Theo Hiệp hội Lương thực VN, việc thu mua 500.000 tấn gạo dự trữ đợt 2 đang "tắc" do lúa HT trong dân đã gần...cạn. Tuy nhiên, thực tế ở một số địa phương lại trái ngược với thông tin Hiệp hội đưa ra.
Lúa, gạo tăng giá?
Mấy ngày qua, giá lúa gạo hàng hoá ở ĐBSCL đồng loạt tăng. Anh Cao Văn Trí, thương lái chuyên mua lúa ở khu vực Tứ giác Long Xuyên cho biết, đến ngày 29/9, giá lúa ở khu vực này đã lên tới 4.300- 4.500 đ/kg. Còn theo ông Trần Bảo Toàn, GĐ Cty TNHH Thanh Lịch (Đồng Tháp), giá lúa thường ở tỉnh này hiện vào khoảng 4.100 đ/kg, lúa chất lượng cao từ 4.300-4.500 đ/kg. Thông tin giá lúa tăng đang lan truyền trong giới DN thu mua lúa.
Do giá lúa hàng hoá tăng lên, nên gạo hàng hoá cũng đang tăng giá mạnh. Theo ông Đỗ Xuân Bang, GĐ Cty TNHH Duy Hưng Thịnh, giá gạo hàng hoá đã tăng suốt 2 tuần qua, khoảng 350-400 đ/kg. Cụ thể, nửa tháng trước, giá gạo nguyên liệu loại 1 ở Sa Đéc (Đồng Tháp) khoảng 5.080-5.100 đ/kg thì nay đã tăng lên tới 5.500 đ/kg, gạo nguyên liệu loại 2 từ 5.000 đ/kg đã tăng lên 5.350 đ/kg.
Do giá gạo nguyên liệu tăng cao, nên giá gạo thành phẩm XK cũng đã tăng đôi chút. Gạo thành phẩm 5% tấm giao tại mạn tàu, trước đây khoảng 6.500 đ/kg, thì nay giá tại kho đã là 6.750 đ/kg, nếu cộng thêm 80 đồng cước phí trên mỗi kg gạo thành phẩm ra tới mạn tàu, thì giá gạo thành phẩm 5% tấm giao tại mạn hiện là 6.830 đ/kg. Gạo 15% tấm thành phẩm tại kho hiện là 6.500 đ/kg, còn gạo 25% tấm là 6.200 đ/kg. Theo dự báo của các DN cung ứng gạo XK ở ĐBSCL, giá gạo hàng hoá các loại sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Lúa hàng hoá còn hay hết?
Việc giá lúa gạo tăng cao được nhiều người nhận định là do lúa HT trong dân đã gần hết, trong khi lúa TĐ và mùa mới bắt đầu thu hoạch ở một số nơi. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, GĐ Sở NN- PTNT Đồng Tháp, sau khi thu hoạch xong vụ HT, khi thấy được giá, phần lớn nông dân tỉnh này đã tranh thủ bán lúa đi rồi, chỉ còn một ít hộ có điều kiện đã trữ lúa lại, đến bây giờ mới bán. Chính vì vậy, lúa HT còn tồn trong dân ở Đồng Tháp không nhều. Ông Trần Bảo Toàn cũng cho rằng lúa gạo vụ HT ở đây cũng gần như không còn, nên giá mới bị đẩy cao lên như thế.
Theo VFA, đến ngày 24/9/2009, các DN thành viên mới chỉ thu mua được 289.000 tấn gạo, tương đương với 57,8% kế hoạch thu mua dự trữ đợt 2. Điều này khá trái ngược với việc thu mua dự trữ trong đợt 1, khi các DN đã mua được tới 490.841 tấn gạo, vượt 122,71% kế hoạch thu mua trong tháng 8 là 400.000 tấn.
Theo nhận định của nhiều DN, chính vì lượng lúa gạo HT trong dân ở ĐBSCL không còn nhiều, nên việc thu mua gạo dự trữ đợt 2 của VFA chỉ đạt được một con số tương đối thấp so với kế hoạch như trên. Bên cạnh đó, do nhiều nông dân vẫn còn lúa đã nắm được thông tin về giá sàn thu mua lúa khô (độ ẩm 17%) là 3.800 đ/kg, nên giữ lúa lại, chờ được giá thật cao mới bán. Ông Nguyễn Lâm Thịnh, một thương lái ở Chợ Mới (An Giang), cho biết “Bây giờ, nhiều nông dân đã biết căn cứ vào già sàn lúa khô để tính ra giá lúa tươi chuẩn và chỉ bán theo giá đó. Chính vì nhiều nông dân đợi có được giá hợp lý mới bán lúa”.
Tuy nhiên, ở một số địa phương, lúa hàng hoá trong dân vẫn còn tương đối khá. Như ở An Giang, theo cân đối của ngành NN-PTNT lượng lúa hàng hoá vẫn tồn khoảng 250 ngàn tấn. Anh Cao Văn Trí cũng khẳng định ở khu vực Tứ giác Long Xuyên, nhiều hộ vẫn còn trữ trong nhà khá nhiều lúa HT. Bằng chứng là dù giá lúa đang lên rất cao, nhưng hiện giờ, mỗi ngày, anh Trí vẫn đang thu mua được khoảng 50 tấn.
Giá gạo XK cuối năm ra sao?
Hiện tại, do có sự can thiệp của các Chính phủ, nên giá gạo XK của Việt Nam đã nhích lên. Gạo Việt Nam loại 5% tấm có giá 390-400 USD/tấn (FOB), gạo 25% tấm từ 340-350 USD/tấn. Gạo 100%B của Thái Lan vững ở mức giá 530 USD/tấn. Lượng gạo dự trữ của Thái Lan hiện cũng đã lên tới con số cao nhất trong lịch sử là 7 triệu tấn. Theo dự báo của các thương gia Thái Lan, vào khoảng giữa tháng 10 tới, Chính phủ Thái Lan sẽ bán ra từ 1-2 triệu tấn gạo dự trữ thông qua bán đấu giá.
Trong khi đó, vào cuối năm nay, nguồn cung gạo hàng hoá ở khu vực ĐNA cũng có thể tăng mạnh. Sản lượng gạo cũng tăng ở một nước XK lớn là Mỹ. Như vậy việc Ấn Độ hầu như không thể tham gia XK gạo trong những tháng cuối năm nay do hạn hán, thì sự tăng sản lượng nói trên vẫn có thể là áp lực dẫn tới việc có thể giảm giá gạo XK vào cuối năm nay. Tuy nhiên, các nhà XK gạo vẫn hy vọng rằng nhu cầu mua gạo của nhiều khách hàng quốc tế sẽ gia tăng vào tháng tới sẽ góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn đà giảm giá này.