| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 21/10/2019 , 08:44 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 08:44 - 21/10/2019

Lời xin lỗi, sao mà khó thế

Ở các nước khác, gặp trường hợp như sự cố nước Sông Đà ở Hà Nội chẳng hạn, thì việc đầu tiên của người đứng đầu là công khai xin lỗi người dân thủ đô, và tiếp theo là từ chức.

Sự cố nguồn nước Sông Đà bị ô nhiễm do dầu thải.

Còn ở ta, sự cố nước do công ty nước sạch Sông Đà gây ra đã cả tuần rồi. Hơn 300.000 hộ dân, tương đương với trên 1 triệu nhân khẩu thuộc 6 quận và 4 huyện, vừa trải qua một cơn “loạn nước” chưa từng có trong lịch sử. Đến nay, dù nước đã được cấp lại, nhưng theo khuyến cáo của UBND thành phố Hà Nội, người dân cũng chỉ dám dùng nước này để tắm giặt, còn ăn uống thì vẫn phải sôi lên để đi lùng nước đóng chai.

Ấy vậy mà khi được báo chí hỏi liệu có xin lỗi người dân hay không, thì ông Nguyễn Đăng Khoa, phó giám đốc nhà máy nước sạch Sông Đà, vẫn lắc đầu “Còn phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng cái đã”. Còn ông Nguyễn Văn Tốn, chỉ sau khi bị báo chí dồn hỏi, mới buông thõng một câu “vâng, thì xin lỗi” đầy gượng gạo.

Còn chờ kết luận cái gì nữa? Tất cả đã rõ ràng trong thông báo của UBND thành phố Hà Nội: Nước của nhà máy nước sạch Sông Đà đã bị nhiễm bẩn, không thể dùng trong sinh hoạt được. Qua lời của ông phó giám đốc nhà máy nước sạch Sông Đà, dư luận hiểu điều ông muốn nói, rằng tuy các ông là chủ nhà máy, là người cung cấp thứ nước được gọi là “sạch” đấy. Nhưng thằng nào làm bẩn nước thì thằng đó phải chịu trách nhiệm. Các ông chỉ việc bơm cái thứ nước đã bị “thằng nào đó” làm bẩn lên để bán cho dân Thủ đô. Thế thôi.

Thật là đầy bản lĩnh, thứ bản lĩnh trong thế giới “mặt dầy”. Khách hàng của các ông, những người dân thủ đô, là những người đã bỏ tiền ra mua nước sạch, họ không cần biết đến cái “thằng nào đó” đã làm bẩn nước. Đó là việc của các ông với cơ quan công an. Họ không nghe các ông thanh minh thanh nga, đổ lỗi cho người này người nọ, nguyên nhân này nguyên nhân nọ. Họ chỉ cần biết các ông là người cung cấp nước, các ông cam kết nước của các ông là nước sạch, có thể sử dụng cho từ tắm giặt đến ăn uống. Nhưng nay nước đó không dùng được, thì các ông phải chịu trách nhiệm, thế thôi.

Những lời đổ lỗi và từ chối xin lỗi của hai ông chánh, phó giám đốc Công ty nước sạch Sông Đà chứng tỏ các ông chẳng coi khách hàng ra cái gì cả. Mà không chỉ có hai ông, nhìn rộng ra, mới hay lời xin lỗi của các quan chức ở ta sao mà hiếm hoi vô cùng. Mỗi khi các “quan” gây nên một sự cố nào đó làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân, khiến dư luận dậy sóng, thì y như rằng “bài ca đổ lỗi” lại cất lên, nào là tại “cậu đánh máy”, nào là cấp dưới nghe không rõ, không hiểu ý các ông nên thực hiện sai... Vân vân và... vân vân.

Trong khi ở các nước khác, người lãnh đạo luôn luôn cái điệp khúc “lỗi tại tôi”, thì ở ta, chỉ nhân dân và người tiêu dùng là có lỗi.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm