| Hotline: 0983.970.780

Lúa thu đông được giá, diện tích vụ đông xuân dự báo tăng

Thứ Sáu 11/11/2022 , 09:15 (GMT+7)

ĐBSCL Hiện nay do xuất khẩu thuận lợi, tại ĐBSCL nguồn cung khan hiếm nên giá lúa thu đông tiếp tục tăng mạnh, bà con nông dân phấn khởi.

Thu hoạch lúa thu đông tại Trà Vinh. Ảnh: Minh Đảm.

Thu hoạch lúa thu đông tại Trà Vinh. Ảnh: Minh Đảm.

Trà Vinh lúa thu đông được giá

Thời điểm này đã vào cuối vụ thu đông, lúa trên đồng không còn nhiều nên giá lúa đã tăng đáng kể. Cụ thể, giá lúa tươi tại ruộng, OM5451 từ 6.500 – 6.650 đồng/kg, OM18 6.600 đồng/kg, Đài Thơm 8 6.800 đồng/kg, ST24-ST25 7.800 đồng/kg, tăng từ 100 – 200 đồng/kg so với hôm qua. Đặc biệt, lúa ML202 đang có giá từ 7.000 - 7.250 đồng/kg, tăng từ 500 – 700 đồng/kg so với cách đây 1 tháng.

Nói về nguyên nhân giá lúa tăng, bà Phạm Tím Em, một thương lái chuyên thu mua lúa tại ĐBSCL cho biết: Giá lúa tăng cao trong khoảng 1 tháng nay. Vụ này, nông dân bỏ vụ nhiều, thời tiết mưa bão nên sản lượng lúa thấp. Bên cạnh đó, thời điểm này đã cuối vụ nên không còn lúa trên đồng. Còn lúa gà ML202 tăng do nhu cầu tiêu thụ trong nước chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. “Lúa Trà Vinh, Gò Công đang mở đồng, lúa Tây Ninh đã mở đồng trước nhưng gần hết rồi. Bạc Liêu thì chưa chín, các nơi khác đang sạ vụ mới”, bà Tím Em nói.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, tại huyện Càng Long, nông dân đã thu hoạch trà lúa sớm với diện tích 53,5ha, năng suất đạt 3,39 tấn/ha. Trà lúa của tỉnh đang giai đoạn sinh trưởng 9.573ha, đòng - trổ 49.474ha, chín 5.639ha, giảm gần 9.000ha so với kế hoạch.

Nói về diện tích lúa thu đông giảm, ông Lê Trường Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Trà Vinh cho biết: Diện tích giảm do nông dân giãn vụ, “cắt vụ” để chuẩn bị cho xuống giống vụ lúa đông xuân sớm năm 2022 - 2023. Năm nay điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn rơi vào thời điểm mưa bão cộng với giá vật tư nông nghiệp tăng cao nên vụ lúa thu đông khó đạt theo kế hoạch xuống giống. Bù lại, trong vụ đông xuân khả năng sẽ tăng mạnh về diện tích và có nhiều thuận lợi hơn khi thời điểm xuống giống sớm, ít chịu tác động của khô hạn, mặn đe dọa như hàng năm.

Nguồn cung khan hiếm nên giá lúa tiếp tục tăng. Ảnh: Trọng Linh.

Nguồn cung khan hiếm nên giá lúa tiếp tục tăng. Ảnh: Trọng Linh.

Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam những ngày đầu tháng 11 vẫn đang giữ ở mức 425 - 430 USD/tấn, cao hơn hàng của Thái Lan khoảng 20 USD/tấn, điều này khiến giá lúa trong nước tiếp tục tăng do doanh nghiệp xuất khẩu tăng thu mua để hoàn thành các hợp đồng đã kí.

Bạc Liêu diện tích lúa đông xuân dự báo tăng

Tương tự, tại tỉnh Bạc Liêu ước khoảng 9.000ha đất trống bỏ vụ. Chỉ riêng huyện Vĩnh Lợi có khoảng 4.500ha đã bỏ vụ. Gia đình anh Trịnh Văn Tiệp (ấp Trung Hưng 3, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) có 1ha đất ruộng nhưng vụ này anh quyết định không xuống giống. Anh cho hay sản xuất quá nhiều rủi ro, không đảm bảo lợi nhuận nên đành bỏ vụ, để cho đất nghỉ ngơi chờ vụ sau.

Thông tin về vấn đề này, ông Trần Văn Na - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bạc Liêu cho hay: Diện tích xuống giống theo kế hoạch 44.230ha. Tuy nhiên, do giá vật tư vẫn còn mức cao, nông dân sản xuất không có lãi và tình hình mưa bão thất thường, nên nhiều nông dân bỏ vụ. Diện tích thu đông không đạt theo yêu cầu đạt ra.

Theo ngành chức năng địa phương, đây cũng là dịp để nơi nào không có điều kiện, trũng thấp cơ cấu lại mùa vụ, như sản xuất 2 vụ lúa ăn chắc. Cũng theo ông Trần Văn Na nơi nào có điều kiện làm thì địa phương vận động nông dân xuống giống đồng loạt, không thì để đất nghỉ ngơi, dưỡng độ phì nhiêu cho đất. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện cho vụ đông xuân được tốt hơn.

Đối với lịch thời vụ đông xuân, ông Na cho biết thêm sẽ tuỳ theo tình hình sản xuất trà lúa thu đông sẽ điều chỉnh thông báo đến bà con nông dân. Kế hoạch là 48.230ha, tuy nhiên khả năng sẽ tăng lên trên 58.000ha do một phần diện tích bỏ vụ thu đông nông dân sẽ sản xuất đông xuân sớm.

Trước tình trạng nông dân bỏ sản xuất vụ lúa thu đông, để giảm chi phí sản xuất trong điều kiện khó khăn, ngành NN-PTNT các địa phương khuyến cáo nông dân thực hiện các mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); chương trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”. Áp dụng nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân cân đối. Tăng cường sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ kết hợp giảm lượng phân bón hóa học, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành trong sản xuất.

Xem thêm
Tái đàn heo theo hướng tập trung và an toàn sinh học

ĐỒNG THÁP Huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đang tập trung phát triển ngành nuôi heo tập trung quy mô trang trại lớn, hướng an toàn sinh học gắn với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.

Số người đến tiêm phòng dại tăng gần 1.000 lượt, Vĩnh Long báo động

Tỉnh Vĩnh Long ghi nhận, từ đầu năm đến nay có 8.280 lượt người bị chó, mèo cắn đến tiêm vacxin phòng bệnh dại, tăng 915 lượt so với cùng kỳ năm 2023 (7.365 lượt).

Nông dân tự tin canh tác lúa phát thải thấp sau tập huấn

TRÀ VINH Sau buổi tập huấn, nông dân được trang bị kiến thức cơ bản, tự tin thực hiện tốt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ứng dụng công nghệ, gọi tôm cá về đồng ruộng

QUẢNG BÌNH Ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không chỉ giúp giảm chi phí, lợi nhuận tăng cao mà môi trường sinh thái đồng ruộng được phục hồi.