| Hotline: 0983.970.780

Long An: Phát huy vai trò hội viên, nông dân các cấp

Thứ Tư 17/11/2021 , 05:57 (GMT+7)

Thời gian qua, Hội Nông dân (HND) các cấp tỉnh Long An phát huy tốt vai trò trong vận động hội viên, nông dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới (NTM).

Theo ông Ngô Thanh Tuyền, Phó Chủ tịch HND tỉnh Long An, thời gian qua, các cấp Hội tích cực thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM đến hội viên nông dân thông qua các cuộc họp, hội thảo, tập huấn,... góp phần nâng cao nhận thức của hội viên nông dân, tích cực tham gia xây dựng NTM.

Nông dân Long An lắp đặt trạm bơm điện lấy nước tưới tiêu mùa khô. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân Long An lắp đặt trạm bơm điện lấy nước tưới tiêu mùa khô. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Văn Dũng (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) cho biết: “Khi Nhà nước có chủ trương xây dựng NTM, tôi sẵn sàng tự nguyện hiến hơn 4.000m2 đất để thi công công trình thủy lợi, đường giao thông, trụ sở ấp với mong muốn góp phần xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp hơn”.

Không những vậy, ông Dũng còn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân trong ấp, xã cùng tham gia xây dựng NTM. Nhờ đó, người dân ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình và đưa chương trình NTM của địa phương trở thành một phong trào thi đua, được đông đảo người dân ủng hộ.

Giai đoạn 2010 - 2020, HND các cấp tích cực vận động hội viên nông dân tham gia thực hiện 19 tiêu chí NTM, đặc biệt là đóng góp đất đai, tiền của, ngày công lao động để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Cụ thể, HND các cấp đóng góp hơn 750.000 tỷ đồng, 110.000 ngày công lao động để xây dựng và sửa chữa trên 1.400 cây cầu giao thông nông thôn, 2.300 công trình giao thông với chiều dài hơn 3.600km, tham gia nạo vét, kiên cố hóa kênh, mương nội đồng với chiều dài hơn 1.500km và gần 400 công trình kéo điện thắp sáng,...

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã tác động mạnh đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hướng đến chất lượng, hiệu quả. HND tỉnh phối hợp các sở, ngành tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt,... giúp hội viên nông dân nâng cao kỹ thuật, trình độ sản xuất.

Vận hành  trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu mùa khô 2020 - 2021. Ảnh: Minh Đảm.

Vận hành  trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu mùa khô 2020 - 2021. Ảnh: Minh Đảm.

Ngoài ra, hàng năm, Hội đều tổ chức phát động hội viên nông dân đăng ký thực hiện 3 tiêu chuẩn gia đình nông dân văn hóa, qua đó góp phần quan trọng trong việc xây dựng gia đình hòa thuận, kinh tế phát triển, tăng cường sự đoàn kết, hạn chế vi phạm pháp luật trong hội viên nông dân.

Bình quân hàng năm có 94,68% hộ đăng ký thực hiện, bình xét số hộ đạt 3 tiêu chuẩn trên 80% so với hộ. Các phong trào văn hóa, thể thao được duy trì thường xuyên trên địa bàn nông thôn đã tạo sân chơi cho cán bộ, hội viên nông dân, vừa mang lại giá trị tinh thần cho nông dân, vừa tạo nét đẹp văn hóa ở nông thôn.

Mô hình xanh, sạch, đẹp và an toàn góp phần phát huy vai trò chủ thể, nòng cốt của cán bộ, hội viên nông dân trong việc nâng cao ý thức tự giác thực hiện xây dựng cảnh quan, môi trường trên các tuyến giao thông nông thôn và nơi sinh sống.

Bên cạnh đó, HND các cấp còn thể hiện vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã. Qua công tác tuyên truyền, vận động góp phần làm cho hội viên có bước chuyển biến hơn về nhận thức đối với kinh tế tập thể, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được hình thành và hoạt động hiệu quả.

Hội phối hợp thành lập được 151 HTX (gần 3.500 thành viên), 1.267 tổ hợp tác (gần 22.000 thành viên) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp. Qua thực hiện chương trình này góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết hợp tác với nhau để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, hình thành những vùng sản xuất tập trung, từng bước nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa.

Ngô Thanh Tuyền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An cho biết thêm: “Thời gian tới, Hội tiếp tục tuyên truyền thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, gắn việc thực hiện với phong trào thi đua nông dân Long An chung sức xây dựng NTM. Thực hiện tốt vai trò nòng cốt vận động, phát huy vai trò, trách nhiệm hội viên nông dân tích cực tham gia hiến đất, góp tiền và ngày công lao động trong thực hiện các công trình phúc lợi công cộng. Vận động hội viên đầu tư phát triển sản xuất. Quản lý, sử dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng, giữ vững và phát triển nâng cao các tiêu chí đã đạt,...

Hội nông dân đã  hợp thành lập 151 HTX nông nghiệp giúp liên kết sản xuất đảm bảo đầu ra, nhất là cây lúa. Ảnh: Minh Đảm.

Hội nông dân đã  hợp thành lập 151 HTX nông nghiệp giúp liên kết sản xuất đảm bảo đầu ra, nhất là cây lúa. Ảnh: Minh Đảm.

HTX Nông nghiệp Sản xuất thương mại và dịch vụ Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) là một trong những mô hình HTX điểm điển hình của tỉnh. HTX được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, góp phần tạo điều kiện cho HTX hoạt động ngày càng hiệu quả. HTX Phước Thịnh hiện xây dựng được hệ thống nhà lưới, sử dụng phân vi sinh trong sản xuất, hệ thống tưới tiết kiệm.

HTX thực hiện hợp đồng liên kết với các công ty, siêu thị trong và ngoài tỉnh, với tổng diện tích 30ha (trong đó 7,22ha sản xuất theo quy trình VietGAP), sản lượng tiêu thụ hơn 1.800 tấn/năm. HTX thực hiện các dịch vụ mua bán rau, củ, quả, vật tư, phân bón, dịch vụ tiệc cưới và kinh doanh xe tải vận chuyển rau. Bên cạnh đó, HTX cũng tổ chức thu mua nông sản của thành viên với giá cao hơn thương lái bên ngoài.

Ông Đặng Duy Dũng, Giám đốc HTX Thịnh chia sẻ: “Hiện nay, HTX có 54 thành viên chính thức và 120 thành viên liên kết. Thời gian qua, các cấp, các ngành hỗ trợ HTX rất nhiều như tạo điều kiện tham gia tập huấn nâng cao trình độ Ban Giám đốc HTX, tham gia xúc tiến thương mại, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi,... Nếu không có sự “tiếp sức” của các cấp, các ngành, HTX sẽ không phát triển như hôm nay”.

Ngoài ra, HND các cấp còn vận động hội viên nông dân tích cực tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp chính quyền, MTTQ và các đoàn thể triển khai, thực hiện các quy định về dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, phát huy được vai trò của cán bộ, hội viên trong việc tham gia giám sát các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Năm 2021: Phân bổ thêm 885 triệu đồng phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể

Theo Quyết định số 1379/QĐ-TTg ngày 02/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Long An được bổ sung kinh phí thường xuyên thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM năm 2021 là trên 38 tỷ đồng.

Căn cứ tờ trình của UBND tỉnh, mới đây, HĐND tỉnh thống nhất phân bổ nguồn kinh phí này để thực hiện 6 nội dung và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021.

Trong đó, để nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội trong xây dựng NTM, tỉnh đã phân bổ 885 triệu đồng (chiếm 2,3%).

Còn lại các lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, sẽ phân bổ trên 1,1 tỷ đồng. Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, sẽ được phân bổ trên 11 tỷ đồng. Phát triển giáo dục ở nông thôn, tỉnh sẽ phân bổ gần 8 tỷ đồng. Đối với nội dung vệ sinh môi trường nông thôn, tỉnh phân bổ 9,4 tỷ đồng. Nâng cao năng lực giám sát thực hiện Chương trình và truyền thông về xây dựng NTM, chi quản lý chương trình, được phân bổ kinh phí 8,015 tỷ đồng.

Trước đó, UBND tỉnh Long An đã thông qua kế hoạch huy động nguồn vốn thực hiện chương trình năm 2021 dự kiến trên 32.720 tỷ đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ trực tiếp của chương trình 445 tỷ đồng, chiếm 1,4%.

Vốn lồng ghép gần 1.040 tỷ đồng, chiếm 3,2%. Vốn tín dụng là 31.000 tỷ đồng, chiếm 94,7%. Vốn huy động từ dân cư và doanh nghiệp là 237 tỷ đồng, chiếm 0,7%.

  • Tags:
Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.