| Hotline: 0983.970.780

Lúa mô hình nông nghiệp thông minh đạt năng suất cao

Thứ Ba 08/09/2020 , 08:00 (GMT+7)

Lúa mô hình nông nghiệp thông minh ở Quảng Nam không những phát triển tốt và sạch sâu bệnh mà còn cho năng suất cao hơn phương pháp canh tác truyền thống.

Được hỗ trợ giống, công cụ sạ hàng từ Hợp phần 3, Dự án WB7, vụ hè thu (HT) 2020, nông dân ở Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bình Trung 3 (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã tiến hành canh tác 100ha diện tích lúa theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA).

Nhiều diện tích lúa mô hình CSA trong vụ HT ở Thăng Bình (Quảng Nam) đạt năng suất đến 80 tạ/ha. Ảnh: L.K.

Nhiều diện tích lúa mô hình CSA trong vụ HT ở Thăng Bình (Quảng Nam) đạt năng suất đến 80 tạ/ha. Ảnh: L.K.

Ông Lê Trung Rân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Trung 3 cho biết, với mô hình này, bà con nông dân trong HTX được Dự án hỗ trợ 156 triệu tiền giống và 50 công cụ sạ hàng trị giá 100 triệu đồng. Trước khi được hỗ trợ, HTX đã thảo luận ý kiến cùng với các hộ nông dân nhằm thống nhất chọn giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng địa phương để đưa vào canh tác.

“Chúng tôi đã chọn sản xuất 80ha lúa BC15 và 20ha lúa BĐ6 trong mô hình này. Sau khi đã thống nhất, người dân được Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Thăng Bình trực tiếp xuống mở 4 lớp tập huấn giúp bà con nắm được phương pháp canh tác lúa trong mô hình, từ bón phân, phun thuốc để đạt được hiệu quả cao nhất”, ông Rân nói.

Cũng theo ông Rân, với mô hình sản xuất lúa này, điểm khác biệt đầu tiên là sạ lúa bằng công cụ chứ không gieo sạ bằng tay như trước đây, nhờ đó, giảm công sản xuất. Nếu như bình thường làm thủ công phải mất tới 2 công mới sạ xong 1 ha lúa thì phương pháp sạ hàng chỉ mất 1 ngày.

Cùng với đó, lượng giống sạ dùng trong mô hình cũng giảm đi đáng kể. Mỗi sào (sào 500m2) trong mô hình chỉ mất từ 3 – 3,5 kg giống còn lúc trước lượng giống lên tới 4,5 kg thậm chí 5 kg.

“Về phương pháp bón phân trong mô hình, chúng tôi hướng dẫn người dân lúc làm đất sẽ tiến hành bón lót phân lân NPK. Sau sạ 5-7 ngày bón thêm lân NPK, Ure. Bón thúc đợt 1 khi cây lúa từ 20 – 25 ngày với các loại phân Ure, kali, NPK.

Bón thúc đợt 2 khi lúa từ 35 – 40 ngày cũng sử dụng phân Ure, kali. Nếu trong trường hợp đất quá xấu thì bón thêm NPK. Với quá trình phun thuốc thì sẽ tiến hành phun thuốc cỏ trước và sau khi giống nảy mầm. Đến khi cây lúa được 20 ngày thì tiến hành phun thuốc phòng trừ các loại sâu keo, sâu cuốn lá”, ông Rân cho biết.

Với việc áp dụng những kỹ thuật canh tác, bón phân và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh này, toàn bộ 100ha diện tích trong mô hình lúa CSA ở HTX Nông nghiệp Bình Trung 3 sinh trưởng, phát triển tốt mặc dù thời tiết vụ HT năm nay nắng nóng kéo dài. Cây lúa không hề nhiễm loại sâu bệnh nào.

Hiện nay, diện tích lúa mô hình này đã bắt đầu bước vào thu hoạch. Ngoài những ưu điểm nói trên thì vụ năm nay, diện tích lúa mô hình trổ đều, không gặp mưa lúc trổ và không có bất kỳ diện tích nào bị đổ ngã do giông lốc. Nhờ đó mà năng suất rất cao so với các năm, đạt trung bình từ 65 – 67 tạ/ha, có những ruộng lúa đạt đến trên dưới 80 tạ/ha.

Nông dân Nguyễn Văn Út (trú xã Bình Trung, huyện Thăng Bình) cho biết: “Vụ HT này, gia đình tôi sản xuất 3 sào lúa theo mô hình CSA. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp cận với mô hình nhưng tôi thấy cách canh tác cũng không khó, giảm được công sức, phân bón mà còn đạt năng suất cao. 3 sào nhà tôi vừa rồi thu được 30 bao (mỗi bao 50kg) lúa khô. Tính ra năng suất đạt đến trên 80 tạ/ha”.

“Chúng tôi nhận thấy sản xuất lúa theo mô hình CSA vụ đầu tiên này đã đem lại lợi ích rất nhiều cho bà con nông dân. Bà con mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục được Dự án hỗ trợ để thực hiện. Ngoài ra, với các ruộng lúa ngoài mô hình, chúng tôi cũng sẽ hướng dẫn cho bà con các kỹ thuật canh tác CSA để giúp người dân tăng hiệu quả kinh tế”, ông Lê Trung Rân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Trung 3 chia sẻ.

Xem thêm
Đưa vào hoạt động khu nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao lớn nhất Bình Thuận

Khu chăn nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao Mebi Farm có quy mô 1,2 triệu gà đẻ trứng, 400.000 gà hậu bị vừa khánh thành và đưa vào hoạt động tại tỉnh Bình Thuận.

Hội Thú y Việt Nam: Phát huy vai trò kết nối, đổi mới, sáng tạo

HÀ NỘI Cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, 'Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc', Hội Thú y Việt Nam bước vào nhiệm kỳ mới với nhiều kỳ vọng to lớn.

Vùng chè Hưng Khánh hồi sinh

Yên Bái Sau cơn bão chè bẩn giai đoạn 2010 - 2011 khiến nhiều nông dân lao đao, những năm gần đây vùng chè Hưng Khánh đang hồi sinh mạnh mẽ nhờ canh tác theo hướng hữu cơ.