| Hotline: 0983.970.780

Lối thoát nào cho cây mía Gia Lai? - [Bài 1] Những vụ 'mía đắng'

Thứ Năm 01/08/2019 , 08:53 (GMT+7)

Hai năm trở lại đây, người trồng mía đối mặt với những vụ mía "đắng chát”, khiến họ không còn đủ sức kiên nhẫn với loại cây trồng vốn ngọt ngào này nữa.

18-25-37_mi_vn_l_cy_trong_chu_luc_cu_tinh_t_trong_nhung_nm_toi_nhung_cn_co_gii_php_pht_trien_ben_vung
Người trồng không còn mặn mà với cây mía.

Nhiều năm qua, mía là cây trồng chủ lực của các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá đường, giá mía giảm mạnh cộng với sâu bệnh, hạn hán… khiến đời sống người trồng mía lao đao, và họ bắt đầu chuyển sang trồng các loại cây khác...
 

Một thời đã xa

Những ngày này, trong cái nắng oi ả của mùa mùa hè, chúng tôi tìm đến xã Ia Sol (huyện Phú Thiện) - vùng đất đầu tiên ở phía Đông Nam tỉnh Gia Lai bén duyên với cây mía. Dân thôn Thắng Lợi 4 chính là những người đi tiên phong mang cây mía về trồng từ những năm cuối thập niên 90. 

Là người từng 20 năm gắn bó với cây mía, lão nông Trần Văn Tạm (SN 1945) ở thôn Thắng Lợi 4, xã Ia Sol vẫn còn nhớ như in những vụ “mía ngọt”, từng đem lại cuộc sống sung túc cho gia đình mình. Trong ngôi nhà khang trang xây dựng cách đây hơn chục năm, ông Tạm không khỏi bùi ngùi. Ông kể, trước đây, mía chính là cây trồng chủ lực mang lại cuộc sống đầy đủ và sung túc. Khi ấy, hầu hết người dân trong thôn đều trồng mía, nhà ít thì vài ha, nhà nhiều trên chục ha.

Nhờ đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi nên cây mía phát triển rất tốt, năng suất trung bình đạt trên 80 tấn/ha cộng với giá mía cao nên đời sống người dân được nâng lên rõ rệt qua từng năm. Chỉ cần cắm đốt mía xuống là có lãi, vài năm là có tiền xây nhà. "Với hơn 5 ha mía, mỗi năm tôi lãi trên dưới 300 triệu đồng và chỉ sau 3 năm thì xây được ngôi nhà này", ông Tạm nhớ lại.

Tương tự, cây mía cũng cũng từng đem lại thu nhập ổn định cho nông dân huyện nghèo Kông Chro. Đời sống gia đình ông Nguyễn Văn Thanh (thôn 6, xã An Trung) đổi thay nhanh chóng từ khi trồng mía. Ông nói, mía là cây trồng chịu hạn tốt nên rất phù hợp với vùng đất hay bị khô hạn này. Thêm vào đó, đầu ra cũng ổn định hơn các cây trồng khác khi được NM đường An Khê ký hợp đồng đầu tư và thu mua. "Từ khi trồng mía, thu nhập rất ổn định. Với 6ha mía, mỗi năm tôi thu lãi trên 300 triệu đồng”, ông Thanh kể.

Tổng diện tích mía toàn tỉnh Gia Lai niên vụ mía 2017 - 2018 là hơn 42.000ha, vượt quy hoạch theo Quyết định số 681/QĐ-UBND ngày 7/10/2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến đến năm 2015, tầm nhìn 2020 là 25.000ha.

Diện tích mía tại các huyện phía Đông và Đông Nam của tỉnh không ngừng tăng mạnh qua các năm, vượt xa so với quy hoạch. Cụ thể, niên vụ mía 2017 - 2018, các địa phương có diện tích mía vượt cao so với quy hoạch như huyện Kông Chro 7.556/1.200ha, Kbang 10.668/7.610ha, Đak Pơ 8.399/6.270ha, TX An Khê 3.383/2.920ha, Phú Thiện 4.232/3.395ha...
 

Nông dân hết mặn mà

Cũng vì ồ ạt trồng mía không theo quy hoạch, không gắn với vùng nguyên liệu của các nhà máy đường cộng với giá đường xuống thấp đã khiến giá mía nguyên liệu liên tiếp giảm. Cụ thể, trong 2 niên vụ mía gần đây, giá mía giảm khá sâu, chỉ còn trên dưới 700.000 đồng/tấn 10 chữ đường, giảm từ 20 - 30% so với những niên vụ trước. Giờ không ít người đã không còn mặn mà với cây mía.

Gia đình bà Nguyễn Thị Bắc (thôn 1, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) từng ăn nên làm ra với cây mía khi sở hữu 15ha mía cùng 3 xe tải nhận thu mua, vận chuyển mía cho NM đường An Khê. Song, 3 năm trở lại đây, giá mía giảm sâu, thu không đủ bù đắp chi phí đầu tư nên bà Bắc đã chuyển hơn một nửa diện tích đất sang trồng các loại cây khác.

“Có một nghịch lý là, trong khi giá mía giảm mạnh thì chi phí phân bón, công chăm sóc, công thu hoạch... lại tăng dần, khiến người trồng mía rơi vào tình cảnh đã khó lại càng thêm khó. Dù gia đình tôi có xe vận chuyển nhưng thu vẫn không bù đắp chi phí, mỗi ha mía lỗ từ 2 - 5 triệu đồng. Để cắt lỗ và phân tán rủi ro, gia đình đã quyết định chuyển 7ha đất sang trồng các loại cây khác”, bà Bắc cho hay.

18-25-37_cn_trien_khi_cnh_dong_mi_lon_v_p_dung_co_gioi_ho_vo_sn_xut_o_tt_c_cc_khu_de_tng_nng_sut_gim_chi_phi
Cần triển khai cánh đồng mía lớn và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất ở tất cả các khâu nhằm tăng năng suất, giảm chi phí
Không những giá cả xuống thấp, nông dân còn đối mặt với tình trạng bệnh trắng lá mía có xu hương tăng mạnh. Cùng với đó là thực trạng thu mua mía của các nhà máy đường tồn tại nhiều bất cập cũng là nguyên nhân khiến người trồng mía không còn mặn mà và ồ ạt bỏ mía.

Anh Đinh Quốc Thủy (thôn Kim Năng, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa) đã quyết định chia tay cây mía trên 2ha đất rẫy. Nếu như năm đầu, với 2 ha mía, gia đình anh thu 150 tấn mía cây thì đến niên vụ 2018 - 2019, phần lớn mía nhiễm bệnh trắng lá mía nên chỉ thu được hơn 70 tấn, giảm hơn 1 nửa. Cộng với việc nhà máy đường ép giá, như muốn mía được chặt thì chủ đất phải “lót tiền” để các kiểm soát viên của nhà máy đường ưu tiên xếp lịch.

"Ngoài ra, giá cả thì người dân không được nắm rõ, phiếu tính tiền cũng không rõ ràng (ví dụ như bao nhiêu 1 kg mía, trừ bao nhiêu tạp chất, trừ bao nhiêu tiền công…). Nhà máy đường muốn trừ bao nhiêu là trừ nên chúng tối rất bức xúc. Do đó, tôi quyết định bỏ cây mía để chuyển sang cây trồng khác với hy vọng đem lại thu nhập ổn định hơn”, anh Thủy cho biết.

Đồng tình, ông Trần Văn Tạm cũng bức xúc với nhà máy đường. “Muốn có lịch chặt thì phải chạy theo o bế mấy tay kiểm soát viên, lái xe và phải “bồi dưỡng” cho họ mới được ưu tiên chặt trước. Cũng chính vì vậy mà việc phân chia lịch chặt không hợp lý, mùa khô thì chặt trên cao, còn mùa mưa thì chặt dưới thấp, thậm chí nhiều rẫy mía già trổ cờ, khô cháy mà vẫn không được chặt trước. Hầu như năm nào mía của gia đình tôi cũng bị cháy, gây thiệt hại lớn, rất bức xúc nên tôi đã chuyển đổi 4/5ha đất mía sang trồng cây khác”, ông Tạm nói.

Với những lý do bất hợp lý của nhà máy đường đưa ra, làm ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng mía, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai vào đầu tháng 3/2019, Bí thư Huyện ủy Kbang Trương Văn Đạt phát biểu, việc đo chữ đường của nhà máy đường có vấn đề. Ông đề nghị Sở NN- PTNT tỉnh Gia Lai cần kiểm tra, đánh giá lại, không thể trên cùng một ruộng mía 3ha mà có tới 3 chữ đường khác nhau như phản ánh của người dân trong các buổi tiếp xúc cử tri.

Việc giá mía giảm mạnh khiến nông dân không có lãi, thậm chí là lỗ. Điều này, khiến không ít người chán nản cây mía. Ngành nông nghiệp Gia Lai lại tiếp tục đối mặt với vòng luẩn quẩn “chặt trồng - trồng chặt” chưa bao giờ có hồi kết.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, tình trạng mía bị nhiễm bệnh trắng lá ngày càng gia tăng cả diện tích và số địa phương mắc. Cụ thể, năm 2017, diện tích nhiễm bệnh trắng lá mía toàn tỉnh là 836ha, trong đó chủ yếu ở các huyện phía Đông Nam như huyện Ia Pa (712,4ha); Phú Thiện (74,7ha); TX Ayun Pa (28ha). Đến cuối năm 2018, đã tăng lên hơn 2.000ha và đã lây lan ra toàn bộ các huyện, thị phía Đông và Đông Nam, trong đó, Ia Pa nhiều nhất với hơn 1.200ha, Phú Thiện gần 500ha, Đak Pơ gần 100ha, Kông Chro hơn 73ha...

 

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm