Đến năm 2015 giá trị SX trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt bình quân 140 triệu đồng/ha, đời sống của người dân được cải thiện.
Từ năm 1995 nông dân Mỹ Xuyên bắt đầu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Trên địa bàn huyện hình thành hai vùng sinh thái rõ rệt: Vùng tôm - lúa gồm xã Hòa Tú 1, Hòa Tú 2, Ngọc Đông, Ngọc Tố, Gia Hòa 1, Gia Hòa 2 và vùng trồng 2 vụ lúa gồm xã Đại Tâm, Tham Đôn, Thạnh Phú, Thạnh Quới và thị trấn Mỹ Xuyên.
Từ năm 2000, hoạt động nuôi thủy sản phát triển mạnh mẽ, nhất là mô hình nuôi tôm bán thâm canh. Đến năm 2005, vùng nuôi tôm của huyện tăng lên 20.000 ha. Đặc biệt mô hình trồng lúa thơm ST trên nền ao tôm được nông dân canh tác hiệu quả.
Trong 5 năm qua, đối phó với tình hình thời tiết, dịch bệnh gây bất lợi huyện Mỹ Xuyên khuyến khích nông dân SX, khai thác có hiệu quả lợi thế đất đai, thủy lợi, môi trường sinh thái, chuyển giao khoa học- kỹ thuật để tiếp tục phát triển mô hình tôm - lúa ổn định, bền vững.
Đến nay, toàn huyện có hơn 21.300 ha nuôi tôm, sản lượng hơn 25.500 tấn/năm, tăng 12.400 tấn so với giai đoạn 2005-2010.
GDP bình quân đầu người đến cuối năm 2015 đạt 785 USD/người/năm, tăng hơn 10,2% so với giai đoạn 2005-2010; hộ nghèo trong huyện giảm còn 10,63%.
Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mỹ Xuyên, qua kết quả nghiên cứu, đánh giá tác động của các nhà khoa học và thực tiễn SX cho thấy hệ thống canh tác tôm - lúa có tính bền vững cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, đa dạng hóa mô hình SX tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, lúa và trồng màu trên bờ bao… góp phần tăng hiệu quả kinh tế.
Mô hình tôm - lúa theo hướng “lúa thơm - tôm sạch” góp phần cụ thể hóa đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.