Vụ đông xuân 2022 - 2023, ông Nguyễn Văn Tuần tại thôn Tiên Mỹ 2, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) hợp tác với Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị trồng 4ha lúa hữu cơ, giống lúa ST25. Cùng tham gia chương trình này còn có 16 hộ dân khác tại thôn Tiên Mỹ với tổng diện tích 14ha.
Các hộ dân tham gia được Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị hỗ trợ 50% kinh phí giống, khay mạ và vật tư phân bón, chế phẩm sinh học. Phần còn lại, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị cho nông dân vay trả chậm đến cuối vụ.
Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho hay, sau khi chọn địa điểm thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông Vĩnh Linh phối hợp với Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị đã tổ chức 2 lớp tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ sử dụng mạ khay - máy cấy cho các hộ tham gia mô hình và các hộ lân cận.
Toàn bộ các khâu cày, cấy, phun chế phẩm, thu hoạch đều sử dụng cơ giới hóa. Nông dân chủ yếu chỉ lo điều tiết nước vào ruộng, thăm đồng phát hiện sâu bệnh để báo cho cán bộ kỹ thuật của Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị.
Theo tính toán, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã hỗ trợ người dân số tiền 13 triệu đồng/ha (bằng 50% giá trị đầu vào).
Ông Nguyễn Văn Tuần cho biết, lúa được phun 6 lần chế phẩm sinh học bằng máy bay không người lái; tuyệt đối không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc BVTV. Từ ngày cấy (9/1/2023), cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, ít sâu bệnh.
Đến thời điểm cuối tháng 4/2023 (sau 110 ngày sinh trưởng và phát triển), ông Tuần gặt thử và cho thấy năng suất lúa tươi đạt 3,5 tạ/sào (500m2), tương đương 7 tấn tươi/ha.
Với giá thu mua lúa tươi tại ruộng là 12 triệu đồng/tấn theo cam kết, nông dân sẽ thu về 84 triệu đồng/ha. Trong khi đó, tổng chi phí đầu tư hết hơn 47 triệu đồng, nông dân vẫn lãi ròng gần 37 triệu đồng/ha/vụ.
So với giống lúa đối chứng HC95 canh tác thông thường, nông dân trồng lúa hữu cơ có liên kết sản xuất cho hiệu quả kinh tế gấp hơn 2 lần.
“Lâu nay canh tác lúa theo lối truyền thống, sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu mà nông dân không ý thức được vấn đề ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người trồng lúa cũng như người tiêu dùng. Nay có phương thức canh tác mới, cho sản phẩm sạch, hiệu quả kinh tế cao, lại sử dụng máy móc trong hầu hết các khâu sản xuất nên nông dân rất phấn khởi”, ông Tuần chia sẻ.
Ông Lê Đình Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lâm cho biết, cuối tháng 4 tại xã xẩy ra trận gió lốc lớn. Một số diện tích lúa bị ngã rạp nhưng lúa hữu cơ vẫn đứng vững trong giông lốc.
“Thực tế cho thấy sản xuất hữu cơ giúp cây lúa phát triển khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh và thời tiết cực đoan tốt hơn. Qua khảo sát của ngành nông nghiệp, trong tổng số 670ha lúa nước của toàn xã có 300ha đủ điều kiện sản xuất lúa hữu cơ. Với lợi ích về kinh tế và môi trường nhờ trồng lúa hữu cơ mang lại, chúng tôi đặt ra mục tiêu sẽ có 300ha lúa hữu cơ vào năm 2030”, ông Dũng cho hay.
Phấn đấu có 1 nghìn ha lúa hữu cơ vào năm 2025
"Quảng Trị bắt tay vào chuẩn bị trồng lúa hữu cơ từ năm 2017. Thời điểm đó, chủ yếu là quá trình giải độc cho đất. Đến nay, toàn tỉnh có trên 300ha lúa hữu cơ. Theo kế hoạch, đến năm 2025, Quảng Trị phấn đấu sẽ đạt 1.000 ha lúa hữu cơ. Đây là một trong những mô hình để cụ thể hóa mục tiêu trên của tỉnh.
Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là một hướng đi tất yếu, cho ra sản phẩm đạt cả 3 tiêu chí kinh tế, xã hội và môi trường. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp tham gia liên kết, tạo cánh đồng lớn để sản xuất lúa hữu cơ hướng tới mục tiêu xuất khẩu”, ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết.