| Hotline: 0983.970.780

Lợn thịt Thái Lan nhập về chắc chắn rẻ hơn trong nước

Thứ Năm 11/06/2020 , 19:11 (GMT+7)

Trước mắt, đã có 8 doanh nghiệp Thái Lan (với tổng đàn khoảng 5 triệu con) đủ điều kiện được phép xuất khẩu lợn thịt sang Việt Nam để giết mổ.

Thái Lan rất quan tâm xuất khẩu lợn sống sang Việt Nam

Ngày 11/6, Bộ NN-PTNT đã có văn bản đồng ý với đề xuất của Cục Thú y về việc cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi/giết mổ làm thực phẩm kể từ ngày 12/6/2020.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (đứng) thông tin với báo chí về các vấn đề liên quan tới việc triển khai nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam. Ảnh: Lê Bền.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (đứng) thông tin với báo chí về các vấn đề liên quan tới việc triển khai nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam. Ảnh: Lê Bền.

Chiều 11/6, Bộ NN-PTNT cũng đã tổ chức cuộc họp trả lời các cơ quan báo chí về các vấn đề liên quan tới việc triển khai nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc nhập khẩu 100 nghìn tấn thịt lợn nhằm đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong nước, từ đầu năm 2020 đến nay, nước ta đã triển khai nhập khẩu được trên 70 nghìn tấn thịt lợn.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu thịt lợn cũng gặp nhiều khó khăn như các thị trường ở xa, chi phí nhập khẩu lớn, thuế nhập khẩu cao, các doanh nghiệp nhập khẩu khó khăn về tín dụng, vốn...

Cùng với đó, nguồn hàng nhập khẩu cũng khan hiếm, việc nhập khẩu phải cạnh tranh với nhiều khách hàng khác, nhất là khách hàng Trung Quốc. Bên cạnh đó, do các thị trường nhập khẩu ở xa, phải nhập khẩu thịt đông lạnh, nên không phù hợp với thị hiếu tiêu dùng thịt lợn của người tiêu dùng Việt Nam...

Căn cứ theo nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam cũng như được sự đồng ý của Chính phủ, từ cuối năm 2019, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y nghiên cứu, xem xét để nhập khẩu lợn sống (gồm lợn giống và lợn thịt để nuôi và giết mổ) từ các nước lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan về Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước.

Lô lợn giống đầu tiên nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam hôm 13/5/2020. Ảnh: VG.

Lô lợn giống đầu tiên nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam hôm 13/5/2020. Ảnh: VG.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết qua việc trao đổi, đề nghị cung cấp các tài liệu đánh giá nguy cơ rủi ro nhập khẩu lợn sống với cơ quan chức năng các nước trên, cho thấy Thái Lan là nước rất quan tâm đến việc xuất khẩu lợn sống vào Việt Nam.

Thời gian qua, phía Thái Lan cũng đã cung cấp đầy đủ cho Cục Thú y các hồ sơ, tài liệu liên quan để tổ chức đánh giá rủi ro đối với việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan sang Việt Nam. Trong bối cảnh dịch Covid-19 không thể tổ chức làm việc trực tiếp, Cục Thú y và Tổng cục Phát triển chăn nuôi Thái Lan cũng đã tổ chức làm việc trực tuyến, qua đó hai bên đã thống nhất được về các điều kiện, yêu cầu đảm bảo vệ sinh thú y và thủ tục kiểm dịch để nhập khẩu lợn sống (là lợn thịt để giết mổ hoặc để nuôi).

Cục Thú y cũng đã tham khảo, đối chiếu với Tổ chức Thú y thế giới (OIE) về các điều kiện, năng lực đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi của Thái Lan. Qua đó cho thấy, Thái Lan là quốc gia chăn nuôi phát triển, có hệ thống thú y xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, có nguồn lực rất lớn để tổ chức thực hiện các công tác về thú y, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Hiện nay, Thái Lan là một trong 6 quốc gia đã được OIE công nhận về chương trình quốc gia kiểm soát bệnh lở mồm long móng trên gia súc. Qua đàm phán, kiểm tra, Thái Lan đã đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu nhằm đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y nhằm xuất  khẩu lợn sống sang Việt Nam.

Cũng theo Cục Thú y, hiện nay, Việt Nam cũng đã chấp nhận và triển khai nhập khẩu lợn giống (cụ kị, ông bà, bố mẹ) về nước. Theo đó, các lô lợn giống nhập khẩu về đều đã đảm bảo an toàn dịch bệnh...

Theo Cục Thú y, việc nhập khẩu lợn sống thời gian tới từ Thái Lan về Việt Nam sẽ được Cục Thú y và cơ quan liên quan triển khai thẩm định, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đảm bảo các điều kiện theo quy định của Luật Thú y.

Cụ thể, các trang trại có lợn sống xuất sang Việt Nam phải được cơ quan có thẩm quyền của Thái Lan tổ chức kiểm tra, xác nhận và đăng ký xuất khẩu với cơ quan thú y của Việt Nam.

Các doanh nghiệp xuất khẩu của Thái Lan phải có xe vận chuyển lợn chuyên dụng, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y, phúc lợi động vật, phải có cơ sở nuôi cách ly kiểm dịch ở phía Việt Nam đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

Các cơ sở nuôi cách ly kiểm dịch này phải được cơ quan thú y Việt Nam tổ chức thẩm định, kiểm tra, xét nghiệm đảm bảo các yêu cầu các chỉ tiêu theo quy định trong thời gian nuôi cách ly trước khi đưa đàn lợn sống đi giêt mổ hoặc về cơ sở nuôi...

Tiếp tục tăng cường nhập khẩu lợn giống

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đến thời điểm này, đã có 8 doanh nghiệp của Thái Lan đáp ứng được đầy đủ các điều kiện của hai nước đã được phía Thái Lan đăng ký để triển khai xuất khẩu lợn sống sang Việt Nam trong thời gian tới. Tổng đàn lợn của 8 doanh nghiệp này của Thái Lan hiện tại khoảng 5 triệu con.

Bộ NN-PTNT cho biết trên cơ sở nhu cầu của các doanh nghiệp hai nước, sẽ đề nghị tiếp tục cập nhật thêm các doanh nghiệp của Thái Lan nếu có nhu cầu xuất khẩu lợn sống sang Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh tăng cường nhập khẩu thịt lợn, tái đàn lợn vẫn đang là giải pháp căn cơ đang được Bộ NN-PTNT quyết liệt triển khai. Trong ảnh: Lãnh đạo Bộ NN-PTNT kiểm tra công tác tái đàn lợn tại Phú Thọ. Ảnh: Lê Bền.

Bên cạnh tăng cường nhập khẩu thịt lợn, tái đàn lợn vẫn đang là giải pháp căn cơ đang được Bộ NN-PTNT quyết liệt triển khai. Trong ảnh: Lãnh đạo Bộ NN-PTNT kiểm tra công tác tái đàn lợn tại Phú Thọ. Ảnh: Lê Bền.

Về vấn đề giá lợn thịt của Thái Lan khi nhập khẩu sang Việt Nam, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tuy nhiên thời điểm này, giá lợn hơi của Thái Lan khi xuất khẩu sang Việt Nam chắc chắn sẽ rẻ hơn giá lợn hơi tại thị trường Việt Nam hiện nay.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, bên cạnh việc nhập khẩu thịt lợn, giải pháp căn cốt và bền vững nhất hiện nay vẫn là tăng cường tái đàn lợn trong nước.

Theo báo cáo của 63 tỉnh thành, đến cuối tháng 5/2020, tổng đàn lợn cả nước đã đạt 24,89 triệu con, bằng 80,3% so với thời điểm 31/12/2018, lúc đàn lợn ở mức cao ổn định. Tốc độ tái đàn lợn thời gian qua vẫn diễn ra nhanh và thuận lợi. Cụ thể, tốc độ tăng đàn lợn cả nước trong 5 tháng đầu năm 2020 bình quân đạt 5,78%/tháng.

Để tăng cường nguồn giống phục vụ tái đàn, từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã nhập trên trên 3.000 lợn bố mẹ và các doanh nghiệp hiện vẫn đang tiếp tục tăng cường nhập khẩu. Dự kiến trong năm 2020, cả nước sẽ nhập khoảng 100 nghìn con lợn bố mẹ. Với tốc độ này, nguồn lợn giống trong năm 2020 sẽ căn bản đảm bảo nhu cầu.

Những ngày gần đây, giá lợn hơi trong nước đang có xu hướng giảm nhẹ, có ngày một số nơi giảm từ 5-10 nghìn đồng/kg, tuy nhiên vẫn đang ở mức rất cao. Cụ thể tại các tỉnh phía Bắc, giá lợn hơi đến ngày hôm qua (11/6) vẫn đang dao động ở mức phổ biến xung quanh 92-95 nghìn đồng/kg.

Tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, giá lợn hơi phổ biến có xu hướng giảm thêm từ 1.000 - 4.000 đ/kg, còn 85.000 - 89.000 đ/kg.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.