ đàn gà con. Còn người mẹ ở thế kỷ 21 lại sinh con rồi vứt con dễ dàng như vậy ư?

Cách đây 14 năm, từng có một đứa trẻ vừa sinh ra đã bị vứt bỏ ở Quảng Nam, và may mắn được cặp vợ chồng trẻ ở Hà Nội nhận nuôi để thành huyền thoại “chú lính chì dũng cảm Thiện Nhân” hôm nay. Bà mẹ vô tâm ở Quảng Nam khi ấy 19 tuổi vứt bỏ con để tiếp tục đi chăn bò, còn bà mẹ nhẫn tâm ở Sơn Tây bây giờ 31 tuổi vứt bỏ con để tiếp tục bước thong dong.

Đáng tiếc thay, kỳ tích đã không lặp lại, đứa trẻ bị vứt bỏ ở Sơn Tây đã vĩnh viễn lìa xa chúng ta. Thiên thần nhỏ không kịp gửi lại lời nào cho chúng ta, mà sao nghe xao xác oán than tủi hờn vẫn bủa vây chúng ta.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm