Nông dân không mặn mà với cây mía
Vụ ép năm 2018-2019 việc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương thu mua mía nguyên liệu giảm từ 900 đồng/kg xuống còn 800 đồng/kg khiến không ít người trồng mía ở Tuyên Quang có tâm lý muốn phá bỏ mía để trồng cây trồng khác.
Giá mía còn 800 đồng/kg khiến người dân ở Tuyên Quang không còn mặn mà với cây mía |
Thôn Kho 9, xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương có khoảng 22 ha mía nguyên liệu. Nhiều năm nay, người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào cây mía. Trung bình mỗi nhà cho thu hoạch khoảng 10 tấn mía/vụ, cá biệt có nhà 100 tấn/vụ. Nhưng vụ năm nay, Công ty mía thu mua 800 đồng/kg, trừ chi phí người dân có lãi rất ít. Đến vụ thu hoạch, người dân không dám thuê nhân công chặt, bốc vác mà phải huy động lực lượng trong gia đình mong lấy công làm lãi.
Chị Nguyễn Thị Lan, thôn Kho 9, xã Hồng Lạc cho biết, gia đình chị có 0,7 ha mía. Với giá mía như năm nay, trừ những diện tích mới trồng gia đình tiếc công sức và tiền của bỏ ra sẽ không phá, nhưng diện tích trồng 3 năm trở đi sẽ phá bỏ để trồng các cây trồng khác.
Xã Phú Lương được xem là địa phương có vùng mía nguyên liệu lớn nhất của huyện Sơn Dương. Nhưng diện tích mía không ngừng giảm theo từng năm. Tổng diện tích mía nguyên liệu của xã hiện nay là 70,65 ha. Nếu tiếp tục tình trạng như hiện nay, vụ ép năm 2019-2020 diện tích mía trên địa bàn có thể giảm hơn 20 ha.
Ông Lý Văn Hoa, Chủ tịch UBND xã Phú Lương cho biết, mía hiệu quả kinh tế thấp khiến nhiều hộ dân không mặn mà việc trồng và chăm sóc. Nhiều hộ đã bỏ mía để trồng các cây trồng khác như cây rừng, cây dược liệu, cây ăn quả… Việc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương thu mua giá mía thấp, 100 đồng/kg như vụ năm nay thì công ty cần có thông báo và thỏa thuận với người dân để họ đồng thuận và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp. Nếu không sẽ rất khó cho việc duy trì vùng nguyên liệu trong dân.
Đến thời điểm này, lượng đường tồn kho của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương là hơn 13.500 tấn |
Tính đến cuối tháng 2, tỉnh Tuyên Quang đã thu hoạch 4.300 ha mía nguyên liệu, tổng sản lượng đạt 258.000 tấn, bằng 55% tổng diện tích vùng nguyên liệu, nhưng số tiền thanh toán cho dân chỉ đạt khoảng 30 đến 40%.
Khó khăn nối tiếp khó khăn
Trao đổi với PV Báo NNVN, ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, đầu vụ công ty ký hợp đồng với các hộ dân là thu mua 900 đồng/kg mía. Tuy nhiên, đến vụ thu hoạch công ty chỉ mua với giá 800 đồng/kg.
Lý giải về thực trạng này ông Thành cho hay, tình trạng nhập lậu và việc bán phá giá của đường Thái Lan khiến đường trong nước khó cạnh tranh càng làm cho việc tiêu thụ đường gặp khó khăn. Đến thời điểm này giá bán đường của công ty là 10.400 đồng/kg, bao gồm cả thuế. Dù giá đường bán ra giảm nhưng đường vẫn không bán được. Đến nay, tổng sản lượng đường tồn kho của công ty là 13.500 tấn.
Vụ ép năm 2017-2018, công ty đã lỗ khoảng 40 tỷ, năm 2018-2019 nếu tiếp tục duy trì mức giá thu mua 900 đồng/kg, thì công ty sẽ lỗ khoảng 90 tỷ đồng. Để giải bài toán về vấn đề vốn, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đã trình hạn mức với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh nhưng việc cấp vay vốn cũng gặp không ít những khó khăn. Vì vậy mía thu hoạch xong nhưng vẫn chưa có kinh phí để trả cho người dân. Đến thời điểm này công ty còn nợ dân khoảng 80 tỷ đồng, trên tổng sản lượng đã thu hoạch.
Khu tập kết mía nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương |
Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tuyên Quang cho biết, địa phương xác định mía là cây trồng chủ lực nhưng hiện gặp nhiều vướng mắc về đầu ra. Trước những khó khăn của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; đề nghị các ngân hàng trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi để công ty tiếp cận với các nguồn vốn vay để có kinh phí trả cho các hộ gia đình; bàn giải pháp để tiêu thụ sản phẩm; tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc để nâng cao năng suất, sản lượng mía. Sở cũng đề nghị công ty thu mua kịp thời những diện tích đã trồng trong năm 2018 và triển khai các giải pháp trồng mới theo kế hoạch năm 2019.
Đến tháng 3/2019, vụ ép mía 2018-2019 sẽ kết thúc. Vụ ép 2019-2020, tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu duy trì hơn 8.000 ha mía nguyên liệu. Nhưng trước khó khăn mà ngành mía đường của tỉnh này đang gặp phải thì việc thực hiện mục tiêu này thực sự là thách thức lớn. |