| Hotline: 0983.970.780

Lúa gạo hữu cơ nhìn từ tiêu chuẩn 6S

Thứ Sáu 05/05/2023 , 06:10 (GMT+7)

Trồng lúa hữu cơ, bán gạo sạch, tạo dựng hình ảnh gạo đạt chuẩn xuất khẩu là hướng đi doanh nghiệp, hợp tác xã đang liên kết để mở rộng thị trường.

Khách du lịch tham quan trải nghiệm thu hoạch tôm trên đồng lúa hữu cơ ở Kiên Giang. Ảnh: Hữu Đức.

Khách du lịch tham quan trải nghiệm thu hoạch tôm trên đồng lúa hữu cơ ở Kiên Giang. Ảnh: Hữu Đức.

Vùng canh tác lúa - tôm

ĐBSCL, nhiều doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng gạo tự xây dựng vùng lúa nguyên liệu. Trong số đó, Công ty TNHH Gạo Tôm chọn phân khúc thị trường hẹp, mở mũi trồng lúa hữu cơ đạt tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng vốn còn nhiều tiềm năng.

Không là ngoại lệ, công ty đã liên kết với hợp tác xã nông nghiệp tại các địa phương, hình thành vùng trồng lúa kiểm soát theo quy trình sản xuất chuẩn mực để đảm bảo sản phẩm gạo sạch an toàn, gạo hữu cơ đạt chứng nhận để nâng cao giá trị sản phẩm.

Công ty TNHH Gạo Tôm định vị đầu tư về vùng canh tác lúa - tôm ven biển phía tây ĐBSCL. Từ vốn kinh nghiệm nhiều năm phát triển mạng lưới dịch vụ kinh doanh giống cây trồng, cuối năm 2018 Công ty TNHH Gạo Tôm thành lập tại An Giang, chọn hướng đi cho sản phẩm đúng như tên gọi doanh nghiệp với mục tiêu dài hạn là thắt chặt kết nối chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả canh tác lúa - tôm, kiến tạo hệ sinh thái lúa - tôm bền vững ở ĐBSCL.

Anh Huỳnh Chí Phương, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Tôm nhìn nhận, biến đổi khí hậu đang tác động tình hình xâm nhập mặn vùng ven biển ĐBSCL ngày càng gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nông dân trồng lúa. Để tìm cách thích ứng, trong những năm qua nông dân nhạy bén chuyển đổi sản xuất theo mô hình 1 vụ lúa, 1 vụ tôm/năm thay cho canh tác 2 vụ lúa/năm như trước đây. Đó là một cách quay lại mô hình canh tác thuận thiên, thông minh. Vào mùa nắng, khi mặn xâm nhập nông dân lấy nước nuôi tôm, vào mùa mưa nông dân trữ nước mưa rửa mặn trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh. Sản phẩm gạo, tôm làm ra đảm bảo chất lượng ngon lành, an toàn. Đó là mục tiêu hướng đến tạo dựng niềm tin, nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm xanh, an toàn sức khỏe và ý thức gìn giữ môi trường.

Mô hình canh tác lúa - tôm bền vững ở Kiên Giang. Ảnh: Hữu Đức.

Mô hình canh tác lúa - tôm bền vững ở Kiên Giang. Ảnh: Hữu Đức.

Trải qua nhiều vụ lúa chứng thực hiệu quả, đạt chứng nhận tiêu chuẩn với tất cả tiêu chí thực hành sản xuất, đa số nông dân thành viên tại các hợp tác xã liên kết sản xuất thừa nhận điểm chung: Canh tác lúa hữu cơ không khó, nông dân đều làm được.

Hiện nay, Công ty TNHH Gạo Tôm liên kết sản xuất, xây dựng vùng canh tác lúa - tôm tại tỉnh Kiên Giang trên 560ha với 4 hợp tác xã, gồm Phú Mỹ và Phú Lợi (huyện Giang Thành), Nam Quý (huyện An Biên), Thạnh Yên (huyện U Minh Thượng). Công ty TNHH Gạo Tôm xác định 2 dòng sản phẩm chính, trong đó dành 42ha sản xuất lúa đạt chứng nhận tiêu chuẩn USDA (Mỹ) và phần lớn diện tích còn lại sản xuất hướng hữu cơ theo mô hình lúa - tôm áp dụng quy trình kiểm soát theo tiêu chuẩn gạo an toàn của châu Âu.

Tạo dựng hình ảnh, mở thị trường

Từ định vị, xác lập vùng nguyên liệu sản xuất lúa hữu cơ, bán gạo sạch đến tạo dựng hình ảnh, thương hiệu gạo hữu cơ đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng điều kiện cần để mở cửa thị trường, Công ty TNHH Gạo Tôm công bố, quảng bá 6 yếu tố (6S) tạo nên hương vị khác biệt Gạo Tôm:

S1 (Seed) hạt giống sử dụng cấp xác nhận (giống ST24, ST25, ST tím) được cung cấp từ doanh nghiệp Hồ Quang để tạo hạt gạo thuần chất.

S2 (Soil) đất trồng lúa trên vùng nuôi tôm (1 vụ lúa - 1 vụ tôm) thừa hưởng dưỡng chất hữu cơ từ nuôi tôm nên cây lúa khỏe, cơm thơm dẻo ngọt.

S3 (Skill) kỹ thuật canh tác được chia sẻ trực tiếp từ kỹ sư Hồ Quang Cua - cha đẻ giống lúa thơm ST kết hợp với kinh nghiệm sản xuất lúa của bà con nông dân.

S4 (Standard) tiêu chuẩn Gạo Tôm được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn của EU và tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ (USDA), EU, Nhật Bản (JAS).

S5 (Storage) lưu trữ lúa sau khi thu hoạch được sấy đạt độ ẩm 13%, đảm bảo bảo quản được lâu hơn. Sản phẩm Gạo Tôm được đóng bao bì, hút chân không, giữ được mùi vị và độ dẻo mềm của cơm.

S6 (Sustainability) sự bền vững Gạo Tôm luôn song hành với sự bền vững trong sinh kế của người nông dân, bền vững trong bảo vệ môi trường cũng như trong bảo tồn tự nhiên.

Cùng với sản phẩm Gạo Tôm sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn EU, trong 2 năm qua Công ty TNHH Gạo Tôm chọn sản xuất giống ST gạo tím hữu cơ giàu dưỡng chất đạt chứng nhận tiêu chuẩn USDA. Vùng sản xuất được kiểm soát, giám định. Nông dân liên kết sản xuất giống lúa này đạt tiêu chuẩn chứng nhận được thu mua bình quân 12.000 đồng/kg, cao hơn sản xuất lúa thường bên ngoài 7.000 - 7.500 đồng/kg. Chọn dòng sản phẩm thực phẩm chức năng gạo tím ST hữu cơ mang tính khác biệt, có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh để tiếp thị đối tượng tiêu dùng dành cho người ăn kiêng.

Theo một doanh nghiệp sản xuất giống và kinh doanh lúa gạo đã có nhiều năm xây dựng vùng lúa hữu cơ đạt chuẩn USDA tại Sóc Trăng, đến vụ lúa đông xuân 2022 - 2023 vùng sản xuất lúa - tôm khu vực bán đảo Cà Mau đang tiếp tục được mở rộng. Hiện tại, diện tích canh tác lúa hữu cơ đạt chứng nhận tiêu chuẩn hiện còn khiêm tốn, khoảng trên 535ha. Chi phí sản xuất và đáp ứng đầy đủ các điều kiện để đạt tiêu chuẩn chứng nhận lúa hữu cơ cao, từ đó giá thành sản xuất cao là thách thức trong việc xác lập vùng sản xuất lúa gạo hữu cơ, nhất là trong bối cảnh thị trường mới mở, còn hạn hẹp.

Đồng lúa - tôm hữu cơ ở Kiên Giang. Ảnh: Hữu Đức.

Đồng lúa - tôm hữu cơ ở Kiên Giang. Ảnh: Hữu Đức.

Tuy nhiên, vừa qua gạo hữu cơ ST tím đạt chứng nhận tiêu chuẩn USDA đã tạo nên hiệu ứng về giá trị truyền thông rất tốt.

Công ty TNHH Gạo Tôm cho biết, vụ lúa đông xuân 2022 - 2023, công ty sản xuất 30 tấn gạo tím ST hữu cơ. Thông qua đối tác, công ty đã xuất khẩu loại gạo giàu dưỡng chất này sang thị trường Đức với giá 1.200 EUR/tấn. Tại thị trường nội địa, loại gạo này đóng hộp quy cách 900 gr/hộp, bán giá 68.000 đồng/hộp. Hiện nay sản phẩm gạo tím ST hữu cơ đạt chứng nhận USDA và nhãn hàng gạo sạch an toàn Gạo Tôm được chào bán tại TP Cần Thơ và mức tiêu thụ khả quan, đã mở rộng phân phối ở TP.HCM.

Giám đốc Huỳnh Chí Phương cho biết, sau khi hình thành vùng sản xuất lúa hữu cơ, từ gạo nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, công ty lên kế hoạch tiếp tục đầu tư phát triển công nghệ chế biến ra dòng sản phẩm cơm dinh dưỡng ăn liền để tạo sự tiện dụng cho người tiêu dùng. Mặt khác, để chứng minh cách “nói thật, làm thật” đến người tiêu dùng, Công ty TNHH Gạo Tôm thiết kế, mở thêm chương trình Tour du lịch nông thôn, đón đưa khách hàng về tỉnh Kiên Giang tham quan vùng nguyên liệu sản xuất lúa hữu cơ, cùng khám phá mô hình “con tôm ôm cây lúa” đặc thù của địa phương. Khách tham quan đến thăm và nghe nông dân kể chuyện trồng lúa, nuôi tôm, cùng trải nghiệm trực tiếp bắt tôm, cá và có thể thưởng thức ngay tại ruộng.

TS Nguyễn Công Thành, Viện Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp hữu cơ Á Châu (AOI) nhận xét, mô hình tôm - lúa mang lại lợi nhuận cao và bền vững. Ở ĐBSCL có thể mở rộng trên 250.000ha, sản lượng lúa đạt khoảng 800.000 tấn đến 1 triệu tấn/năm và trên 100.000 tấn tôm nguyên liệu sạch.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Tăng quyền tự quyết cho doanh nghiệp có vốn nhà nước

Sáng 23/11, Chính phủ trình Quốc hội về dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp với nhiều điểm mới theo hướng tăng quyền tự chủ cho đơn vị.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.