| Hotline: 0983.970.780

Lỗi hẹn với ánh nắng sau vườn

Chủ Nhật 09/08/2020 , 07:30 (GMT+7)

Mỗi ngày bật máy tính lên, với tôi đó là cả một sự ám ảnh xen lẫn lo âu. Hình ảnh những “chiến binh áo trắng” hiện lên thật xúc động xen lẫn nghẹn ngào.

Những con đường, góc phố vắng tanh như đêm 30 tết, xen lẫn nỗi buồn vì đang đối mặt với trận đại dịch toàn nhân loại. Mỗi khi đất mẹ cần, thì có lẽ mỗi người trong chúng ta ai cũng sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân để góp thêm sức mình cho đất nước, cho dân tộc.

Yêu nước không còn là khái niệm phải cầm súng chiến đấu dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. Yêu nước lúc này nghĩa là ở nhà. Ở nhà nhưng lòng tôi không còn thấy bình yên như trước nữa, mà lo lắng khi những nguy hiểm của dịch bệnh cứ bủa vây lấy cuộc sống của mỗi chúng ta.

Tôi yêu quê hương, yêu từng ngọn khói lam chiều gắn với câu ca: “Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày”. Tôi nhớ màu vàng của lúa vào mùa, màu xanh của đồng cỏ, với hình ảnh con trâu nằm phe phẩy chiếc đuôi.

Mùa hè với chúng tôi là cả một thiên đường sung sướng. Tôi được đắm mình trong ánh nắng mỗi buổi sáng, đầy tiếng chim líu lo sau vườn nhà ngoại, được trải nghiệm bao trò chơi mà trẻ em thành phố không hiểu hết được.

Và mùa hè cũng là mùa của những quả ổi chín, xoài xanh, dưa hấu đỏ. Trong thế giới tuổi thơ chúng tôi luôn tồn tại không biết bao nhiêu gam màu tươi đẹp như thế. Và sau này trong cuộc đời của tôi có thêm một sắc màu nữa, đó là màu của những viên phấn trắng và bảng đen.

Tuy bây giờ đã trở thành cô giáo nơi phố thị đông đúc, nhưng tôi vẫn yêu mùa hè quê nhà lắm. Mỗi sáng tôi theo gót chân ngoại ra hiên để phơi những nia cau, và tưới những hàng rau xanh mướt. Lặng lẳng nghe tiếng ve râm ran trong vòm lá.

Rồi chiều về, tôi theo mẹ ra đồng đốt rạ. Khói đồng phảng phất cay xè nơi khóe mắt. Những câu chuyện đời, chuyện người được mẹ kể theo mãi trong dòng suy nghĩ của tôi.

Có lẽ, quê nhà với những mái ngói đỏ tươi là nơi bình yên nhất đối với tôi. Những lúc buồn nhất, mệt mỏi nhất, tôi thường cưỡi trên con ngựa sắt chạy về với mẹ, với cánh đồng lúa chín để tìm sự tĩnh lặng cho tâm hồn.

Giá như tôi là họa sĩ, tôi sẽ vẽ những bức tranh về làng quê với từng con đường làng sạch sẽ, quanh co như một đường gấp khúc giao nhà này với nhà kia. Giá như tôi là nhạc sỹ, tôi sẽ sáng tác nên những ca khúc hay về quê hương của mình. Nơi không chỉ có biển, có núi đẹp như một bức tranh mà nơi đó có những con người một nắng hai sương, lam lũ cuốc cày.

Nhưng tôi chỉ là một giáo viên, người đưa đò chuyên chở bao thế hệ học sinh sang sông. Bao tình yêu của tôi dành cho quê nhà chỉ được tắm mát qua từng con chữ, bài giảng trên lớp. Có đôi khi, một chút mưa lất phất trước sân trường, cũng đủ để tôi nhớ nhà da diết. Và như thói quen, hè năm nào mẹ cũng hóng tôi về để vui cửa, vui nhà, về ăn cơm mẹ nấu.

Nhưng mùa hè năm nay, tôi lỗi hẹn với ánh nắng sau vườn, lỗi hẹn với chén cà dầm tương cũng đĩa rau luộc của mẹ. Lỗi hẹn với những buổi sớm cùng ngoại phơi cau.

Đường phố vắng teo, những ngã ba, ngã bảy chỗ nào cũng có trạm kiểm dịch. Không ai được phép ra khỏi thành phố. Đôi chân cứ muốn đi nhưng vì sự an toàn, vì yêu nước là ở nhà nên hầu hết những giáo viên xa nhà như chúng tôi phải chấp hành nghiêm túc.

Nhìn những con phố vắng teo qua khung cửa sổ, tôi chạnh lòng. Không một bóng người, không buôn bán hay tụ tập.

Tất cả chỉ nhìn nhau qua khe cửa, hoặc trên ban công nhìn xuống với những ánh mắt buồn hiu, lo lắng. Tôi tự hỏi không biết đến khi nào nhân loại mới vượt qua được cơn đại dịch này. Nhưng trước mắt, mỗi chũng ta hãy có niềm tin, sự lạc quan vào cuộc đời.

Và thế giới của tôi bây giờ không có tiếng ve kêu rả rích, không có mùi thơm của những quả ổi sau nhà, hay hương thơm của bông thiên lý cạnh vại nước vào mỗi đêm ở quê.

Mà thế giới của tôi lúc này là những gói mỳ ăn liền, wifi luôn nhấp nháy mỗi ngày, để xem tình hình dịch bệnh khắp nơi, để lo lắng và yêu thương những con người ngày đêm hết mình vì đất nước. Và để liên lạc thường xuyên với những người thân quê nhà.

Một mùa hè như thế lặng lẽ trôi đi. Tôi đành lỗi hẹn với quê nhà. Tôi chỉ mong sự bình yên sớm trở về. Đất nước cong cong hình chữ S mang bao niềm tự hào của cả dân tộc. Để những mùa hè sau tôi có thể trở về tận hưởng nhiều niềm vui của quê nhà. Để quên đi những lo âu, muộn phiền của cuộc sống. Để tiếng cười trẻ con, nhịp sống thường ngày lại trở về với từng ngôi nhà, góc phố.

(Kiến thức gia đình số 32)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm