| Hotline: 0983.970.780

Xen canh ở Tây Nguyên: Xu hướng tất yếu

Lợi ích kép từ xen canh

Thứ Năm 18/07/2019 , 08:48 (GMT+7)

Xen canh minh chứng không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà nó còn lợi ích môi trường.

Năm 1998, gia đình bác Nguyễn Xuân Thiệu, thôn 5, xã Ea Nam, huyện Ea H’leo, tỉnh Đăk Lăk mua 2ha đất rẫy tại xã để trồng cà phê. Sau 3 năm, vườn cà phê của gia đình cho thu bói và năm thứ 4 trở đi cho sản lượng ổn định gần 4 tấn/ha. Từ năm 2005, vừa làm vừa tích lũy nguồn vốn, cứ sau mỗi vụ thu hoạch bác lại đầu tư mua thêm đất mở rộng diện tích.

16-57-51_mo_hinh_trong_xen_cu_bc_thieu_cho_thu_nhp_co
Mô hình trồng xen của bác Thiệu cho thu nhập cao. Ảnh: Kim Sơ.

Năm 2013, sau một thời gian thâm canh cao độ, cà phê có dấu hiệu giảm năng suất. Tận dụng khoảng trống bác Thiệu tiến hành trồng 600 cây bơ Booth và 300 cây sầu riêng Ri6 cơm vàng hạt lép với mật độ 110 - 115 cây/ha xen trong vườn cà phê 8ha.

Bác Thiệu chia sẻ, cà phê là cây ưa bóng mát, sầu riêng và bơ Booth lại là cây có tán rộng, khi trồng xen sẽ có tác dụng hỗ trợ nhau. Không chỉ giúp che nắng cho cà phê mà còn tận dụng được lượng nước và phân bón dư thừa từ cây cà phê. Quá trình chăm sóc bơ, sầu riêng cũng khá đơn giản, chỉ cần lưu ý phòng trừ các loại nấm hại cây, tỉa cành, tạo tán, tưới nước và bón phân cân đối, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật.

Hiện tại, mỗi năm bác thu trên 30 tấn cà phê, 25 tấn bơ, 8 tấn sầu riêng, thu gần 2 tỷ đồng mỗi năm đã trừ chi phí. Mô hình của bác còn tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng và 15 lao động thời vụ.

Gia đình ông Trần Văn Thi, thôn 6A, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo có 3ha cà phê trước đây chỉ trồng thuần. Qua thời gian khai thác, ông Thi nhận thấy mỗi năm trừ tất cả chi phí, lợi nhuận từ cây cà phê đem lại không cao.

16-57-51_nho_xen_cnh_cy_trong_hop_ly_vuon_c_phe_nh_ong_trn_vn_thi_x_e_rl_pht_trien_tot_cho_nng_sut_co_hon
Nhờ xen canh cây trồng hợp lý, vườn cà phê nhà ông Trần Văn Thi phát triển tốt, cho năng suất cao hơn. Ảnh: Kim Sơ.

Năm 2010, ông đã tìm mua 200 cây giống sầu riêng cơm vàng hạt lép để về trồng xen. Sau 4 năm chăm sóc đúng kỹ thuật, mùa thu hoạch đầu tiên vườn sầu riêng cho năng suất trên 6 tấn. Với thành công từ xen canh sầu riêng, ông tiếp tục mở rộng trồng xen thêm 200 cây bơ Booth và 400 cây na Thái với tỷ lệ phù hợp.

Ông Thi cho biết: Khi xen canh các loại cây ăn quả, cây cà phê không những không bị ảnh hưởng mà còn được hưởng lợi phần dinh dưỡng khi bón các loại cây khác. Cây ăn quả còn giúp chắn gió và che bóng cho cà phê, tiết kiệm lượng nước tưới trong mùa khô. Với gia đình ông, cây ăn quả là cây xen canh, nhưng hiện tại lại là cây cho thu nhập chính. Mỗi năm, mô hình của ông Thi cho thu 9 tấn cà phê, 15 tấn trái cây các loại, mỗi năm thu hàng tỷ đồng.

Dù giá cà phê, hồ tiêu những năm gần đây bấp bênh, không cao như trước nhưng các hộ xen canh vẫn có nguồn thu nhập ổn định.

Trước đây, gia đình ông Y Băn Mlô, thôn Cư Blang, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk có 3ha cà phê, mỗi năm cho thu hoạch 3 tấn, thu nhập chỉ khoảng 100 triệu đồng. Năm 2009, ông Y Băn quyết định chuyển đổi sang mô hình xen canh. Ban đầu, ông chặt bỏ những cây cà phê già cỗi, đầu tư trồng xen 100 trụ tiêu, 100 cây sầu riêng, 30 cây bơ… đồng thời chăn nuôi heo để chủ động nguồn phân bón.

Ông Y Băn cho hay: "Thu nhập của gia đình tăng hơn 300 – 400 triệu đồng/năm so với trước đây. Tôi dự tính sẽ phát triển thêm cây ăn quả, cà chua thân gỗ… và mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian tới”.

Còn gia đình bác Ngô Công Lợi, thôn Nam Tân, xã Cư Kpô, huyện Krông Búk cũng là một trong những lão nông thành công với mô hình xen canh.

Bác Lợi đã tận dụng tối đa diện tích đất canh tác bằng cách xen canh nhiều loại cây ăn quả trên diện tích 2,5ha đất sản xuất cà phê. Năm 2014, bác bắt đầu triển khai trồng xen tiêu, sau đó là bơ, sầu riêng, chanh dây vào vườn cà phê. Đến nay, trong vườn ngoài cà phê còn có 1.000 gốc tiêu, 200 gốc bơ, 150 gốc sầu riêng, 80 trụ chanh dây… Các loại cây đều đã cho thu hoạch, đem về nguồn thu vài trăm triệu đồng mỗi năm.

16-57-51_vuon_c_phe_triu_qu_cu_ong_ngo_cong_loi_thon_nm_tn_x_cu_kpo
Vườn cà phê trĩu quả của bác Ngô Công Lợi. Ảnh: Kim Sơ.

Trong quá trình xen canh, bác Lợi tự mày mò tìm hiểu cách trồng của từng loại cây, cách chăm sóc sao cho phù hợp để cây này không ảnh hưởng đến cây khác. Cụ thể như làm cành thường xuyên cho cà phê nhằm tạo không gian cho những cây khác phát triển; chăm bón phân cho từng loại cây đúng chu kỳ… Cứ vừa làm vừa học, bác Lợi đã nhận về quả ngọt khi những loại cây trồng xen canh đều cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, mang lại lợi ích kép.

40% diện tích cà phê và hồ tiêu của Ea H'leo đã được xen canh

Theo Phòng NN-PTNT huyện Ea H’leo, toàn huyện có gần 33.500ha cây cà phê và hồ tiêu, trong đó, diện tích xen canh chiếm 40%, cây trồng xen canh chủ yếu là các loại cây ăn quả như: bơ, sầu riêng, cam, chanh, na, mãng cầu…

Trong vòng 3 năm trở lại đây, diện tích trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê và hồ tiêu phát triển mạnh. Thực tế cho thấy, xen canh là một phương thức đa dạng hóa cây trồng, cây nọ bù cây kia và thu nhập rải đều trong năm, mang lại giá trị kinh tế cao hơn trồng thuần.

Xem thêm
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 7,2 tỷ USD

Tổng Thư ký Vinafruit cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và sẽ đạt 7,2 tỷ USD năm nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hộp quà bất ngờ từ Vinamilk mang niềm vui ấm áp đến trẻ em vùng cao

'Hộp quà bất ngờ' của Vinamilk đã xuất hiện tại Trường Mầm non Sinh Long huyện miền núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào một ngày trời trở rét đậm.