| Hotline: 0983.970.780

Long An dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Sáu 01/11/2024 , 09:49 (GMT+7)

Long An Dân vận khéo là một trong nhiều giải pháp góp phần vào thành công cách làm xây dựng nông thôn mới ở Long An.

Nhiều mô hình dân vận khéo ra đời đã giúp cho các địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM, giúp cho nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn thêm động lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống trở thành hộ khá và giàu.

Về xã biên giới Khánh Hưng (Vĩnh Hưng, Long An) sau 13 năm bắt tay xây dựng NTM, từ một xã nghèo đã vươn lên xã NTM nâng cao. Ông Huỳnh Văn Trúc Nhơn, Phó bí thư Đảng ủy xã Khánh Hưng cho biết, để đạt được các tiêu chí trong xây dựng NTM thì công tác dân vận đóng vai trò chủ đạo trong quá trình triển khai thực hiện. Cách làm của địa phương là mỗi tiêu chí trong xây dựng NTM xây dựng một mô hình dân vận khéo.

Rõ nét nhất là mô hình khéo vận động Nhân dân hiến đất, đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Qua 13 năm qua bắt tay xây dựng NTM, xã đã huy động nhân dân hiến đất xây dựng các công trình như giao thông, thủy lợi, bê tông vỉa hè cụm, tuyến dân cư… với tổng số tiền trên 57 tỷ đồng.

Mô hình khéo vận động Nhân dân tham gia liên kết sản xuất đã làm thay đổi nhận thức của người dân về liên kết, hợp tác trong sản xuất mang lại thu nhập cao trong từng nông hộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động, ổn định xã hội, tạo sự đoàn kết gắn bó, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư.

Sau 13 năm xây dựng NTM, xã biên giới Khánh Hưng (Vĩnh Hưng, Long An) đang dần về đích NTM kiểu mẫu. Ảnh: Thanh Phong.

Sau 13 năm xây dựng NTM, xã biên giới Khánh Hưng (Vĩnh Hưng, Long An) đang dần về đích NTM kiểu mẫu. Ảnh: Thanh Phong.

Toàn xã Khánh Hưng hiện có 22 tổ liên kết sản xuất tại 17 tiểu vùng, HTX Nông nghiệp Hưng Phú và HTX nông nghiệp công nghệ cao Khánh Hưng liên kết bao tiêu vật tư đầu vào và đầu ra cho sản phẩm trên 550 ha/vụ; toàn xã có 1.380ha/4.390 ha diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân.

Để tiến lên xã NTM nâng cao, địa phương đang thực hiện mô hình “sáng xanh, sạch, đẹp thanh bình”. Để thực hiện đạt tiêu chí này thì sự kiên trì khéo vận động Nhân dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường của các tổ chức, cá nhân, mà nòng cốt là MTTQVN- các đoàn thể và chi Hội phụ nữ các ấp đã góp phần cho xã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ. Cảnh quan của xã ngày một xanh, sạch đẹp góp phần đạt chuẩn tiêu chí môi trường theo tiêu chí NTM nâng cao.

Ông Huỳnh Văn Trúc Nhơn, Phó bí thư Đảng ủy xã Khánh Hưng cho biết thêm, qua 13 năm bắt tay xây dựng NTM, xã đã thành lập được 11 mô hình dân vận khéo. Tất cả các mô hình dân vận khéo đã và đang đưa làng quê Khánh Hưng ngày thêm mới để về đích NTM nâng cao và tiến tới NTM kiểu mẫu.

Trong xây dựng NTM, tiêu chí xóa đói giảm nghèo bền vững đang được các cấp, các ngành tập trung thực hiện. Mô hình “Quỹ góp vốn xoay vòng” ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Hưng, Long An) là một minh chứng. Năm 2019, Hội Cựu chiến binh xã vận động 12 hội viên thành lập quỹ góp vốn xoay vòng, với tổng số tiền 20 triệu đồng. Khi đó, hội xét cho gia đình bà Lương Thị Mơ, ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Thuận vay 18 triệu đồng, lãi suất 0,3%/tháng để phát triển kinh tế nông hộ. Vay được vốn gia đình dành 5 triệu đồng mua máy xới đất để trồng 300 mét vuông rau các loại, phần còn lại trả tiền mướn ruộng trồng lúa.

Bà Lương Thị Mơ chia sẻ, năm 1995 gia đình di dân từ Bắc vào Nam với hai bàn tay trắng. Mấy chục năm mưu sinh trên trên khu vực giới Long An vẫn không thoát cảnh nghèo. Từ đồng sinh kế của “Quỹ góp vốn xoay vòng” gia đình thu nhập ổn định khoảng 300.000 đồng/ngày từ việc trồng rau, cộng với tiền lãi trồng lúa đã nuôi được nuôi 2 con học đại học ra trường có việc làm ổn định. Nhờ nguồn vốn này đã giúp gia đình thoát nghèo bền vững.

Gia đình bà Lương Thị Mơ, ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Hưng, Long An) thoát nghèo bền vững nhờ đồng vốn 'Quỹ xoay vòng' trong xây dựng NTM. Ảnh: Thanh Phong.

Gia đình bà Lương Thị Mơ, ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Hưng, Long An) thoát nghèo bền vững nhờ đồng vốn “Quỹ xoay vòng” trong xây dựng NTM. Ảnh: Thanh Phong.

Gia đình ông Nguyễn Đồng Hương, Chi hội trưởng hội Cựu chiến binh ấp Kinh Mới (xã Vĩnh Thuận) cũng vay 18 triệu đồng từ nguồn quỹ “Quỹ góp vốn xoay vòng” và vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để cho con gái của ông, một hộ cận nghèo khởi nghiệp mở cơ sở sơ chế nông sản mang lại thu nhập rất tốt và tạo thêm việc làm ổn định cho 4 lao động tại địa phương.

Mô hình “Quỹ góp vốn xoay vòng”, do Hội cựu chiến binh xã Vĩnh Thuận vận động hội viên đóng góp đã giúp cho các hộ nghèo trong hội thoát nghèo, hộ cận nghèo vươn lên khá, hộ khá vươn lên giàu.

Ông Lê Văn Út, Chi hội trưởng hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Thuận cho biết, “Quỹ góp vốn xoay vòng” thành lập từ tháng 2/2019, lúc đầu có 12 trong tổng số 24 Cựu chiến binh xã tham gia đóng góp theo khả năng tự nguyện từ 1 đến 10 triệu đồng. Nguồn quỹ góp vốn dùng để cho hộ nghèo, cận nghèo là Cựu chiến binh vay để trồng trọt và chăn nuôi. Với số vốn 20 triệu đồng góp ban đầu đã tạo được sức lan tỏa và đến tháng 10/2024 có tổng cộng 21 thành viên tham gia góp quỹ, với tổng số tiền 125 triệu đồng.

Qua gần 5 năm thành lập, “Quỹ góp vốn xoay vòng” đã có 14 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế hộ đã thoát nghèo bền vững, góp phần cho xã nâng chất tiêu chí giảm nghèo nâng cao. Mô hình này đang lan tỏa qua nhiều xã trong quá trình xây dựng NTM vùng biên giới Long An.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Hưng, Long An) cho biết, từ khi bắt tay xây dựng NTM đến nay địa phương đã xây dựng được 9 mô hình dân vận khéo để đã góp phần xã NTM vào năm 2020. Để Nhân dân đồng thuận nâng chất các tiêu chí để đạt chuẩn xã NTM nâng cao thì công tác dân vận trong quá trình thực hiện các tiêu chí luôn được địa phương đặt lên hàng đầu. Cách làm là gần dân, trọng dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân trong từng phần việc cụ thể sau đó đưa ra giải pháp tháo gỡ nút thắt đối với những trường hợp chưa đồng thuận. Ví dụ như việc mở rộng đường nông thôn từ 3m lên 5m thì công tác vận động phải khéo, phải phân tích cho bà con thấy giá trị thụ hưởng sau khi hiến đất mở đường….

Phó Ban dân vận Tỉnh ủy Long An Nguyễn Việt Cường cho biết, Long An hiện có gần 1.000 mô hình “Dân vận khéo” như: Quỹ góp vốn xoay vòng, hiến đất làm đường, vận động nhân dân đóng góp các nguồn lực cùng chung sức tham gia xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, vệ sinh môi trường, công trình cung cấp nước hợp vệ sinh, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà tình thương; các hoạt động an sinh xã hội…; vận động nhân dân tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng gia sản xuất, giảm nghèo bền vững… Tất cả các mô hình dân vận khéo đã và đang góp phần nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của Nhân dân, đang giúp Long An sớm hiện thực hóa mục tiêu tỉnh NTM giúp quê hương Long An ngày càng phồn vinh và hạnh phúc.

Đến tháng 10/2024, Long An có 134/161 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 83,22%; 40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 30,59% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 4 đơn vị huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM gồm: Châu thành, tân trụ, thành phố Tân An và thị xã Kiến Tường; Cần Đước và Cần Giuộc đang chờ thẩm định công nhận huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2024.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Đưa sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn thị trường quốc tế

Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu là cơ hội để các chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước.

Bình luận mới nhất