Lại một vụ mùa mía “đắng” cho người nông dân khi phải đối diện với điệp khúc “trồng - chặt”.
Nông dân thu hoạch mía với tâm trạng không vui |
Theo ông Lê Đình Nghiêm, Giám đốc Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An, huyện Vĩnh Cửu, hiện tại mía loại 10 chữ đường mua tại ruộng có giá 850 ngàn đồng/tấn, giảm khoảng 60 ngàn đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá mía giảm, giá nhân công tăng
Nguyên nhân giá mía giảm là do tình hình thị trường khó khăn, nhất là phải cạnh tranh với các loại đường ngoại nhập có chất lượng tốt và giá thành gần như tương đương. Hiện giá đường chỉ còn khoảng 13 ngàn đồng/kg, giảm 3 - 4 ngàn đồng so với cách đây vài tháng.
Ông Đoàn Văn Lợi, nông dân trồng mía ở xã Trị An chia sẻ: “Với điều kiện thời tiết như thời gian qua, năng suất mía năm nay đạt khá so với các năm. Tuy nhiên, trong khi giá mía năm ngoái từ 950 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/tấn, thì năm nay chỉ còn 850 ngàn đồng/tấn. Nếu trừ các chi phí thuê nhân công, chăm sóc, tiền thuê đất... thì gần như không có thu lời”.
Tương tự, nhiều nông dân trồng mía trên địa bàn các huyện Định Quán, Trảng Bom (Đồng Nai)... cũng đang lo lắng với giá mía như hiện nay, trong khi đang vào thu hoạch chính vụ.
Xã Hưng Thịnh là một trong những địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất của huyện Trảng Bom với khoảng 800ha. Đến thời điểm này, toàn xã đã thu hoạch được khoảng 20% diện tích. Tuy nhiên, giá mía nguyên liệu mua tại ruộng dao động từ 850 - 900 ngàn đồng/tấn với loại 10 chữ đường, thấp hơn khoảng 50 ngàn đồng/tấn so với niên vụ trước.
Với gần 3ha mía trong vụ mía này, gia đình bà Nguyễn Thị Thảo (xã Hưng Thịnh) đứng ngồi không yên vì giá mía năm nay không chỉ thấp mà năng suất cũng chẳng khá hơn so với những năm trước khi chỉ đạt khoảng 65 - 70 tấn/ha.
Bà Thảo cho biết nếu như niên vụ trước sau khi trừ các chi phí, gia đình bà thu lãi 15 triệu đồng/ha, thì năm nay với giá mía ở mức như hiện tại, gia đình bà đứng trước nguy cơ thua lỗ. Hơn thế nữa, giá thuê lao động thu hoạch mía ngày càng tăng cũng gây ra không ít khó khăn cho nhà vườn.
“Công chặt mía năm trước khoảng 160 ngàn đồng/tấn song năm nay tăng lên gần 200 ngàn đồng/tấn khiến các hộ trồng mía càng khó khăn hơn”, bà Thảo nói.
Chuyển đổi cây trồng
Nhiều năm qua, giá mía còn bấp bênh và thời tiết không thuận lợi gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mía. Do đó, nhiều người trồng không còn mặn mà đối với việc đầu tư tái sản xuất cho niên vụ mới. Một số nông dân chuyển đổi qua các loại cây trồng khác như thanh long, bưởi, ổi... cho thu nhập cao hơn.
Ông Đoàn Văn Lợi ngậm ngùi nói: “Năm trước tôi trồng 7ha mía, năm nay còn 5ha theo mô hình cánh đồng lớn. Tuy nhiên, với giá mía như hiện nay thì tôi rất lo, nếu tình hình không khả quan hơn thì tôi sẽ bỏ mía để chuyển sang trồng cây khác”.
Diện tích trồng mía trên địa bàn huyện Trảng Bom đã giảm nhiều trong 2 năm trở lại đây. Bà Đinh Thị Kim Liễu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Thịnh cho biết: “Những năm gần đây diện tích trồng mía bị thu hẹp so với trước. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ có kế hoạch phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân ổn định cây trồng, khuyến cáo không nên chuyển đổi cây mía một cách ồ ạt, tự phát”.
Ông Lê Đình Nghiêm cho biết, công suất ép mía của Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An là 2,5 ngàn tấn/ngày, nhưng hiện chỉ đạt đạt 2 ngàn tấn/ngày. “Nông dân nên phân bố diện tích, thời gian trồng mía phù hợp, hạn chế tình trạng lượng mía vào chính vụ đổ về quá nhiều và tập trung cùng lúc. Nhiều nông dân do lo ngại giá mía xuống thấp hơn nên đã chặt sớm, làm giảm chữ đường, dẫn đến chất lượng đường giảm, giá thành vì thế cũng giảm theo”, ông Nghiêm khuyến cáo.
Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng những vùng chuyên canh cây mía với diện tích lớn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, lắp đặt hệ thống tưới tự động, đưa máy móc từ khâu trồng đến thu hoạch... cần được đẩy mạnh, thực hiện theo lộ trình phù hợp để nâng cao chất lượng, ngày càng tăng sức cạnh tranh của mía đường trong nước với các sản phẩm ngoại nhập.