Theo mô tả của New York Times, tại thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, những dòng nước đục ngầu cao ngang người đang chảy khắp mọi nơi. Các phương tiện giao thông bị mắc kẹt trong làn nước lũ và đường phố như trở thành những con kênh.
Trong khi đó Trùng Khánh cũng đang phải hứng chịu ảnh hưởng của mưa lũ và thị trấn Dương Châu trải qua tình trạng được cho là tồi tệ nhất trong 2 thế kỷ qua. Mưa lớn nhiều tuần liên tục đã tàn phá khu vực miền Nam Trung Quốc, làm ít nhất 106 người chết và mất tích và ảnh hưởng đến 15 triệu cư dân.
Một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ này là Hồ Bắc với thủ phủ là Vũ Hán, nơi xuất hiện những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên vào năm ngoái. Người dân ở đây cho rằng sau đại dịch Covid-19 thì trận lụt này lại giáng thêm một đòn nữa vào đời sống, sức khỏe và kinh tế của họ.
Theo New York Times, những trận mưa lớn sẽ khiến nước sông dâng cao và nhiều hồ chứa sẽ bị tràn. Trong khi đó, việc căng mình đối phó với đại dịch Covid-19 khiến việc chuẩn bị cho mùa lũ năm nay của Trung Quốc trở nên quá tải.
Sau 31 ngày liên tiếp cảnh báo về mưa lũ và thời tiết khắc nghiệt, ngày 3/7, Trung tâm khí tượng Quốc gia Trung Quốc lại đưa ra dự báo về một trận mưa lớn mới sẽ bắt đầu vào ngày 4/7 ở khu vực Tây Nam nước này. Các chuyên gia thời tiết cũng đưa ra cảnh báo về những vụ lở đất và nguy cơ đối với các hồ đập.
New York Times dẫn lời Brandon Meng, kỹ sư thủy lợi ở Thâm Quyến cho biết, các hồ chứa nhỏ của Trung Quốc đa số được xây dựng vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước và không đáp ứng được các tiêu chuẩn xây dựng cao. "Khi thời tiết khắc nghiệt xảy ra, chúng rất dễ gặp nguy hiểm", Meng nói.
Tại thị trấn du lịch Dương Châu, trận mưa lớn khủng khiếp vào ngày 7/6 vừa qua khiến 1.000 khách sạn và hơn 5.000 cửa hàng bị hư hại. Nhiều du khách đã bị mắc kẹt trong các khách sạn do nước lũ dâng nhanh và chỉ thoát ra khi các đội cứu hộ có mặt.
Trong khi đó, tại Trùng Khánh, lũ lụt trên thượng nguồn sông Dương Tử được ghi nhận là tồi tệ nhất từ năm 1940 đến nay, khiến 40.000 phải sơ tán. Đây là địa phương miền núi, có nhiều công trình xây dựng trên sườn đồi nên nguy cơ ảnh hưởng do sạt lở cũng rất cao.