Hiện tượng lợn bị bệnh chết bắt đầu xảy ra ở thôn Nà Coóc, xã Trần Phú (huyện Na Rì) từ ngày 5/7 đến ngày 25/7, tổng số lợn bị chết khoảng 100 con.
Theo chính quyền xã Trần Phú, thời điểm đó, người dân có lợn bị chết không báo cáo thôn và chính quyền địa phương. Do người dân không báo cáo nên địa phương cũng không nắm được số lợn chết này đã mang đi đâu, tiêu hủy như thế nào.
Sau đó, từ ngày 26/7 đến nay, tại các thôn Nà Coóc, Khuổi Mý, Phiêng Pụt, Nà Đấu và Khuổi Khiếu (xã Trần Phú) tiếp tục có thêm 25 con lợn bị chết. Ngoài ra, một số con lợn thuộc các dự án hỗ trợ tại xã Trần Phú cũng bị chết do dịch bệnh.
Trong đó, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững của xã Trần Phú có 4/171 con lợn cấp cho 36 hộ bị chết vì dịch bệnh. Dự án liên kết chăn nuôi lợn nái Móng Cái sinh sản gắn với tiêu thụ sản phẩm đã có 2/126 con lợn cấp cho các hộ cũng bị chết.
Trước tình hình lợn bị chết ngày càng nhiều, chính quyền địa phương phối hợp với ngành thú y lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. Đến ngày 30/7, kết quả xét nghiệm xác định mẫu lợn chết dương tính với dịch tả lợn Châu Phi. Ngày 31/7, huyện Na Rì đã công bố bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Trần Phú.
Ông Lương Thanh Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết, đối với vùng dịch tập trung lực lượng tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng 1 lần/ngày, 1 lần/tuần tại các xã bị uy hiếp (gồm xã Quang Phong, Dương Sơn, Cư Lễ, Văn Minh).
Trước mắt, do các thôn vùng dịch chỉ có đường độc đạo nên xã đã thành lập chốt khử khuẩn, trường hợp dịch tiếp tục lan rộng huyện sẽ thành lập các chốt kiểm dịch liên ngành. Huyện cũng đã huy động thêm nguồn nhân lực hỗ trợ xã có dịch, trường hợp cần thiết sẽ điều động thêm lực lượng dự bị để phòng, chống dịch.
Đến này 2/8, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Na Rì chỉ còn 168 lít thuốc tiêu độc khử trùng, không đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Huyện Na Rì đã đề nghị tỉnh hỗ trợ thuốc tiêu độc khử trùng.
Trong ngày 3/8, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã điều chuyển khẩn cấp 500 lít thuốc tiêu độc khử trùng từ huyện Chợ Mới và Pác Nặm sang cho huyện Na Rì chống dịch.
Ông Đỗ Xuân Việt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn khuyến cáo, các hộ chăn nuôi cần nâng cao ý thức phòng dịch, không giấu dịch, chủ động khử khuẩn, cách ly đàn vật nuôi với những động vật trung gian lây truyền bệnh.
Hiện, một số tỉnh giáp ranh với Bắc Kạn cũng đã có dịch tả lợn Châu Phi nên các huyện, thành phố cần tăng cường các giải pháp phòng chống dịch. Đặc biệt khi triển khai các dự án hỗ trợ, liên kết chăn nuôi lợn các chủ đầu tư phải đôn đốc các hộ cá nhân, các hợp tác xã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh.
Trước đó, tháng 3/2019, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện ở 703 thôn, bản thuộc 116 xã, phường, thị trấn của tỉnh Bắc Kạn. Dịch xuất hiện trên đàn lợn của gần 4.300 hộ dân, số lượng lợn phải tiêu hủy là hơn 27 nghìn con, tương đương 1.200 tấn, gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi. Năm 2022, dịch bệnh này tiếp tục tái bùng phát tại địa phương này cũng gây nhiều thiệt hại.
Hiện, tổng đàn lợn của tỉnh Bắc Kạn khoảng 165 nghìn con, ngoài một số trang trại lớn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, chăn nuôi lợn chủ yếu quy mô nhỏ, hộ gia đình. Do chăn nuôi nhỏ lẻ nên công tác phòng dịch gặp rất nhiều khó khăn, người chăn nuôi nhỏ lẻ thiếu kiến thức phòng bệnh cho đàn vật nuôi, khi xảy ra dịch rất dễ lây lan ra diện rộng.