Năm 2019, Doseco đã xuất bán 4.000 tấn lúa giống chất lượng các loại cho thị trường ĐBSCL và miền Đông. |
Nhận thấy những lợi ích đó, Cty CP Giống cây trồng Đồng Tháp (Doseco) đã liên kết sản xuất với các câu lạc bộ SX giống, HTX... trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2019 Doseco ưu tiên đầu tư dự án tại Trại Thực nghiệm sản xuất giống cây trồng An Phong, tăng cường liên kết SX lúa giống phục vụ nhu cầu của nông dân.
Doseco chuyển giao tiến bộ KHKT, cung cấp giống nguyên chủng, siêu nguyên chủng cho nông hộ và đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá thu mua cao hơn trên thị trường vài trăm đồng/kg để SX đảm bảo có lãi. Từ những giống lúa đạt tiêu chuẩn làm giống, Doseco sẽ mang về chế biến thành phẩm để phục vụ thị trường.
Hơn 6 năm qua, ông Nguyễn Văn Thơ, Chủ nhiệm CLB SX lúa giống ấp 5, xã Hòa Bình, huyện Tam Nông luôn đi tiên phong trong SX lúa giống cung cấp kịp thời nhu cầu của Doseco.
Với 7ha đất canh tác 3 vụ lúa giống/năm, bình quân mỗi vụ ông Thơ SX từ 45 - 50 tấn lúa giống các loại, cung cấp cho Cty theo hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm nên có khoản thu nhập trên 100 triệu đồng.
Vụ ĐX 2019-2020 ông Thơ liên kết với Doseco trồng 7ha lúa giống OM 4900 cấp xác nhận I, dự kiến bán cho Cty giá 6.100 đồng/kg (cao hơn giá thị trường tại thời điểm là 600 đồng/kg).
Ông Nguyễn Văn Thơ cho biết: SX lúa giống tính ra lợi nhuận cao hơn nhiều so với nông hộ làm lúa thương phẩm. Việc liên kết với Doseco trong nhiều năm qua đã giúp cho diện tích đất ruộng của gia đình bằng phẳng hơn, chất lượng giống lúa được nâng cao. Trong quá trình canh tác, Doseco còn cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát đồng ruộng, hướng dẫn cách bón phân theo bảng so màu lá lúa, phòng ngừa sâu bệnh. Nổi bật là thực hiện chương trình “3 giảm 3 tăng” và “1 phài 5 giảm”.
Còn gia đình ông Lê Văn Long ở xã Lấn Biến, huyện Tháp Mười canh tác 2ha ở vụ TĐ vừa rồi với giống lúa OM 9582, đạt năng suất 6 tấn/ha, được Doseco bao tiêu sản phẩm giá 5.700đồng/kg, thu nhập gần 70 triệu đồng.
Ông Long nói: “Tôi rất phấn khởi vì nhiều năm qua SX lúa giống được Doseco đứng ra liên kết bao tiêu sản phẩm. Việc liên kết có rất nhiều lợi ích như không còn lo đầu ra như SX lúa thông thường, yên tâm tập trung SX để lúa đạt hiệu quả cao nhất và tăng lợi nhuận”.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Doseco cho biết: Mỗi năm Doseco liên kết SX lúa giống với nông dân trong tỉnh trên 1.000ha, cung cấp khoảng 3.000 tấn lúa giống cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Chương trình liên kết SX giống của Doseco vẫn ưu tiên trong tỉnh trước và sau đó mới liên kết với các tỉnh lân cận như Long An, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và một số tỉnh ở miền Đông Nam bộ để có những bộ giống phù hợp với từng vùng miền.
Doseco thực hiện đầy đủ các quy định về công bố hợp quy đối với tất cả các chủng loại giống, cấp độ giống. Từ đó, chất lượng các loại giống lúa xuất bán đảm bảo an toàn, luôn được khách hàng ưa chuộng và rất an tâm chọn sử dụng. Năm 2019, Doseco đã xuất bán 4.000 tấn lúa giống các loại, dự kiến trong năm 2020 Cty cung ứng thị trường khoảng 5.000 tấn... |
Các loại giống do Doseco cung cấp cho thị trường gồm OM 7347; OM 6976; OM 576; OM 6162; OM 4900; IR 13240 - 108; Jasmine 85... được nhiều nông dân khu vực ĐBSCL ưa chuộng, vì đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về giống, mức độ lẫn tạp chất rất thấp, năng suất tương đối ổn định.
Bên cạnh đó, việc SX giống cũng được thực hiện theo quy trình kỹ thuật khá nghiêm ngặt của Cty như: khâu khử lẫn, cách ly không gian (khoảng cách giữa các ruộng lân cận trên 2m), cách ly thời gian (việc xuống giống sớm hơn hoặc trễ hơn so với các ruộng lân cận là 15 ngày).
Các loại giống được thực hiện bằng phương thức lúa cấy, sau khi vệ sinh đồng ruộng, cày ải phơi đất. Lúa giống được ngâm, gieo cấy bằng máy khi lúa từ 10 - 12 ngày tuổi, lượng giống gieo cấy 5kg/công (công = 1.000m2) giảm lượng giống để giảm chi phí đầu tư, khoảng cách cây cách cây hơn 16cm, hàng cách hàng 25 - 30cm.
Ông Hồng cho biết thêm, ngoài liên kết SX lúa giống với nông dân, Doseco còn trực tiếp SX giống trên 6ha tại Trại Thực nghiệm SX giống cây trồng An Phong. Mỗi vụ SX giống, phòng kỹ thuật và các nhà máy, trại giống tổ chức lấy mẫu các lô giống, kiểm tra tỷ lệ nẩy mầm. Quản lý chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm định, tư vấn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, khử lẫn, thu hoạch... Cuối vụ tiến hành tính toán, phân tích đánh giá hiệu quả SX, giá thành sản phẩm, quy trình kỹ thuật và lợi nhuận.