Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 4809/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đồng ý về chủ trương xây dựng Nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật và giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ trong Quý 4/2024.
Trong quá trình xây dựng Nghị định cần xác định rõ phạm vi của Nghị định, nội dung các chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật, đảm bảo đúng quy định pháp luật, không trùng lặp, chồng chéo với các chính sách hiện hành, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực.
Theo Bộ NN-PTNT, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, được người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, doanh nghiệp, cơ quan chuyên ngành thú y và chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm, thường xuyên có văn bản kiến nghị các Bộ và Chính phủ sớm ban hành.
Để bảo đảm xây dựng thành công dự thảo Nghị định, sát thực tiễn, trình ban hành đúng hạn và tuân thủ đúng quy định của Luật Banh hành văn bản quy phạm pháp luật, ngày 27/7, Bộ NN-PTNT có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp tổ chức họp với các cơ quan, chính quyền các cấp của địa phương để đánh giá cụ thể kết quả tổ chức thực hiện, những thuận lợi, khó khăn đã và đang gặp phải.
Từ đó, các địa phương đề xuất cụ thể các nội dung về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh tại các văn bản đã ban hành. Đó là Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008.
Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh (nội dung hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật).
Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ, trong đó quy định UBND cấp tỉnh sử dụng dự phòng ngân sách của địa phương và nguồn kinh phí hợp pháp khác hỗ trợ cho chủ vật nuôi có lợn mắc bệnh, lợn nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi buộc phải tiêu hủy.
Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18/6/2019 của Chính phủ về việc triển khai một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Quyết định 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Quyết định 2254/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi năm 2020.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND cấp tỉnh có văn bản (không ủy quyền cho Sở NN-PTNT) đề xuất cụ thể cơ chế, chính sách phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.
Cụ thể, đối tượng hỗ trợ là các cơ sở chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản, hộ chăn nuôi nông hộ, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, các cơ quan, đơn vị (bao gồm các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang) có hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do dịch bệnh động vật.
Các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh động vật. Người tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.
Đồng thời, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND cấp tỉnh có văn bản đề xuất cụ thể về điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ cho chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, đề xuất cụ thể mức hỗ trợ cho từng đối tượng động vật, mức hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh. Cần nêu cụ thể mức hỗ trợ cho từng đối tượng: người được hưởng lương, phụ cấp từ nguồn ngân sách nhà nước, người không hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước.
UBND cấp tỉnh cũng cần có văn bản đề xuất cụ thể về nguồn lực, cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, địa phương. Trình tự, thủ tục hỗ trợ, thời gian thực hiện hỗ trợ và những vấn đề khác liên quan đến hỗ phòng, chống dịch bệnh động vật trong thời gian tới.
Trước đó, UBND TP Hà Nội và một số địa phương có văn bản gửi Bộ NN-PTNT, Chính phủ đề nghị ban hành Nghị định thay thế Nghị định hỗ trợ tiêu hủy lợn bị nhiễm dịch tả heo Châu Phi hết hiệu lực từ 31/12/2020 hoặc cho áp dụng quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.