Việt Nam sẽ xuất khẩu 2 triệu liều vacxin dịch tả lợn Châu Phi. Đắk Lắk đề nghị kiểm dịch thực vật tại chỗ cho sầu riêng. Thanh Hóa: Hơn 700 nhà đất dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính. Đồng Nai kiên quyết di dời 3.000 trang trại heo gây ô nhiễm.
VIỆT NAM SẼ XUẤT KHẨU 2 TRIỆU LIỀU VACCINE DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI
Thời gian qua, Philippines đã nhập khẩu 300.000 liều vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi của Việt Nam và đang sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y(Bộ NN-PTNT) thông tin, từ nay đến tháng 10, Việt Nam sẽ xuất khẩu 2 triệu liều vaccine cho Philippines và Indonesia. Còn trong nước, các doanh nghiệp sản xuất vaccine cũng đang phối hợp với địa phương triển khai tiêm phòng cho các đàn lợn. Không chỉ hộ chăn nuôi, trang trại, doanh nghiệp cũng đã và đang sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi.
Trước đó, sau khi sử dụng 600.000 liều vaccine với sự giám sát của Cục Thú y tại hơn 40 tỉnh, thành phố, cho kết quả an toàn, hiệu quả, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng.
ĐẮK LẮK ĐỀ NGHỊ KIỂM DỊCH THỰC VẬT TẠI CHỖ CHO SẦU RIÊNG
Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật đề nghị hỗ trợ, kiểm dịch thực vật sầu riêng tại địa phương niên vụ 2023.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, đến nay sầu riêng các tỉnh đã sắp hết vụ thu hoạch, chỉ còn sầu riêng Đắk Lắk. Do vậy, việc tổ chức kiểm dịch thực vật cho sầu riêng xuất khẩu của tỉnh là hợp lý. Việc này sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc các lô hàng, ngăn ngừa tình trạng gian lận sử dụng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói.
Ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đề nghị Cục Bảo vệ thực vật giao đơn vị trực thuộc Cục làm đầu mối, cử cán bộ, bố trí trang thiết bị chuyên ngành tổ chức kiểm dịch và làm thủ tục kiểm dịch tại địa phương.
Thanh Hóa: Hơn 700 nhà đất dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính
Quốc Toản sx
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 700 cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước dôi dư sau khi sáp nhập đơn vị hành chính. Trong đó, nhiều công trình còn giá trị trị sử dụng, hoặc còn khả năng sửa chữa cải tạo để sử dụng. Việc tài sản công bị bỏ hoang và dôi dư sau sáp nhập gây lãng phí lớn nguồn lực đầu tư và nguồn lực đất đai.
Trước thực tế trên, một số địa phương đã có văn bản gửi Sở Tài chính Thanh Hóa về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất; có hình thức thu hồi để thanh lý tài sản; thực hiện xây dựng dự án hạ tầng khu dân cư, các công trình công cộng.
Đồng Nai kiên quyết di dời 3.000 trang trại heo gây ô nhiễm
(Lê Bình - Minh Sáng)
Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2023, ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Toàn tỉnh có hơn 3.000 trang trại chăn nuôi heo buộc phải di dời hoặc thu hồi giấy phép. UBND tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ kiên quyết đình chỉ các trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, di dời cơ sở không đúng quy hoạch. Tỉnh cũng sẽ có những hỗ trợ để các trang trại này di dời hoặc chuyển đổi phù hợp.